Vấn đề xây dựng Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Không chỉ là người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một Đảng kiên cường, trong sạch, vững mạnh.
Vấn đề xây dựng Đảng cũng là một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đầu tiên trong bản Di chúc.
Vượt qua ngôn ngữ, hình thức của một bản Di chúc thông thường, những vấn đề viết về xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc đã đạt đến tầm lý luận sâu sắc.
“Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc từ năm 1965 và nhiều lần chỉnh sửa (năm 1966, 1967), bổ sung (năm 1968, 1969). Nhưng dù có sửa lại hay bổ sung cho hoàn chỉnh thì vấn đề xây dựng Đảng vẫn luôn được Bác đặt lên vị trí hàng đầu.
Trong bản Di chúc được công bố năm 1969, Bác dành phần đầu tiên (sau lời giới thiệu về Di chúc) để “nói về Đảng.”
Trước tiên, Bác khẳng định vị trí, vai trò của Đảng: “Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.”
Đây là sự tổng kết mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc về vị trí, vai trò của Đảng. Thực tế cho thấy, từ khi được thành lập, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Tiếp đó, Đảng lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược.
Và cho đến thời điểm Người viết Di chúc, Đảng lãnh đạo Nhân dân tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, yếu tố cốt lõi mang đến sự thành công trong việc tổ chức, lãnh đạo của Đảng đó là “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc."
Đây chính là yếu tố quan trọng giúp cho Đảng có khả năng tổ chức, lãnh đạo, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc trong sự nghiệp cách mạng.
Do đó, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.”
Là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là cơ sở của đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế, là sức mạnh của Đảng và là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Có giữ gìn được đoàn kết trong Đảng mới giúp cho Đảng sáng suốt trong tổ chức, lãnh đạo Nhân dân, trong xác định đường lối cách mạng.
Ngược lại, Đảng không giữ gìn được sự đoàn kết, khác nào mắt bị hỏng con ngươi, như người mù không thấu tỏ đường đi. Đó chính là hàm ý sâu xa ẩn trong câu so sánh của Bác: “giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.”
Cùng với việc chỉ ra vai trò to lớn của sự đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra cách thức, phương pháp để thực hiện đoàn kết nhất trí trong Đảng.
Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”
Đây không chỉ là sự đúc kết, khái quát mang tầm lý luận sâu sắc mà còn là biểu hiện tầm cao trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu lên mối quan hệ giữa thực hiện dân chủ và đoàn kết trong Đảng: Không thực hiện dân chủ thì không đoàn kết được, nhất là dân chủ trong Đảng. Vì Đảng ta cầm quyền, không dân chủ trong Đảng thì làm sao dân chủ trong dân được. Nhờ có dân chủ mà Đảng ta đã khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Nhờ có dân chủ trong Đảng nên đã khắc phục được tình trạng bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng. Vì vậy, “thực hành dân chủ rộng rãi” là điều vô cùng cần thiết trong Đảng.
Bên cạnh đó, phê bình và tự phê bình cũng là một nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển và là vũ khí sắc bén của Đảng. Phê bình và tự phê bình không những để sửa chữa khuyết điểm trong Đảng, làm cho đảng viên tiến bộ và mạnh lên mà còn khẳng định Đảng thật sự chân chính. Khi căn dặn về thực hiện phê bình và tự phê bình trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý phải tiến hành “thường xuyên và nghiêm chỉnh.”
Bởi, nếu không được tiến hành thường xuyên, lúc làm, lúc không thì sự phê bình và tự phê bình không kịp thời; mặt khác, nếu tiến hành không nghiêm chỉnh, qua loa, hình thức, “dĩ hòa vi quý” thì không có hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng.
Người cũng không quên nhắc nhở các cán bộ, đảng viên “phải có tình thương yêu lẫn nhau.”
Bởi trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì mới thực hành được “dân chủ rộng rãi,” mới “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.” Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ dẫn đến dân chủ hình thức, tự phê bình và phê bình không nghiêm túc.
“Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”
Để tạo nên một tập thể đoàn kết và vững mạnh cần có sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy, đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Bởi có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước; có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ"; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt.... Có thể nói, đạo đức cách mạng chính là cơ sở giúp đảng viên và cán bộ giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng Nhân dân.
Muốn người dân nể phục và nghe theo, người cán bộ, đảng viên phải “thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.”
Trước đó, trong cuốn sách “Cần Kiệm Liêm Chính” được Bác tập hợp lại ngày 20/6/1949, Bác đã đưa đầy đủ các nội hàm của “tứ đức.”
Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai; kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi; liêm là trong sạch, không tham lam; chính nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn…
Bác nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”; “Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.
Câu cuối cùng ở phần nói về Đảng trong Di chúc, Bác căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhắc nhở rằng, trong học tập, lao động, công tác cũng như trong cuộc sống đời thường của từng người ở xã hội ta vào thời kỳ cách mạng nào cũng thế, nếu sự bất liêm, bất chính, lãng phí, tham ô, lười biếng, vô trách nhiệm, thu vén cá nhân, ích kỷ vì lợi ta hại người… còn lẩn khuất đâu đó thì đó chính là “kẻ thù nội xâm” nguy hiểm khôn lường.
Trong lần sửa Di chúc vào tháng 5/1968, khi đề cập đến công việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân thắng lợi, Bác đã căn dặn: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.”
Không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi hơn nửa thế kỷ, nhưng những lời dặn của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Thực hiện Di chúc của Người, 55 năm qua, Đảng ta đã không ngừng tự chăm lo xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) là sự tự phê bình, phê bình nghiêm túc, một cuộc chỉnh đốn lớn để đi đến hoạch định đường lối đổi mới. Hội nghị Trung ương 3, khóa VII (tháng 6/1992) về đổi mới, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng cho công cuộc đổi mới phát triển mạnh mẽ vượt qua thách thức của sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô.
Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã ban hành Nghị quyết Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Hội nghị Trung ương 4, khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, nhằm lập lại kỷ cương trong Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Và đến Hội Nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ; và Quy định mới Về những điều đảng viên không được làm.
Qua đó, Đảng ta tiếp tục khẳng định trình độ bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam từ nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, uy tín, vị thế trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng vẫn còn những hạn chế: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước…
Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; ráo riết tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc; triệt để lợi dụng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để thâm nhập nội bộ, thúc đẩy các yếu tố “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong.
Đứng trước tình hình thế giới và trong nước đang tạo ra cả thuận lợi và thách thức đan xen, toàn Đảng ta tiếp tục kiên định lập trường, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa."
Đồng thời, tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm, lãnh đạo đất nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
“Đặc biệt coi trọng và không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; Đảng phải huy động cho được toàn bộ trí tuệ, sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh thời đại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
“Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, Đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là ước vọng của toàn dân tộc 'Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới'”./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Chỉ có 1 loại thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế: Cần thay đổi để tạo công bằng giữa các doanh nghiệp
- Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp
- Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
- Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững