Nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc trong năm 2024
Duy trì mức tăng trưởng
Báo cáo năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, năm 2023, 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam lần lượt là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, ASEAN.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường duy nhất duy trì mức tăng trưởng dương trong năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm qua đạt 12,2 tỷ USD. Qua đó, đất nước “tỷ dân” vượt Hoa Kỳ để trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhận định, Trung Quốc vốn vẫn là một trong những thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường này đã không còn “dễ tính” với nhiều quy định về an toàn thực phẩm.
Hiện tại, nhiều ngành hàng đã ký thoả thuận qua các Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Vào năm 2021, Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248, 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm và quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Trung Quốc đã phê duyệt cho Việt Nam hơn 3.000 mã sản phẩm cho các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cụ thể, đến hết năm 2023, Việt Nam đã có 3.013 mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp. Trong số đó, có 1.570 mã số (chiếm 52%) là những nhóm ngành hàng có nguy cơ cao do 5 cơ quan thẩm quyền quản lý.
Số còn lại 1.443 mã số (chiếm 48%) do doanh nghiệp tự đăng ký theo Lệnh 248. Các nhóm ngành hàng nông sản thực phẩm được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Tín hiệu tích cực ngay đầu năm mới 2024
Theo nhận định của giới chuyên môn, năm 2024, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý sẽ hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung trong 3 Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, xuất khẩu cá sấu nuôi và xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đồng ý mở cửa thị trường và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục nhập khẩu cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, trong đó có bơ và chanh leo. Đây có thể xem là một tin mừng cho những người nông dân đang trồng các nông sản này tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gia cầm vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, để tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch tại khu vực biên giới, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hai bên sẽ tổ chức một cuộc họp giao ban giữa các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới để các đơn vị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh.
Hiện tại, ngay đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đã ghi nhận nhiều tín hiệu tín cực. Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả tháng 1/2024 ước đạt gần 459 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng liền kề trước đó và tăng 89,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân là do các đợt lạnh liên tục khiến nguồn cung nông sản trong nước của Trung Quốc giảm mạnh. Đồng thời, thanh long Trung Quốc đang cuối vụ trong khi nhu cầu làm vật phẩm thờ cúng trong Tết của người dân tăng cao. Qua đó, các sản phẩm sầu riêng, chuối, thanh long được Trung Quốc mua nhiều.