“Nổi tiếng một thời” nghề làm nón làng Thổ Ngọa
Một thời, nghề làm nón được khách thập phương ưa chuộng, do đó, người làm nón ở làng Thổ Ngọa cũng có thêm động lực để trau nghề, truyền nghề từ đời này qua đời khác. Nón lá không những là nghề giúp cho người dân trở nên khá giả mà nghề nón lá còn góp phần rất lớn giúp Thổ Ngọa lọt vào danh sách Bát danh hương ở tỉnh Quảng Bình.
Với lợi thế nguồn nguyên liệu làm nón đều dễ tìm ở địa phương, nên nghề nón thu hút hầu hết người dân trong làng tham gia. Từ ngày có nghề cầm tay, không ít người có “của ăn, của để” nhờ nón Ba Đồn và được nhiều người lựa chọn tin dùng. Để tạo ra nhiều sản phẩm nón lá đẹp mắt, thu hút được nhiều du khách mua làm quà tặng, những người làm nón lá ở Thổ Ngọa đã học thêm công đoạn thêu ren trên nón. Với những cuộn len đủ màu sắc, các bà, các chị đã tạo nên những mẫu hoa văn ấn tượng được thêu thủ công bằng tay lên mặt nón.
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, nghề nón của làng ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Ông tổ của làng nghề là một người họ Trần. Thời hoàng kim, thương hiệu nón Ba Đồn nổi tiếng từ trong Nam ra ngoài Bắc. Ở làng Thổ Ngọa, hầu hết các gia đình đều có người làm nón. Nhiều hộ huy động 100% nhân khẩu tham gia làm nghề. Đàn ông đảm nhận việc chẻ tre, tạo nên 16 vành tròn theo thứ tự của khuôn nón; phụ nữ, trẻ em xây nón, may nón.
Nghề làm nón thời còn hưng thịnh, chỉ cần ra chợ Họa là biết được “của nả” được hình thành từ nghề nón như thế nào. Theo lời kể của bà con, vẻ vang, bộ mặt làm nghề của làng được “phô diễn” hết trong mỗi phiên chợ Họa. Mỗi phiên chợ được xem là chợ nón bày bán rất nhiều sản phẩm nón lá và các nguyên liệu phục vụ cho nghề nón. Nhưng nay, chợ nón đã vơi đi nhiều, tháng vài phiên họp. Số hộ làm nón ở làng Thổ Ngọa cũng ít đi,... kéo theo đó, số hộ theo nghề nón là đã giảm mạnh. Theo ông Trần Đình Lập, trưởng làng Thổ Ngọa, hiện chỉ còn 30 - 40% số hộ theo nghề làm nón. Các hộ này cũng chỉ sản xuất cầm chừng và coi đó là một nghề phụ lúc nông nhàn.
Nón lá được người dùng ưa chuộng vào những dịp nắng nóng, đặc biệt là nghề làm nông “dầm mưa dãi nắng” mỗi lúc ra đồng, nhờ có những chiếc nón lá giúp người dân giải nhiệt và chống chịu với thời tiết oi bức mỗi lúc ra đồng. Ngày nay, nón vẫn được ưa dùng nhưng nhu cầu cũng đã giảm mạnh bởi tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng cao. Hơn nữa, số lao động nông thôn cũng đã giảm đáng kể theo xu hướng chuyển đổi ngành nghề. Do đó, việc sử dụng nón lá trong lao động sản xuất cũng vì thế mà giảm dần.
Để nghề làm nón không bị mai một theo thời gian, các bậc cao niên trong làng không quên dạy con cháu tiếp tục với nghề lúc nhàn rỗi dù không còn xem đó là nghề chính để mưu sinh. Trong khoảng sân nhỏ của mình, mặc dù tay không còn thoăn thoắt nhanh nhẹn do tuổi đã cao, nhưng bà Nguyễn Thị Tâm (67 tuổi) vẫn đang chỉ dạy đứa cháu của mình thực hiện các công đoạn của việc làm nón lá. Bà Tâm bộc bạch: "Tôi sợ sau này người ta sẽ quên dần cái nghề truyền thống của ông bà xưa để lại. Hàng ngày tôi vẫn dặn con cháu, nếu có thời gian rảnh thì học cách làm nón, không chỉ có thêm thu nhập mà còn giữ được cái nghề truyền thống của làng".
Trăn trở về nghề làm nón của làng, bà Tâm mong muốn: "Giá như làng nghề nón lá Thổ Ngọa cũng được đầu tư, vận hành theo hướng gắn với phục vụ du lịch như nghề dệt lụa ở Quảng Nam, làng dệt thổ cẩm Văn Giáo (An Giang), làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội)… thì chắc chắn thương hiệu “Nón Ba Đồn” sẽ không bao giờ mất".
Để neo giữ nghề, chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ bà con kịp thời. Qua trao đổi, ông Đào Minh Thọ - Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, thị xã cũng đã triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu nón lá của địa phương để mở rộng cơ hội đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, cũng đang có những chính sách khuyến khích người dân giữ gìn nghề truyền thống, nhất là nghề làm nón lá…