Nông nghiệp

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Đức Vượng - 07:48 10/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bởi sự an toàn và góp phần bảo vệ môi trường. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có liên kết theo chuỗi giá trị giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển nông nghiệp hữu cơ

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được nhiều chuyên gia đánh giá là đảm bảo hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn rất nhỏ trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Nghị quyết số 19-NQ/TW/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ “khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn”. Trước đó, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. 

Việt Nam có 11,3 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp, diện tích sản xuất hữu cơ mới hơn 170 nghìn. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta còn rất lớn khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này ở trong nước và thế giới ngày càng tăng lên.

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước và thế giới ngày càng gia tăng

Cả nước hiện có 62 địa phương thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Hơn 7.000 nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 60 đơn vị kinh doanh, phân phối, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 350 triệu USD/năm.

Hiện có 20 đơn vị xuất khẩu rau, quả, cà phê, gạo, hạt điều, hồ tiêu, đạt sản lượng 260 nghìn tấn/năm với thị trường chính là: Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan…

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng một số mô hình liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Điển hình như mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại các địa phương như: Sơn La, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế với quy mô 570ha. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã được nhân rộng lên 1.710ha và đã hình thành chín hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới góp phần gắn kết giữa ba nhà: Nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học; giá thu mua lúa cao hơn giá thị trường từ 1.200 đến 1.500 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường 5,3 triệu đồng/ha.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ với quy mô 125ha ở các địa phương là: Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng và Đồng Nai, hiệu quả kinh tế thông qua liên kết tăng từ 22 đến 156%... Các chuyên gia nông nghiệp đánh giá, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu. Từ đó, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới. Tuy nhiên, để có thể bước đi lâu dài, các mắt xích trong hệ thống sản xuất hữu cơ cần có sự liên kết chặt chẽ.

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Chủ tịch Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi có thể thực hiện theo liên kết ngang (nông dân - nông dân, hợp tác xã - hợp tác xã, doanh nghiệp - doanh nghiệp) hoặc liên kết dọc (nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp). Qua đó, giúp nâng cao giá trị và phát triển bền vững đối với cả ngành chăn nuôi và trồng trọt. 

Các địa phương đẩy mạnh mô hình liên kết theo chuỗi giá trị

Hiện nay, nhiều địa phương đã lập kế hoạch về các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ để kêu gọi, huy động các đơn vị cùng tham gia. Điển hình như tỉnh Bình Dương, cơ quan quản lý, chính quyền các cấp đã đồng hành chia sẻ, hướng dẫn và hỗ trợ từ phía chuyên gia trong lĩnh vực này. Hiện tỉnh này có 600ha diện tích sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ trên các loại cây trồng.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch về việc thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu đến năm 2025, duy trì diện tích trồng trọt đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu hiện...

Mô hình trồng bưởi, cam VietGAP của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Lập (huyện Phú Giáo, Bình Dương)

Tại tỉnh Lâm Đồng, theo thống kê của Sở Nông nghiệp Và Phát triển nông thôn, địa phương hiện có trên 1.500ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; trong đó, diện tích đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế là 1.308ha, chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam là 270ha.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 234 chuỗi liên kết với 31.092 hộ liên kết (28.159 hộ trồng trọt và 2.933 hộ chăn nuôi). Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 52.897ha với sản lượng 589.261 tấn, trong chăn nuôi đạt 1.054.715 con, sản lượng đạt 163.780 tấn.

Trong đó, có 97 chuỗi được ngân sách hỗ trợ hình thành và 137 chuỗi được các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chủ động xây dựng, phát triển thông qua sự lan tỏa từ các mô hình chuỗi liên kết sau khi nắm bắt được các lợi ích, giá trị khi tham gia chuỗi. 100% các sản phẩm được tiêu thụ thông qua chuỗi đều được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thông qua các hợp đồng liên kết; đối với rau các loại, sản lượng qua sơ chế đạt 73%, trong đó sản lượng qua chế biến đạt khoảng 23,1%.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều doanh nghiệp liên kết hợp tác với các đơn vị sản xuất hữu cơ, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao mang thương hiệu; tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ ở cả Trung ương và địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác