Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế đa giá trị và liên kết sản xuất
Tận dụng lợi thế địa lý để phát triển kinh tế
Nghi Lộc là huyện có lợi thế về giao thông và chiều hướng để đô thị hóa trong tương lai gần là một thế mạnh để kích cầu huyện phát triển về mọi mặt. Từ vị trí giáp ranh với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cảng biển; đồng thời, huyện còn có cả đồng bằng, miền núi và biển nên việc tích hợp để phát triển có nhiều triển vọng.
Để phát huy những yếu tố thiên thời đó, Nghi Lộc cần phải có chiến lược về việc quy hoạch, bố trí quỹ đất tại vị trí phù hợp cho việc trung chuyển, sơ chế và chế biến nguyên liệu và sản phẩm trong nông nghiệp hướng đến phát triển nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ. Hiện nay, Nghi Lộc đã quy hoạch vùng sản xuất dựa trên kinh nghiệm và truyền thống lâu nay của địa phương, từ đó có những định hướng đúng đắn giúp bà con sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh tư tưởng sản xuất ồ ạt theo phong trào làm ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm.
Nếu nói về trồng các loại hoa, rau, củ quả ứng dụng công nghệ cao mang lại thu nhập khá cao phải nhắc đến xã Nghi Long với gần 80ha và đang được mở rộng sang các xã Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Xá, Khánh Hợp... với tổng diện tích hơn 20 ha. Thu nhập mang lại từ sản xuất hoa, dưa, rau củ quả ở mô hình sản xuất công nghệ cao đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm.
Ở những vùng có diện tích đất đồi, đất cao cưỡng trồng lúa không hiệu quả, người dân đã chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao như: Trồng hành tăm ở các xã Nghi Lâm, Nghi Thuận, Nghi Văn với diện tích gần 150 ha; trồng nghệ ở Nghi Kiều gần 20ha; trồng măng tây ở Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Công Nam... với diện tích hơn 10ha. Giá trị sản xuất bình quân của ngành Nông nghiệp huyện đã đạt xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, Nghi Lộc cũng đã có Khu công nghiệp Nam Cấm, WHA, cụm công nghiệp tập trung ở Nghi Lâm… vừa giải quyết khâu lao động việc làm vừa là nhân tố tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại chỗ cho người dân địa phương. Đó là nhân tố có tác động không nhỏ trong quá trình tái cơ cấu ngành nghề và góp phần vào sự phát triển của Nghi Lộc cho thời gian tới.
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, huyện Nghi Lộc vẫn tiếp tục duy trì lộ trình tiến lên, hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM. Những kết quả đạt được đó nhờ vào sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân và cả hệ thống chính trị. Trong đó, phải kể đến yếu tố tích cực hiến đất mở đường, đồng sức đồng lòng góp công, góp của xây dựng NTM từ người dân. Lộ trình xây dựng NTM của huyện đến năm 2025 phấn đấu từ 2-4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (2/3 số xã); các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trở lên. Toàn huyện đang phấn đấu đạt bình quân 13,57 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trên mỗi xã (tăng 6,82 tiêu chí/xã so với năm 2020), đạt 45,32 nội dung tiêu chí trên mỗi xã (tổng số 46 nội dung), tăng 10,57 nội dung so với năm 2020.
“Để tạo hiệu ứng tốt cho người dân trong phong trào xây dựng NTM, huyện tiếp hỗ trợ xây dựng trường chuẩn, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, hỗ trợ xây dựng mô hình cải cách hành chính, hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, hỗ trợ thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản và kinh phí để tiêu chuẩn hoá xã sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, thưởng cho các xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao năm 2022, mỗi xã 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng” - ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.
Chú trọng bảo vệ môi trường sống
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ song hành luôn luôn được đặt lên vị trí hàng đầu hiện nay. Với phương châm “phát triển và bảo vệ” vì một huyện Nghi Lộc xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường. Đây cũng là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Một trong những giải pháp được chú trọng là nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu; nâng cao tỉ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình; cải thiện việc thu gom và tập kết chất thải tại các điểm tự phát; hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp; cải tạo và khôi phục cảnh quan tại các tuyến kênh mương.
Giải pháp đồng thời của huyện là tuyên truyền, vận động người dân, phân công rõ trách nhiệm đối với các tổ chức đoàn thể, các cụm dân cư để phát động, duy trì hoạt động vệ sinh môi trường; xây dựng mô hình điểm về cảnh quan môi trường nông thôn; khắc phục tình trạng tập kết phế thải và đảm bảo hành lang an toàn giao thông; nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm lượng rác thải phát sinh; xử lý, tái sử dụng chất thải hữu cơ; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, khu công nghiệp đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.
Các địa phương trong huyện đã hình thành và nhân rộng các tuyến đường hoa, bổ sung cây xanh, bóng mát tại các khu vực công cộng. Chỉ tính riêng năm 2021, toàn huyện đồng loạt ra quân 15 ngày chủ nhật xanh với sự tham gia hơn 5.000 đoàn viên thanh niên, thu gom được gần 25 tấn rác thải; vệ sinh được hơn 8km đường dọc bãi biển; phát quang, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa được 60 km đường giao thông nông thôn; trồng và chăm sóc hơn 10.426 cây xanh, nạo vét được 2.050 m tuyến mương.
Ông Nguyễn Huy Tùng, một người dân trú tại thị trấn Quán Hành cho biết: Công tác bảo vệ môi trường, thu gom rác thải tập trung đã được chính quyền các cấp tích cực, kịp thời vào cuộc để khắc phục sau khi có ý kiến, kiến nghị của người dân và được người dân đồng tình cao. Chính sự quyết liệt đó mà nay trên địa bàn thị trấn đã không còn nạn rác thải vây quanh vỉa hè, các lối ra vào khu dân cư tồn tại lâu nay. Nhờ đó, người dân được nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung vì môi trường sống lành mạnh ngay tại khu xóm./.