Cơ giới hoá giúp nông dân Lộc Quang tăng năng suất và chất lượng cuộc sống
Thời gian qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, nông dân xã Lộc Quang đã đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa nước. Việc này không chỉ giải phóng sức lao động, giảm chi phí mà còn tiết kiệm thời gian, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững.
Từ cơ giới hoá làm lúa nước
Vài năm trước, vào vụ thu hoạch, ông Nguyễn Văn Ban ở xã Lộc Quang phải thuê nhiều nhân công, từ gặt đến gánh lúa, do các chủ ruộng đồng loạt gặt cùng thời điểm nên nhân công thiếu hụt và giá tăng cao. Thời gian gần đây, gia đình ông Ban cũng như nhiều hộ dân trong xã đều thuê máy gặt đập liên hoàn. Chỉ hơn 1 giờ, gần 4 sào lúa của gia đình ông đã được thu hoạch nhanh gọn, chi phí chỉ gần một nửa thuê nhân công gặt bằng tay.
Ông Ban chia sẻ: “Gia đình tôi làm ruộng ở đây hơn 20 năm rồi, từ dùng trâu để cày đất đến gặt rồi gánh lúa, vất vả lắm. Bây giờ toàn bộ đều dùng máy móc, nông dân làm ruộng ở đây khỏe lắm, không phải tốn nhiều công sức như trước nữa”.
Máy gặt lúa giảm công lao động cho người nông dân ở huyện Lộc Ninh
Phun thuốc trừ sâu trên đồng ruộng là một trong những công đoạn quan trọng, nhưng cũng là công việc độc hại, ảnh hưởng sức khỏe nông dân. Nhận thấy điều này, cách đây hơn 1 năm, anh Nguyễn Văn Phúc ở ấp Việt Quang, xã Lộc Quang bỏ ra hơn 290 triệu đồng đầu tư máy bay mini phun thuốc. Ngoài phục vụ cho ruộng gia đình, anh còn đi phun thuốc thuê cho các hộ trồng lúa trong xã và vùng lân cận. Ưu điểm phun thuốc bằng máy bay mini là nhanh gấp 10 lần so với cách truyền thống. Đặc biệt, cách làm này đảm bảo an toàn lao động cho nông dân, từ đó, góp phần giúp người dân giải phóng sức lao động trong sản xuất.
Đến tăng vụ mang lại hiệu quả kinh tế
Xã Lộc Quang hiện có 2 hệ thống cung cấp nước tưới tiêu là hồ Lộc Quang và hệ thống thủy điện Srok Phu Miêng. Quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các công trình thủy lợi, kênh mương luôn được Nhà nước chú trọng đầu tư. Toàn xã hiện có gần 17km kênh mương nội đồng được đầu tư kiên cố hóa đảm bảo nguồn nước tưới chủ động cho hơn 660 ha đất nông nghiệp, trong đó, đảm bảo thường xuyên và ổn định nguồn nước phục vụ tưới cho gần 317 ha lúa, sản xuất từ 2-3 vụ/năm.
Gia đình chị Trần Thị Tin ở ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang có gần 2 sào lúa, khi trước chỉ có thể sản xuất 1-2 vụ/năm. Nhưng 2 năm trở lại đây, từ khi có hệ thống kênh mương đảm bảo nguồn nước ổn định, gia đình chị đã tăng lên 3 vụ/năm, năng suất cũng cao hơn so với trước. Chị Tin cho biết: Gia đình ít ruộng lại đông người, 1 năm chỉ làm được 1-2 vụ thì khó khăn lắm. Khi Nhà nước đầu tư kênh mương dẫn nước về tận ruộng, mình làm được 3 vụ/năm nhờ vậy có thêm thu nhập, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn.
Mùa lúa bội thu đã góp phần giảm nghèo bền vững ở tỉnh Bình Phước.
Từ chỗ hệ thống kênh mương được đầu tư đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, nông dân cũng đã thay đổi tư duy sản xuất. Đến nay, hầu hết các hoạt động sản xuất lúa của người dân trên địa bàn xã đều được cơ giới hóa bằng máy móc từ khâu làm đất đến thu hoạch. Áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, đồng thời đáp ứng khung lịch thời vụ cho nông dân. Điều này, giúp nông dân nâng cao hệ số sử dụng đất cũng như năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích. Do đó, thu nhập tăng lên, cuộc sống nông dân ổn định, đặc biệt là với bà con dân tộc thiểu số ở xã này.