Xứ Thanh chuyển mình nhờ nông thôn đổi mới
Phát huy lợi thế để tạo sức bật mới
Thanh Hóa là tỉnh lớn, khoảng 80% dân số tập trung tại khu vực nông thôn. Với đặc thù 3 vùng riêng biệt (Đồng bằng ven biển, trung du và miền núi), việc áp dụng Chương trình xây dựng NTM có ý nghĩa hết sức quan trọng cho hoạch định phát triển dài lâu của vùng đất địa linh nhân kiệt. Lợi thế lớn nhưng áp lực cũng nhiều, để hướng đến giá trị bền vững nhất thiết phải nhập cuộc với quyết tâm chính trị cao, phải tạo dựng được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.
Xác định rõ chủ trương, quan điểm trong xây dựng NTM nên ngay từ khi mới bắt đầu triển khai, Thanh Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch, áp dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo, qua đó sớm mang lại hiệu quả thiết thực. Không ngẫu nhiên tỉnh được Trung ương đánh giá cao và tham khảo để ban hành hướng dẫn thực hiện trên phạm vi cả nước (quy hoạch 3 trong 1; quy trình lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM; xây dựng NTM cấp thôn, bản; cơ chế để lại 100% nguồn thu đấu giá đất cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM).
Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM Thanh Hóa khẳng định: Sau hơn 10 năm triển khai, công cuộc xây dựng NTM ở Thanh Hóa đã có sự chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Ghi nhận đến thời điểm này, toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện, thành phố; 333 xã, 891 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã, 93 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Nhịp sống NTM lan tỏa khắp hang cùng ngõ hẻm, diện mạo từ thành thị đến nông thôn đều có bước chuyển đáng kinh ngạc. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng tầm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân tăng nhanh... Chừng đó đủ thấy hiệu ứng lan tỏa của chương trình NTM lớn đến nhường nào.
“NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” đó là hành trình để Thanh Hóa tiếp tục củng cố và nâng cao các tiêu chí. Để làm được điều này, tỉnh cũng nỗ lực nâng cao hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau 3 năm triển khai, dù còn những khó khăn, nhưng với cách tiếp cận linh hoạt, Thanh Hóa đã phát triển, đánh giá và xếp hạng được 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (3-4 sao).
Đáng chú ý, các sản phẩm sau khi được công nhận, xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều ghi nhận mức độ tăng trưởng cả về quy mô, số lượng lẫn doanh thu (tăng khoảng 15-20%). Nhìn chung, Chương trình OCOP bước đầu đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm của từng vùng, từng địa phương, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước xóa bỏ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt là khu vực miền núi.
Tiếp tục nâng tầm về chất
Trên thực tế, mặc dù nêu cao quyết tâm thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên do ảnh hưởng của Covid-19 đã làm xáo trộn không nhỏ đến việc bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của Thanh Hóa. Trong khi hầu hết các xã chưa đạt chuẩn có xuất phát điểm thấp (thuộc khu vực miền núi, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc huyện nghèo 30a), điều này đặt ra những thách thức đặt ra không nhỏ.
Trong khi đó, cũng như nhiều địa phương khác, ngành Nông nghiệp của Thanh Hóa tuy có bước phát triển nhưng chưa ổn định, nhìn chung còn phụ thuộc nhiều vào thiên tai, thời tiết, thị trường. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, kinh tế hộ vẫn chiếm phần đa, kết nối thị trường chưa thông suốt; công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế...
Qua hơn 10 năm thực hiện xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hóa đúc kết được nhiều kinh nghiệm mang tính cốt lõi. Trong đó, nổi bật là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các đoàn thể, vai trò của người đứng đầu là yếu tố tiên quyết. Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền để tất cả hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về “chủ trương lớn” trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Tỉnh cũng xác định xây dựng NTM phải gắn với phát triển kinh tế nông thôn, sát với quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Quá trình thực hiện không thể thụ động, phải linh hoạt, sáng tạo, song song với nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước cần phát huy hiệu quả nguồn lực trong dân nhằm xây dựng hạ tầng thiết yếu, tạo sức bật để các địa phương khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Trong giai đoạn mới, chương trình xây dựng NTM đòi hỏi phải nâng tầm về “chất”. Từ bệ phóng này, Thanh Hóa đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM (trong đó 4 huyện và 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% số xã và 10% số thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã. Bình quân mỗi xã có 1 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (từ 3 - 4 sao). Toàn tỉnh có 05 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia (5 sao) trở lên.
Để cụ thể hóa mục tiêu, Thanh Hóa đề ra những giải pháp cụ thể. Nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục tăng cường, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia thực sự có hiệu quả. Tiếp tục đề cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia, đưa NTM đi vào chiều sâu. Tỉnh cũng sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù cho các xã miền núi, xã khó khăn để khuyến khích, kích cầu, tạo sức bật.
Theo ông Dương Văn Giang, trong giai đoạn hiện nay, nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn giữ vai trò trọng tâm, là trụ đỡ, là nền tảng trong phát triển KT-XH. Trên tinh thần đó, phải tập trung phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, triển khai sâu rộng Chương trình OCOP theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng tầm thương hiệu để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường… Đây chính là những đột phá để NTM ở Thanh Hóa tiếp tục vươn lên tầm vóc mới.
Thanh Hóa đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM (trong đó 4 huyện và 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% số xã và 10% số thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã.