Yên Mỹ phát huy vai trò Hợp tác xã trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP
Thành công của mô hình trồng rau an toàn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Phú
Tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương với thế mạnh sản xuất rau màu quanh năm, từ năm 2012, Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Tổ chức JICA (Nhật Bản) triển khai mô hình sản xuất rau sạch theo hướng VietGAP tại xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) với diện tích 3ha. Tham gia mô hình, người dân được tập huấn kỹ thuật từ việc làm đất, phun thuốc, bón phân cho tới sơ chế, vận chuyển rau sạch... Đây chính là xuất phát điểm của thương hiệu Rau sạch VietGAP Yên Phú.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Phú có 5 sản phẩm rau màu đạt chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Hưng Yên. (Ảnh T.L)
Với hình thức sản xuất mới, việc trồng rau đều phải tuân theo các quy trình nghiêm ngặt. Theo đó, đất trồng rau luôn được làm sạch trước các kỳ gieo trồng, hàm lượng ure, nitrat được khống chế ở mức dưới ngưỡng, nguồn nước tưới tiêu là nước sạch. Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm cung cấp hạt giống, vật tư nông nghiệp của dự án hỗ trợ cho nông dân. Trong quá trình chăm sóc rau, phòng trừ sâu bệnh, nông dân được cán bộ quản lý trực tiếp cung cấp phân bón hữu cơ sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc thời gian cách ly 3-7 ngày và được hướng dẫn chi tiết về việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Hàng tháng, cán bộ quản lý hợp tác xã tổ chức buổi trao đổi, đánh giá, nhận xét với bà con. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất của các hộ nông dân.
Các hộ nông dân cũng đang quen dần với việc trang bị đầy đủ các loại đồ bảo hộ như găng tay, ủng, kính mắt, khẩu trang… trước khi ra đồng. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón được HTX xã Yên Phú quản lý chặt chẽ. Các hộ được hướng dẫn chi tiết từ chủng loại, thời gian, liều lượng, đến kỹ thuật phun đảm bảo an toàn như không phun ngược chiều gió, mặc quần áo bảo hộ chuyên dụng, tắm giặt đúng cách sau khi phun…
Anh Nguyễn Hữu Hưng- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Yên Phú chia sẻ: “HTX Yên Phú được chuyển đổi và hoạt động theo luật HTX vào năm 2012, sớm nhất trong huyện Yên Mỹ. Đến nay HTX đã có 193 thành viên với diện tích canh tác hoa màu 15,5ha thuộc 2 thôn Mễ Thượng và Mễ Hạ với 20 chủng loại sản phẩm được chứng nhận VietGAP, chủ yếu là cải ngọt, cải chíp, su hào và bắp cải, bầu bí và các loại rau gia vị… mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/ha. Mới đây, các loại rau màu như: Cải ngọt, cải ngồng, cải bó xôi, cà chua, mướp hương là những sản phẩm của HTX Yên Phú đạt Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Hưng Yên”.
Qua nhiều năm triển khai dự án, nông dân xã Yên Phú đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, tiếp thu được nhiều kỹ thuật sản xuất mới, phục vụ ngay trên đồng ruộng của mình. Hiện tại, vùng rau Yên Phú đa phần sản xuất theo mùa vụ, chỉ có khoảng 30 hộ thử làm các loại rau ăn lá, gia vị trái vụ. Tổng sản lượng khu vực trồng rau sạch toàn xã đạt 150 tấn/tháng. Để giải quyết đầu ra, HTX đứng lên làm đầu mối, ký kết với hơn 10 đơn vị thu mua. Tuy nhiên, số này mới chỉ giải quyết được 30 – 40% sản lượng rau. Phần còn lại, các Công ty, đại lý tự thỏa thuận ký hợp đồng thu mua với người dân. Với việc không ngừng thay đổi tư duy làm nông nghiệp, mạnh dạn tìm hướng đi khác biệt với cách làm cũ, có ý thức trách nhiệm với sản phẩm của mình tạo ra. Bởi vậy, rau củ quả sạch xã Yên Phú đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, là lựa chọn tin cậy cho bữa ăn của các gia đình.
Khu nhà lưới sản xuất rau an toàn theo VietGAP của HTX DVNN Yên Phú. (Ảnh TL)
Đặc biệt, HTX đang sử dụng hệ thống nhà lưới hiện đại để sản xuất rau, quả vụ Đông cho sản phẩm sạch bệnh, chất lượng cao, đồng thời tiết kiệm nguồn nước, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả canh tác. Mô hình sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP của HTX DVNN xã Yên Phú đang tạo hiệu ứng tích cực, nâng cao hiệu quả kinh tế, thay đổi tư duy về sản xuất an toàn của người nông dân.
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất hiện đại gắn với an toàn lao động, hiệu quả sản xuất của HTX liên tục gia tăng. Hiện, bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp 1 - 1,5 tấn rau, củ sạch các loại cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm uy tín.
Nhờ sự hỗ trợ của HTX, các thành viên chủ động đưa các giống mới vào trồng, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể, giá bán cũng cao hơn giá thị trường 10 - 30%. Thay đổi lớn nhất của các thành viên khi đồng hành cùng HTX là ý thức về vệ sinh thực phẩm và an toàn lao động. Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng đã dần được loại bỏ. Trong quá trình sản xuất, các thành viên liên kết được HTX tổ chức tập huấn, phát tài liệu để nắm vững quy trình sản xuất an toàn, để qua đó đảm bảo năng xuất, an toàn lao động.
Khuyến khích các HTX, THT xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn, gia tăng sản phẩm OCOP
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Yên Mỹ cũng phối hợp với các địa phương để hướng dẫn, vận động nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản xuất nông sản theo hướng an toàn, VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc, mở rộng và phát triển thêm các sản phẩm đăng ký đạt chứng nhận OCOP của địa phương.
Các lớp hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng và tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ Xuân cho các hộ nông dân thường xuyên được tổ chức, thu hút hàng trăm lượt người tham gia.
Ý thức về sản xuất an toàn của người dân tại Yên Mỹ ngày càng được nâng lên (Ảnh TL)
Việc phát huy tốt các chính sách hỗ trợ đang giúp huyện Yên Mỹ gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân, đưa huyện trở thành một trong những điểm sáng nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Theo ông Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hưng Yên, đến nay, toàn tỉnh có 140 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 51 chủ thể tham gia. Trong đó, có 71 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là sản phẩm của HTX, có 33 HTX tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, chiếm gần 65% số chủ thể tham gia. Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có 30-40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên.
Sản xuất nông nghiệp an toàn tiếp tục là hướng đi được ngành Nông nghiệp huyện Yên Mỹ thúc đẩy. (Ảnh TL)
Để các HTX tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP, thời gian tới, Chi cục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục phối hợp với các địa phương, HTX tuyên truyền các nội dung của Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021- 2025; tiếp tục triển khai các lớp tập huấn, phát triển sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…