Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch được chú trọng trong xây dựng nông thôn mới
Xây dựng miền quê xanh, sạch, đẹp
Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 64/92 xã (70% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 13/92 xã (14,1% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; không còn xã dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung trên địa bàn toàn tỉnh là 16,6 tiêu chí/xã qua đánh theo Bộ tiêu chí cũ. Tỉnh đang khẩn trương đánh giá theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Xác định tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất, ngay khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn, từng bước thay đổi căn bản nhận thức, thói quen, tập quán của cộng đồng về sự cần thiết thực hiện tiêu chí môi trường.
Năm 2022 có nhiều mô hình bảo vệ môi trường đã ra đời, như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới; “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, “Gia đình không có bạo lực và tệ nạn xã hội”, “Phụ nữ bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ trồng rau an toàn”, “Thu gom rác thải”… Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; triển khai và giải ngân tín chấp với các Ngân hàng cho hơn 64.000 hộ được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế, tăng thu nhập cải thiện đời sống với tổng số vốn vay hơn 2.300 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội cũng tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới với 405 buổi tuyên truyền đã được tổ chức cho hơn 33.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ tiếp cận về chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, gia đình, cộng đồng xã hội…
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể của mình, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đặc biệt là tiêu chí môi trường. Hàng năm, Hội đều đưa chỉ tiêu xây dựng mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thành một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại cơ sở Hội hàng năm. Từ đó, Hội Nông dân các huyện, các xã đã tổ chức cho các chi, tổ hội đăng ký các chỉ tiêu: Không có người vi phạm bảo vệ môi trường, không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn…
Mới đây, từ ngày 06/3 – 14/4/2023, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 24 lớp tập huấn về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường cho 666 hội viên, nông dân trên địa bàn các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Tại các lớp tập huấn, giảng viên nguồn TOT của tỉnh, huyện và xã trực tiếp truyền đạt kết hợp thực hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc” giúp nông dân hiểu và nắm vững cách thức thực hiện các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, gồm: Kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Đồng thời, hội viên, nông dân tại các địa phương đã tích cực trao đổi, thảo luận làm rõ thực trạng xử lý rác thải, các chất thải nông nghiệp hiện nay và những tác động, ảnh hưởng tới môi trường, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, những năm qua, Hội Nông dân các cấp có nhiều thành tích nổi bật trong việc vận động hội viên, nông dân trên địa bàn tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng NTM. Thông qua công tác tuyên truyền và thực hiện các mô hình đã đem lại những hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động cụ thể về bảo vệ môi trường của cán bộ, hội viên nông dân ở các địa phương trong tỉnh. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi ở, trong sản xuất của hội viên từng bước được nâng lên. Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp các cơ sở Hội, vận động hội viên nông dân chung tay xây dựng các công trình công cộng về bảo vệ môi trường, góp phần hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững, kiến tạo môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.
Về xã Diên An, đi trên các tuyến đường, dọc hai bên lề đường, các loài hoa đua nhau khoe sắc. Đây là thành quả sau gần 4 năm triển khai thực hiện mô hình “Tuyến đường hoa” của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã phát động. Ngoài ra, nhiều người dân đã chủ động trồng hoa ở các đoạn đường ngõ xóm và trong khuôn viên nhà mình. Định kỳ hàng tháng, quý và vào các ngày lễ, Tết, người dân đồng loạt ra quân dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh…
Ông Hà Văn Đông - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Diên Khánh cho biết, thời gian qua, các xã, thị trấn ngày càng có nhiều mô hình mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Riêng năm 2022, đã có 65 mô hình tự quản hiệu quả được Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện công nhận trên các lĩnh vực như: An ninh trật tự; vệ sinh môi trường; phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo; xây dựng cảnh quan sáng xanh - sạch - đẹp; an toàn vệ sinh thực phẩm; thắp sáng đường quê; tuyên truyền phổ biến pháp luật... Các mô hình đã góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động nhân dân tích cực tham gia nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tiếp tục nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn
Năm 2023, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng môi trường sống. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các địa phương kiểm tra, xử lý vệ sinh môi trường tại các điểm dân cư, nơi công cộng, tổ chức thu gom rác thải và tập kết tại các bãi rác theo quy định. Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung mới so với Bộ tiêu chí giai đoạn cũ nên cần có sự nỗ lực của địa phương, đặc biệt là vai trò của các đoàn thể và sự tham gia tích cực của người dân để hoàn thành tiêu chí. Khánh Hòa tiếp tục thực hiện việc rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện Chương trình trên địa bàn. Trong đó tập trung vào việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù cho công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn phù hợp với điều kiện của địa phương; đánh giá các mô hình cấp nước, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm đã được triển khai trên địa bàn tỉnh; xác định các mô hình có hiệu quả cần nhân rộng; truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình như xây dựng các chương trình chuyên đề, chuyên mục định kỳ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát sóng định kỳ trên các đài truyền hình, truyền thanh, báo viết, báo điện tử; phát động các phong trào thi đua chuyên đề; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; rà soát các nội dung, giải pháp của chương trình để lồng ghép thực hiện trong các nhiệm vụ, giải pháp của cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung chương trình.
Ông Huỳnh Quang Thành, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 70%, cần tập trung triển khai đồng bộ những giải pháp: Tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước nông thôn phù hợp với Quy hoạch cấp nước nông thôn của tỉnh và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt, đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2025; chú trọng đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung có dây chuyền công nghệ xử lý nước hoàn chỉnh, quy mô cấp nước liên xã và chỉ giao nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng công trình đối với đơn vị đủ năng lực, trình độ chuyên môn, đồng thời gắn liền với công tác quản lý, sử dụng và khai thác nhằm phát huy hiệu quả và duy trì tính bền vững; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển và quản lý hiệu quả mạng lưới các công trình cấp nước tập trung hiện hữu. Đồng thời, tiếp tục sử dụng nguồn vốn chính sách tín dụng cho cấp nước sạch, hỗ trợ đối với việc đầu tư công trình cấp nước quy mô nhỏ, hộ gia đình phục vụ sinh hoạt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trên các đảo có đông dân cư, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán.
Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 74 xã (80% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 37 xã (40% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã (10% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; huyện Diên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thành phố Cam Ranh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.