Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên đối thoại với nông dân
Hội nghị đối thoại được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Dự hội nghị có lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, các sở, ban, ngành và hơn 50 hội viên nông dân tiêu biểu tham dự đối thoại thoại trực tiếp tại điểm cầu tỉnh; hơn 400 đại biểu, nông dân dự tại điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Đây là Hội nghị đầu tiên gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với đại diện nông dân trong tỉnh. Thông qua buổi đối thoại này sẽ giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh cập nhật, nắm bắt được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế của tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị đối thoại cũng là dịp để UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương lắng nghe ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người nông dân trên địa bàn tỉnh về các vấn đề mà người nông dân quan tâm, thông qua đó để UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời có những giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn nhằm đáp ứng nguyện vọng của nông dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã đề nghị đại diện các hộ nông dân tại Hội trường cũng như các hộ nông dân tại 10 điểm cầu trực tuyến ở các huyện, thị xã và thành phố hãy mạnh dạn, thắng thắn tham gia phát biểu ý kiến. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các hộ nông dân tại hội nghị, UBND tỉnh sẽ trực tiếp trả lời, giải đáp và giao đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan giải đáp tại hội nghị để người dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đối với ý kiến, kiến nghị cần thời gian để kiểm tra, rà soát làm rõ, UBND tỉnh sẽ giao các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu và sẽ có văn bản trả lời, thông báo đến nhân dân.
Tại hội nghị, có 14 đề xuất, kiến nghị của các hội viên nông dân xoay quanh các nội dung như: Chính sách về thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nhằm giải quyết nhu cầu việc làm của lao động nông thôn; giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng cây mắc ca; việc chi trả tiền cho các hộ dân góp đất và thanh toán tiền công cho công nhân thuộc dự án liên kết trồng cây mắc ca giữa công ty Maccadamia Điện Biên và người dân huyện Tuần Giáo; giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm để phát triển quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa; điều chỉnh chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các lưu vực sông Đà và sông Mã; tăng nguồn vốn vay ủy thác cho hội viên nông dân thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế; tăng cường tìm kiếm thị trường đầu ra, giúp nông dân liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản; kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất HĐND tỉnh nâng phụ cấp hỗ trợ cho các chức danh Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tại địa phương.
Trên tinh thần cầu thị, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và lắng nghe, các ý kiến tại hội nghị đã được Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời trực tiếp, cung cấp thêm các thông tin đến hội viên nông dân và nhận được sự đồng thuận của các đại biểu nông dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã cảm ơn sự có mặt và tiếp thu những ý kiến góp ý chân thành, thắng thắn, xây dựng và trách nhiệm cao của các đại biểu đối với sự phát triển của tỉnh. Ông Lê Thành Đô đã đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Kế hoạch số 3099/KH-UBND ngày 21/7/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động số 04-CTrHĐ/TU ngày 16/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thường xuyên bám sát địa phương, cơ sở, tâm tư nguyện vọng của người nông dân để có giải pháp tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn nông dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ; kịp thời đề xuất, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân trên địa bàn. Đối với các cấp Hội Nông dân trong tỉnh và toàn thể cán bộ, hội viên nông dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
“Cuộc đối thoại hôm nay đã diễn ra hết sức dân chủ, công khai, thẳng thắn và thể hiện tính xây dựng rất cao. Các ý kiến của nông dân tại Hội nghị đã bao quát các vấn đề mà người nông dân quan tâm, từ quy hoạch đất đai cho sản xuất nông nghiệp, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thương hiệu, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; vấn đề quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; thực hiện các Đề án phát triển nông, lâm nghiệp (cây ăn quả, chăn nuôi, lâm nghiệp) và các Chương trình MTQG; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; chính sách phát triển kinh tế tập thể, lao động việc làm nông thôn, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động làm việc trong hợp tác xã, doanh nghiệp… Đây đều là những vấn đề cần được các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm để tiếp thu bổ sung giải pháp chỉ đạo, điều hành có hiệu quả trong thời gian tới. Qua đó, giúp UBND tỉnh kịp thời có những giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn”, ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.