Nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng Nông thôn mới thông minh là chương trình trọng tâm của Lâm Đồng
Nông nghiệp phát triển sẽ kéo theo nhiều hộ nông dân giàu lên
Lâm Đồng có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp - ngành kinh tế trọng yếu, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những chương trình trọng tâm, khâu đột phá của tỉnh. Do đó, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được tỉnh Lâm Đồng quan tâm, đầu tư cho phát triển mạnh mẽ trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi; diện tích ứng dụng không chỉ tập trung ở các địa bàn trọng điểm mà còn được mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài những công nghệ đã được các doanh nghiệp, người dân ứng dụng rộng rãi, trở nên phổ biến như: nhân giống, cấy ghép, nhà kính, công nghệ tưới tự động, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt... thì các công nghệ mới như: canh tác thủy canh, khí canh, nông nghiệp hữu cơ hiện cũng đang được nhiều nông hộ quan tâm đầu tư và ứng dụng vào sản xuất.
Nhờ áp dụng nông nghiệp thông minh, cũng đồng nghĩa xuất hiện ngày càng nhiều người nông dân mới, có tư duy đột phá, tiến bộ, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư sản xuất, làm chủ trên chính mảnh đất quê hương với nhiều loài nông sản, cây, con đặc trưng vùng, miền; số hộ thoát nghèo, trở nên khá giả nhờ thay đổi tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, người dân giàu lên ngày một nhiều, thậm chí trở thành những tỷ phú nông dân và có nhiều đóng góp cho xã hội.
Có thể nhắc đến Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt của anh Phạm Ngọc Thạch đang thực hiện liên kết 433 thành viên, sản xuất trên diện tích 200ha. Với cương vị giám đốc, anh luôn quan tâm cập nhật và áp dụng những công nghệ, thiết bị mới, hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giảm 40% chi phí nhân công và thời gian. Đến nay, việc chăm sóc vườn của nhiều thành viên trong HTX đã cơ bản được thực hiện tự động thông qua các phần mềm tích hợp, điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh; mọi công việc quản lý từ chăm sóc, tưới nước, tưới phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm đều được thao tác trên cùng một ứng dụng đã được cài đặt sẵn. Các dữ liệu sản xuất cũng được cập nhật hàng tuần trên trang mạng điện tử, thể hiện rõ quy trình sản xuất rau, củ, quả tại nông trại, cho biết ngày xuống giống, ngày thu hoạch cụ thể của lô vườn.
Hay anh Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Sơn, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, HTX hiện đang tổ chức canh tác trên diện tích 3.600ha thuộc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà; đặc biệt có 50ha sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi ngày cho thu hoạch 5-10 tấn sản phẩm; giúp hơn 1.000 nông hộ liên kết sản xuất, trong có trên 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 66.150ha ứng dụng công nghệ cao tăng 1,3% so với năm 2022, tương ứng 22% diện tích canh tác toàn tỉnh, trong đó có trên 47.500ha tưới tiết kiệm, 180ha nhà kính nhập khẩu thông minh, 1.000ha sản xuất rau hoa trên giá thể, 630ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số; có 14 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 09 vùng được công nhận đạt tiêu chí vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ước tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 233 chuỗi liên kết; tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP,… là hơn 7.560ha, 1.415ha sản xuất áp dụng hữu cơ; có 238 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm: 11 sản phẩm 5 sao, 104 sản phẩm 4 sao, 123 sản phẩm 3 sao; phát triển và thành lập mới 33 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh đạt 425 hợp tác xã.
Hiệu quả của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đã góp phần vào doanh thu bình quân của sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt 245 triệu đồng/ha/năm; trong đó doanh thu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân 450 triệu đồng/ha, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã được chứng nhận nhãn hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, qua đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp.
Nông nghiệp công nghệ cao sẽ gắn với xây dựng NTM
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu của khu vực Tây Nguyên và cả nước về chuyển đổi số, tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh, xây dựng NTM. Có thể nhận thấy, hiệu quả từ công tác chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nhiều loại hình công nghệ được ứng dụng rộng rãi tại địa phương, hình thành tư duy sản xuất mới cho người nông dân mà diện mạo nông thôn cũng có nhiều khởi sắc. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, từ các nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ở, đi lại,... đến tiếp cận các dịch vụ công cộng cơ bản như giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng cao. Nhà cửa vùng nông thôn giờ đây cũng có kết cấu và kiến trúc hiện đại, các phương tiện sinh hoạt trở nên khá phổ biến ở hầu hết các gia đình khá giả, gia đình có thu nhập vượt qua ngưỡng cận nghèo. Không gian công cộng ở nông thôn ngày nay không chỉ có đường gạch, ngõ đẹp,... mà còn là đường bê tông, có điện thắp sáng, nhà sinh hoạt, cùng các thiết chế văn hóa mang yếu tố hiện đại, điện thoại thông minh, kết nối internert. Văn hóa truyền thống các dân tộc được giữ gìn và phát huy. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 98,2%); 57 xã Nông thôn mới nâng cao (chiếm 51,3%); 23 xã NTM kiểu mẫu (chiếm 20%); 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, Lâm Đồng là tỉnh duy nhất ở vùng Tây Nguyên có huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên và hiện đang cùng bốn huyện trong cả nước thực hiện đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2025, Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% các huyện có các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay: Trong tiến trình xây dựng NTM, tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM thông minh là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; phát triển xã hội số trong xây dựng NTM.