Nông nghiệp

TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu "50% tỷ trọng giá trị sản xuất" cho nông nghiệp công nghệ cao đến 2025

Chi Phương - 15:10 06/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 2025, Thành phố đặt mục tiêu nâng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45 - 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
TIN LIÊN QUAN
Hội nghị sơ kết nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Ngày 5/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, triển khai chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trình bày kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025 của UBND TP.HCM. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 1 - 1,5%/năm và giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 1 - 1,5%/năm.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đặt mục tiêu nâng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45 - 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Để đạt được mục tiêu trên, TP.HCM sẽ có nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao xây dựng cơ sở chế biến thực phẩm, logistics, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học, nghiên cứu phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản mới, phục vụ nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

"Thành phố cũng tập trung vào việc phát triển các vùng liên kết sản xuất công nghệ cao để cung cấp sản phẩm cao cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố đang hỗ trợ các khu vực như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn trong việc phát triển hợp tác xã và đầu tư công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn" - ông Hiệp cho hay.

Vì vậy, chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu nông nghiệp Thành phố phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị.

Cụ thể, TP. HCM đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75 - 85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tốc độ tăng trưởng dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt 5,5 - 6%/năm.

Giá trị sản xuất bình quân canh tác nông nghiệp đến năm 2030 đạt 850 triệu đồng/năm/ha đến 1 tỷ đồng/năm/ha; tỷ lệ lao động nông nghiệp, nông thôn qua đào tạo đạt trên 70%; phấn đấu trên 30% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, TP.HCM phấn đấu có từ 290 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm được chứng nhận đạt 4 - 5 sao. Đặc biệt, thu nhập của người dân nông thôn tăng 2,5 - 3 lần so với năm 2020.

Trong định hướng tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Củ Chi, Hóc Môn tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao. Khu vực Bình Chánh, Nhà Bè tập trung phát triển về rau, hoa, cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái và logistics nông sản.

Khu vực trung tâm Thành phố gồm 16 quận nội thành sẽ tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô, tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, tổ chức các vườn cây, vườn rau xung quanh nhà ở; tổ chức cây xanh cảnh quan gắn với không gian kiến trúc làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc, xây dựng trong đô thị…

Khu vực Thành phố Thủ Đức phát triển thành trung tâm khoa học và công nghệ gắn du lịch sinh thái và dịch vụ logistics nông sản. Còn khu vực huyện Cần Giờ sẽ phát triển thành phố du lịch sinh thái gắn với các hoạt động kinh tế nông nghiệp và dịch vụ môi trường rừng.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác