Nông thôn mới 24

Lục Ngạn xây dựng nông thôn mới: “Đòn bẩy” từ nông nghiệp

Việt Tùng - 07:26 18/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Là một huyện miền núi, Lục Ngạn (Bắc Giang) có điều kiện thiên nhiên rất phù hợp cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, cây có múi. Nông nghiệp đã và đang góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới (NTM)…
Niềm vui của cán bộ và người dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) khi xã về đích xã NTM nâng cao.

Xuất phát điểm thấp

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, dân số quy đổi tính ngày 31/12/2023 là 254.506 người, có 12 xã vùng cao, toàn huyện còn 9 xã đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III. Mật độ dân số đạt 246 người/km², gồm 8 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa), trong đó dân tộc thiểu số chiếm hon 50%. Điều kiện khí hậu, đất đai rất phù hợp với việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, cây có múi.

Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng NTM huyện Lục Ngạn gặp rất nhiều khó khăn, do tiêu chí tại các xã còn thấp, bình quân toàn huyện mới đạt 5,4/19 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43,96%. Cùng đó, điều kiện ngân sách của huyện còn nhiều khó khăn, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh còn hạn chế, đời sống kinh tế của nhân dân ở vùng thấp và vùng cao có sự chênh lệch lớn. Vì vậy, việc huy động nguồn lực cho thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế của huyện còn chậm; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ còn khó khăn, các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn còn ít… 

Một góc thủ phủ vải Lục Ngạn (Bắc Giang) mùa vải chín nhìn từ trên cao.

Trước những thuận lợi và khó khăn đó, Huyện uỷ, UBND huyện Lục Ngạn đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân hiến đất và tài sản trên đất để xây dựng NTM; huy động mọi nguồn vốn, nhân công lao động của địa phương thực hiện các dự án chung tay xây dựng NTM; triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới”.  MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động thi đua  "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư";  phong trào “5 không 3 sạch”, với những phần việc có ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng, đã tạo sự lan tỏa, khí thế sôi nổi thực hiện xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đây được coi là một trong những nội dung quan trọng mang tính ổn định bền vững, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của Chương trình NTM/NTM nâng cao. Lục Ngạn xác định kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, với hơn 80% dân số sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Thế mạnh của địa phương là phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như vải thiều và tập đoàn cây ăn quả có múi.

Những năm qua, UBND huyện đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa trồng trọt tập trung, phát triển các sản phẩm trồng trọt chủ lực có lợi thế của huyện, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm tạo đà đẩy mạnh giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện hiện có trên 27.000ha, trong đó vải thiều là 15.290ha, sản lượng hằng năm ước đạt khoảng 90.000-130.000 tấn/năm (diện tích sản xuất theo quy trình Vietgap và Globalgap trên 11.600ha); cây có múi gồm các loại cam, bưởi có tổng diện tích 6.740ha sản lượng hàng năm ước đạt 50.000-60.000 tấn, giá trị sản xuất từ cây ăn quả hàng năm đạt khoảng 3.000- 3.500 tỷ đồng/năm.

Quả vải Lục Ngạn (Bắc Giang) không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều thị trường quốc tế đón nhận.

Ngoài công tác chỉ đạo phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, UBND huyện còn tập trung chỉ đạo hướng dẫn phát triển cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, các làng nghề, các HTX tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Nhờ thực hiện các biện pháp đồng bộ nên đến hết năm 2021, huyện Lục Ngạn có 14/29 xã, thị trấn về đích nông thôn mới.

Bước sang giai đoạn 2021-2025, bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM  đều nâng cao hơn so với giai đoạn trước. Theo đó, để công nhận xã đạt chuẩn NTM thì phải hoàn thành 19/19 tiêu chí và 57 chỉ tiêu, tăng 8 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; để được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao thì phải hoàn thành 19/19 tiêu chí và 75 chỉ tiêu, tăng 26 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước…

Trước những khó khăn về bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025,  huyện Lục Ngạn đã tập trung lựa chọn những xã có điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất cơ bản nhất để thực hiện về đích NTM, NTM nâng cao. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh tuyên truyền vận động thực hiện hiệu quả chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân; triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; vận động mọi nguồn lực của địa phương để thực hiện lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở điểm công cộng nhằm phục vụ nhu cầu thể dục, thể thao của người dân.

Bưởi Diễn Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng đã và đang chiếm được lòng tin, sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng bởi chất lượng ngon, sạch, an toàn.

Năm 2022, huyện Lục Ngạn thực hiện xây dựng NTM đối với hai xã Tân Hoa và Phì Điền; xã Thanh Hải xây dựng về đích NTM nâng cao; hai thôn Hạ Long xã Giáp Sơn, thôn Ngọc Nương xã Mỹ An về đích thôn NTM kiểu mẫu, và hỗ trợ đầu tư phát triển cho 11 xã từ nguồn ngân sách trung ương đầu tư xây dựng NTM với 179 công trình, tổng vốn đầu tư trên 56,6 tỷ đồng đồng. Cuối năm 2022, tất cả các xã, thôn trong kế hoạch xây dựng đều được công nhận đạt chuẩn theo quy định.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2023, huyện Lục Ngạn tiếp tục có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM đó là xã Tân Lập và Kiên Lao, lũy kế toàn huyện là 19/28 xã, đạt 67,85%; có thêm 1 xã Mỹ An đạt chuẩn xã NTM nâng cao, lũy kế toàn huyện là 04 xã, đạt 13,79%. Huyện có thêm 3 thôn đạt NTM kiểu mẫu gồm thôn Kép 2B (xã Hồng Giang), thôn Chay (xã Phì Điền), thôn Sậy (xã Trù Hựu), lũy kế toàn huyện là 11 thôn.

“Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc" 

Để chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đạt kết quả đề ra, huyện Lục Ngạn sẽ bán sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước triển khai kế hoạch và chỉ đạo kịp thời đến cấp cơ sở triển khai hiệu quả chương trình. Đồng thời tổ chức thực hiện dựa trên cơ sở những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn đó là: Xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân, thời gian qua, huyện Lục Ngạn luôn nỗ lực triển khai các giải pháp xây dựng NTM. Điểm thuận lợi là ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, chương trình luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngành từ Trung ương, tỉnh, huyện đặc biệt sự đồng thuận của người dân trong suốt quá trình thực hiện chương trình.

Những năm gần đây, du lịch trải nghiệm đang là mô hình hấp dẫn trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch ở Lục Ngạn.

Trong những năm qua, chính quyền địa và nhân dân trên địa bàn đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm phấn đấu xây dựng NTM ngày càng khang trang, sáng xanh - sạch đẹp. Huyện đã chỉ đạo các xã tiếp tục tập trung làm hồ sơ công trình, hồ sơ chứng minh các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về xây dựng NTM với phương châm "Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc".

Với quyết tâm ấy, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM, trong đó, chú trọng đối tượng là cán bộ cơ sở và Ban quản lý các xã. Đã có hàng trăm hộ dân được tập huấn về quy trình sản xuất sạch, an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tạo phong trào thi đua rộng khắp giữa các địa phương, thôn, xóm, hộ gia đình.

Với những kết quả đã đạt được và sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chương trình MTQG xây dựng NTM ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác