Tân Yên xây dựng nông thôn mới nâng cao thành “miền quê đáng sống”
Chú trọng xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh
Ông Nguyễn Viết Toàn – Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, Tân Yên là huyện nằm trên vùng đất cổ kính có bề dày lịch sử. Trải qua nhiều thử thách, khó khăn, đến nay Tân Yên đã gặt hái được rất nhiều thành công trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM và phát triển các sản phẩm OCOP…
Còn nhớ, năm 2020, sau gần 10 năm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp sức người, sức của của người dân, các doanh nghiệp và con em đi làm ăn xa với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Cùng với những nguồn lực khác, huyện đã kiến thiết, xây dựng nhiều công trình trụ sở, trạm y tế, nhà trường, nhà văn hóa, điểm vui chơi công cộng, các tuyến đường giao thông… nhờ đó Tân Yên đã hoàn thành các chỉ tiêu huyện NTM, với 20/20 xã đạt chuẩn NTM.
Việc về đích NTM, khiến các vùng quê của Tân Yên đã thực sự "thay da đổi thịt", đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Các vấn đề về an sinh xã hội được bảo đảm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ.
Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Và năm 2022 là năm đầu tiên các địa phương thực hiện tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, huyện Tân Yên đã chủ động, sớm ban hành kế hoạch của năm để triển khai như: Tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng xây dựng, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông; đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình hành chính công khu trung tâm huyện; tu bổ công trình văn hóa... Đồng thời, chỉ đạo đồng loạt các xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí xã NTM; chỉ đạo 3 xã xây dựng NTM nâng cao, 19 thôn xây dựng thôn NTM kiểu mẫu…
Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Yên cho biết, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, KT - XH, Huyện ủy Tân Yên đã tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp lãnh đạo, trọng tâm là hướng về cơ sở với nhiều cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Đảng bộ huyện triển khai các giải pháp xây dựng cấp ủy tốt, chi bộ vững mạnh với đội ngũ đảng viên chất lượng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
“Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các chi, đảng bộ rà soát, nắm bắt nguồn quần chúng ưu tú, xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên, chú trọng nguồn kết nạp là công nhân, học sinh; trưởng, phó các ngành đoàn thể thôn, tổ dân phố. Đặc biệt, tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên toàn huyện đạt 92,11%, tăng 16,8% so với năm 2021; tỷ lệ Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố là đảng viên đạt 90,5%, cao hơn mặt bằng chung của tỉnh”, ông Huy cho biết.
Để phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả, các tổ chức cơ sở đảng đề cao vai trò, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ. Hàng năm, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đăng ký từ 1 đến 3 việc làm cụ thể học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay huyện đã đạt và vượt 15/15 mục tiêu theo tiến độ phân kỳ, 5 nhiệm vụ trọng tâm cũng là 5 nhiệm vụ khó được chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện.
Trong đó có nhiệm vụ huy động các nguồn lực, giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; nâng chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng “miền quê đáng sống” là những nhiệm vụ trong tâm.
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/HU về nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, lắng nghe, giải quyết ý kiến, kiến nghị của người dân.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tổ chức hơn 30 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; các đồng chí Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn tổ chức 187 cuộc với gần 28 nghìn lượt người tham dự. Qua đó kịp thời giải quyết gần 1,4 nghìn kiến nghị, phản ánh từ cơ sở của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong công tác GPMB để triển khai các dự án trọng điểm.
Đến nay, huyện Tân Yên đã hoàn thành 4/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao. Huyện đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí về giao thông, môi trường, y tế - văn hóa - giáo dục, chất lượng môi trường sống, an ninh - trật tự - hành chính công. Huyện phấn đấu đến năm 2025 duy trì 20/20 xã đạt chuẩn NTM, có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn huyện đã có 6 xã được công nhận xã NTM nâng cao; 37 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, vượt 80% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra về số thôn kiểu mẫu.
Tại xã Quế Nham, một trong các xã NTM nâng cao của huyện, nhờ tranh thủ các nguồn lực từ ngân sách và vận động xã hội hóa, hiện 100% đường trục thôn, liên xã và đường ngõ xóm được cứng hóa với tổng số hơn 75km; các đoạn đường được lắp đặt đèn chiếu sáng và các biển báo, biển chỉ dẫn bảo đảm hệ thống giao thông sáng - xanh - sạch - đẹp. Thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp đầy đủ, bảo đảm phục vụ tốt các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng dân cư.
Tính đến nay, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, sau khi về đích xã NTM, Hợp Đức đã nỗ lực, bắt tay xây dựng và đến nay đã hoàn thành 14/14 tiêu chí của xã NTM nâng cao. Theo đó, hệ thống hạ tầng cơ sở đều được đầu tư khang trang, hiện đại, cảnh quan môi trường sạch đẹp; xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, ngành nghề nông thôn được chú trọng… Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, đạt và vượt mức chuẩn của các tiêu chí.
Năm 2023, thôn Hương, xã Liên Chung, huyện Tân Yên về đích NTM kiểu mẫu. Kết quả này có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thôn.
Bà Nguyễn Thị Luyện, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hương cho biết, để thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chi bộ về xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, chi ủy tích cực tuyên truyền người dân, đồng thời vận động con em ở xa quê đóng góp kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng.
“Nhờ đó, đến nay gần 2 km đường giao thông nội thôn được cứng hóa và mở rộng. Thôn hoàn thành xây dựng khu trung tâm văn hóa - thể thao gồm nhà văn hóa, sân thể thao, khu vui chơi và các công trình phụ trợ với tổng diện tích hơn 1,6 nghìn m2. Nhiều con đường hoa, bích họa đã được mọc lên to đẹp thêm các con đường ngõ xóm”, bà Luyện chia sẻ.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Yên cho biết, điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện là có sản phẩm đa dạng, đặc trưng nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế vùng; tổng đàn lợn và diện tích thủy sản đứng đầu tỉnh.
Trên địa bàn huyện hiện duy trì 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm: Lúa chất lượng, lạc, rau quả thực phẩm, canh tác 3-4 vụ/năm có liên kết với các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm. Cây ăn quả gồm vải thiều, ổi, bưởi, vú sữa phát triển theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Nhiều diện tích vải sớm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu mang lại giá trị cao.
Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viettel Bắc Giang tạo mã QR truy xuất nguồn gốc cho 3 hợp tác xã là: Núi ông Vệ; sản xuất và tiêu thụ ổi lê Tân Yên; mật ong Phồn Nhi. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện rà soát, lập danh sách đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ cấp chứng thư số cho 12 hợp tác xã, phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, huyện đang vận động người dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích; Tiếp tục phát triển cây ăn quả, duy trì và mở rộng diện tích canh tác theo quy trình VietGAP, diện tích vải sớm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng đó là xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP, từng bước xây dựng các sản phẩm OCOP chất lượng cao.