5 người chết trong lúc mưa rất lớn ở Đà Nẵng
Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng sáng 15/10 cho biết, trận mưa lũ lịch sử ngày và đêm 14/10 làm 2 người chết đuối, 1 người tử vong trong ngôi nhà ngập nước, 1 chiến sĩ Công an bị tử nạn, 1 ngư dân bị tử nạn trên đường về bờ tránh bão số 5. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các lực lượng tích cực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
2 nạn nhân chết đuối là Võ Hoàng Nguyên Thảo, sinh viên quê tỉnh Quảng Bình bị lũ cuốn trôi tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu; Lê Văn Thành, ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang bị lũ cuốn trôi. Ông Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1935, ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu chết trong nhà đang đóng cửa và bị ngập nước, Cơ quan công an đang điều tra nguyên nhân. Trong lúc mưa to, 1 chiến sĩ công an phường Thọ Quang, quận Sơn Trà đi làm về nhà tông vào đuôi xe container sau đó tử vong tại bệnh viện. Ngư dân Võ Nhị, sinh năm 1980, quê thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền viên tàu cá QNg- 98896, trên đường từ đảo Cồn Cỏ vào bờ tránh bão số 5 thì bị cần cẩu trên tàu cá đánh vào đầu gây tử vong, chiều qua thi thể nạn nhân được đưa vào cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng.
Sáng 15/10, tại Đà Nẵng tạnh mưa, nhưng nhiều nơi ở các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê nước vẫn còn ngập sâu, người dân không thể đi lại được. Các lực lượng quân đội, công an tích cực hỗ trợ người bị nạn, cử lực lượng dọn dẹp bùn đất, khôi phục giao thông. Lực lượng cứu hộ cứu nạn Công an thành phố huy động 100% phương tiện, nhân lực hút nước tại các tầng hầm bệnh viện, nhà chung cư. Đến sáng nay, hầm đường bộ Hải Vân vẫn phải đóng hầm số 1 để khắc phục sạt lở đất đá phía nam hầm; phương tiện lưu thông 2 chiều qua hầm số 2.
“Có các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn, gồm có lữ 682 và lữ 74 để cùng với mình thực hiện. Chúng tôi đã điều động 6 phương tiện đặc chủng và 3 ca nô và 6 xe tải chở đồng chỉ Chủ tịch và đồng chí Bí thư đi khảo sát ở các địa phương Cẩm Lệ, quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu để nắm tình hình chỉ đạo"- Thượng tá Nguyễn Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng cho biết.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời khẩn trương chuẩn bị ứng phó với đợt xả lũ từ các thủy điện lớn ở tỉnh Quảng Nam xả về trong những ngày tới. Các quận huyện, xã phường huy động lực lượng tại chỗ tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường. Điều quan trọng nhất hiện nay là tập trung khắc phục giao thông, nhất là cứu hộ ô tô, xe máy hư hỏng nằm trên các tuyến phố để người dân đi lại.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, sắp tới sẽ còn những trận mưa lũ cực đoan với cường độ cao hơn nữa. Vì vậy, cần xây dựng phương án cứu dân tại chỗ phù hợp, nhất là đầu tư mua sắm các loại phương tiện nhỏ. Ông Lê Trung Chinh yêu cầu các địa phương hỗ trợ kịp thời người dân bị nạn do mưa lũ, không để hộ dân nào thiếu đói do lương thực, thực phẩm bị ướt, bị cuốn trôi, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân đã cứu hàng trăm người dân trong đêm.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, trận mưa với cường độ đặc biệt lớn diễn ra đúng vào giờ tan tầm, học sinh tan học gây rối loạn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân thành phố. Qua kiểm tra thực tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng biểu dương những cá nhân, tập thể quên mình cứu người trong dòng nước chảy xiết.
Bí thư Thành ủy yêu cầu các địa phương tiếp tục cập nhật tình hình thiệt hại do mưa lớn gây ra, phân tích, đánh giá những bài học kinh nghiệm sau trận mưa lịch sử này. Đó là công tác dự báo về nguy cơ mưa lớn; Việc xử lý thông tin về cứu nạn cứu hộ; Công tác phối hợp cứu nạn cứu hộ giữa các lực lượng... Hiện, thành phố chưa có phương tiện cứu người trong ngập lũ, nước chảy xiết. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cần Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện có phương án khơi thông thoát lũ đối với những vùng còn ngập nước, bơm hút nước những khu vực nội thành, khắc phục những nơi sạt lở tại Hòa Vang, Sơn Trà; sẵn sàng ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới.
“Các địa phương phải chủ động đảm bảo nước sạch, lương thực cho người dân vùng bị ngập, nhất là những vùng còn ngập và sắp tới sẽ ngập. Tổ chức thăm hỏi người bị nạn. Ban cán sự Đảng chỉ đạo thống kê, hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị địa phương bị thiệt hại”- ông Nguyễn Văn Quảng cho biết.
Theo VOV
- Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh trở thành "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam