An Giang: 9 giải pháp nâng cao chất lượng phong trào nông dân giỏi
Chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao
Hơn 2 năm qua, kinh tế tỉnh An Giang tiếp tục tăng trưởng khá; các ngành, lĩnh vực phát triển khá toàn diện; huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 202.815 hộ trực tiếp sản xuất nông, lâm, thủy sản. An Giang chủ yếu vẫn dựa vào phát triển nông nghiệp - luôn coi đây là bệ đỡ của nền kinh tế, có hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (tương đương 297.000ha) và hơn 65% dân số là lao động nông thôn. Trong sản xuất nông nghiệp, cây lúa, thủy sản nước ngọt, nhất là con cá tra luôn giữ vị trí quan trọng, đóng góp trên 95% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Nâng cao chất lượng Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”; Quy định số 944 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về “Quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp”... Đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh phát triển phong trào cả về số lượng và chất lượng gắn với Chương trình cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển. Phong trào nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2022, đưa phong trào phát triển về chất với những thành tựu mới, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển, nông nghiệp trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế quốc dân vượt qua các giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giữ vững ổn định chính trị nông thôn, đời sống nông dân được nâng lên, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, nhưng số lượng nông dân đăng ký trở thành nông dân SXKD giỏi các cấp vẫn tiếp tục tăng; chất lượng phong trào ngày càng được nâng lên.
Bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp đạt 98.100 lượt hộ đăng ký, chiếm 48,36% so với tổng số hộ nông dân toàn tỉnh.
Giai đoạn 2019 - 2022 ở mức 86.118 hộ, tăng 3.748 hộ so với giai đoạn trước và chất lượng hộ SXKD giỏi được nâng lên và bền vững hơn. Số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm đã tăng 3 lần so với giai đoạn 2017 - 2019. Tổng doanh thu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh trên 11.525 tỷ đồng, hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh có thu nhập thấp nhất trên 150 triệu đồng/hộ/năm, hộ có thu nhập cao nhất 26,250 tỷ đồng/hộ/năm.
Nhiều nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế như: Hộ gia đình ông Khưu Đức Hùng, phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên đầu tư mô hình chuỗi liên kết nuôi cá tra. Tổng doanh thu hàng năm của gia đình đạt trên 21,448 tỷ đồng/năm, cho thu nhập là 12,9 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng; Hộ gia đình ông Phan Văn Thụ, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn với mô hình sản xuất và cung ứng giống lúa, tổng doanh thu hàng năm 26,250 tỷ đồng/năm, cho thu nhập là 8,750 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 35 lao động địa phương.
NDSXKD giỏi là hạt nhân nòng cốt tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Các hộ nông dân SXKD giỏi không chỉ tạo ra loại hình kinh tế cá thể và trang trại, gia trại hiệu quả, kinh tế cao, mà dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp Hội Nông dân, các hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Mỗi năm, Hội ND tỉnh tổ chức hướng dẫn thành lập mới được hơn 150 tổ hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh có 930 tổ hợp tác với 15.147 thành viên, trong đó lĩnh vực trồng trọt 432 tổ với 7.894 thành viên; lĩnh vực chăn nuôi 247 tổ, 3.280 thành viên; lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp 215 tổ, 3.216 thành viên; dịch vụ phi nông nghiệp 36 tổ, 757 thành viên.
Qua công tác phối hợp và vận động, mỗi năm đã thành lập mới từ 18-20 HTX nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có 255 HTX. Quá trình củng cố và phát triển kinh tế tư nhân cũng như kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn có vai trò đi đầu của các hộ nông dân SXKD giỏi. Các doanh nghiệp của tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, vị trí và vai trò ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Một số hộ nông dân SXKD giỏi đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng.
Điển hình như vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo thực hiện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, Tân Long tại các huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành; Vùng liên kết sản xuất thủy sản (cá tra) quy mô lớn tại TP.Long Xuyên, Châu Phú; Vùng liên kết chăn nuôi heo tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Phú; Vùng liên kết chuyên canh trồng xoài tại huyện Chợ Mới, An Phú, Vùng liên kết trồng chuối cây mô tại Tri Tôn, Thoại Sơn... Qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm.
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào ND thi đua SXKD giỏi
Đổi mới và nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được xem là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện phong trào của giai đoạn 2022 - 2024. Mục tiêu hàng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký tham gia và có từ 80% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu nông dân giỏi các cấp. Hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp hàng năm tăng từ 5% trở lên.
Phấn đấu đến năm 2024, mỗi cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình hợp tác sản xuất đạt chuẩn gắn với liên kết chuỗi của các hộ SXKD giỏi có hiệu quả; Tỷ lệ hộ SXKD giỏi cấp Trung ương đạt từ 3 - 5%, cấp tỉnh đạt từ 10 - 12%, cấp huyện, thành phố đạt 25% và cấp cơ sở đạt 60% so với tổng số hộ SXKD giỏi.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh An Giang đề ra một số nhiệm vụ và các giải pháp như sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục tuyên truyền, tổ chức quán triệt đến các cấp Hội Chỉ thị 39-CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, Chỉ thị 34-CT-TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng” và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Các cấp Hội cần chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia phát triển kinh tế và tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo Kết luận số 61- KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo các cấp Hội tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức làm chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tập trung nguồn lực để phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Hai là, đổi mới hình thức tuyên truyền và đăng ký tham gia phong trào thi đua nông dân SX-KD giỏi các cấp, phát động rộng rãi nông dân đăng ký tham gia phong trào qua hình thức đăng ký trực tuyến, thông qua điện thoại thông minh, ứng dụng trên website của Hội Nông dân tỉnh. Đổi mới nội dung, hình thức, tuyên truyền vận động theo hướng sâu sát, phù hợp với từng đối tượng, gắn với việc đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Tập trung triển khai có hiệu quả: Chương trình hành động số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021- 2025”, với quyết tâm thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của hội viên- nông dân về phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường, theo chuỗi giá trị, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Trong xu thế cạnh tranh hiện nay để hàng hóa nông sản đủ sức đứng vững thị trường trong nước và thế giới thì nông dân phải liên kết, tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã và sản phẩm phải có thương hiệu, phải đạt các tiêu chuẩn an toàn theo quy định.
Ba là, tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nghề nghiệp. Thúc đẩy phát triển các mô hình hợp tác sản xuất đạt chuẩn gắn với liên kết chuỗi của các hộ SXKD giỏi có hiệu quả. Vận động nông dân liên kết hợp tác theo tổ, nhóm hộ, với doanh nghiệp nâng quy mô đất đai dưới các hình thức góp đất, tập trung đất sản xuất theo tiêu chuẩn quy định tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng và từng bước gây dựng thương hiệu trên thị trường; vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ cùng cộng đồng ở địa phương về phương pháp, kinh nghiệm, bí quyết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và cả thị trường để phấn đấu cùng nhau làm giàu.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông thuỷ sản. Đặc biệt là hỗ trợ nông dân đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá và mua bán, vận động nông dân chủ động hợp tác với các công ty, các tập đoàn đang triển khai nhà máy, cơ sở chế biến ở địa phương như: vùng nguyên liệu lúa gạo; vùng liên kết chuyên canh trồng cây ăn trái; vùng sản xuất rau an toàn, vùng nguyên liệu thủy sản…
Bốn là, phối hợp với các ngành tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh thông qua các chương trình dự án, khai thác các nguồn lực khác; Phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, dịch vụ tín dụng, tăng cường nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư xây dựng các mô hình dự án để nhân rộng. Xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, OCOP đối với các loại nông, thuỷ sản của An Giang.
Năm là, đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào; hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, tiếp cận các sàn giao dịch điện tử nông sản, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Sáu là, công tác Hội cần quan tâm xây dựng, phát hiện các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, tích cực tuyên truyền và phổ biển nhân rộng mô hình trong nông thôn. Bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước.
Bảy là, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu xuất sắc có đóng góp cho phong trào; chú trọng tăng cường công tác khen thưởng cấp nhà nước cho cá nhân trực tiếp lao động sản xuất thành tích cao.
Tám là, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp, tham mưu điều chỉnh các văn bản chỉ đạo phong trào. Đặc biệt là sự phối hợp các ngành, đoàn thể, thành viên Ban chỉ đạo, phát động đến cán bộ, đoàn viên, hội viên, nông dân tích cực đăng ký và thực hiện đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi.
Chín là, các cấp Hội trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, nhận thức về Đảng cho hội viên nông dân; đa dạng hoá các hình thức tập hợp, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia vào hoạt động của Hội, thông qua đó phát hiện các nhân tố tích cực để bồi dưỡng trở thành hội viên ưu tú, tạo nguồn để giới thiệu cấp ủy phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư. Gắn phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với việc đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội và đoàn thể ngày càng vững mạnh; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, tăng cường tư vấn, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân.