Diễn đàn

Giỏi trồng “sầu” và góp sức giữ gìn an ninh thôn xóm

Quỳnh Trúc - 14:52 26/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “Mô hình trồng sầu riêng của ông Châu Văn Hưng, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận mang lại hiệu quả kinh tế cao; ông Hưng là Chi hội trưởng Chi hội ND nên tích cực tham gia công tác xã hội ở địa bàn dân cư; là người thường xuyên đóng góp hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách hàng năm trên 50 triệu đồng…”, ông Vũ Xuân Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Kai cho hay.
Trình diễn máy bay không người lái.

Sầu Riêng đạt chứng nhận OCOP 3 sao

Mặc dù không phải là thủ phủ trồng sầu riêng nhưng trong những năm gần đây, cây sầu riêng được trồng ở nhiều nơi trong tỉnh Bình Thuận mang lại lợi nhuận tương đối ổn định cho người trồng. Diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh khoảng hơn 2.500ha, tập trung ở 3 huyện: Hàm Thuận Bắc, Đức Linh và Tánh Linh, trong đó, có gần 2.000ha đang trong thời kỳ kinh doanh với năng suất bình quân 10-25 tấn/ha.

Đức Linh có diện tích trồng sầu riêng khoảng hơn 1.500ha lớn nhất toàn tỉnh, diện tích thu hoạch hơn 1.000ha, với năng suất bình quân 20 tấn/ha, phát triển ở xã Đa Kai, Mê Pu. Trên địa bàn có 3 đơn vị liên kết sản xuất lớn: Hợp tác xã Sầu riêng Rô Mô; Tổ liên kết sản xuất sầu riêng VietGAP xã Đa Kai; Tổ hợp tác sầu riêng Tà Pứa, xã Mê Pu. 

Trước đây, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là bán nhỏ lẻ cho các thương lái tiêu thụ nội địa chiếm tỷ lệ 70% và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc khoảng 30%; chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trên địa bàn; chưa có cơ sở sơ chế, đóng gói, chế biến được cấp mã số phục vụ xuất khẩu. Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 10, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, ông Châu Văn Hưng đã vận động nông dân tham gia các mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp trong đó có tham gia thành lập Hợp tác xã sầu riêng Rô Mô, trái sầu riêng đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đăng ký mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu trái sầu riêng trên địa bàn Rô Mô, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Ông Hưng cho biết, vườn sầu riêng được sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và máy bay không người lái, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong thực tế sản xuất thân thiện với môi trường. Có thời gian, sầu riêng được mua ở mức 90.000 đồng/kg vào chính vụ nông dân được lãi đậm. Nhưng trên thực tế không phải nhà vườn nào cũng bán được số lượng nhiều với giá sầu riêng 80.000 - 90.000 đồng/kg. Nguyên nhân là khi sầu riêng bắt đầu vào mùa thu hoạch nhiều nhà vườn đã thỏa thuận hoặc ký hợp đồng với tư thương bao tiêu trọn gói sản lượng cả vườn với mức giá thấp hơn thị trường. 

Sầu riêng được xem là cây trồng thứ hai, sau cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Cây sầu riêng được truy xuất nguồn gốc theo mã QR code, người sản xuất cung cấp dữ liệu qua trang điện tử trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Thời gian qua, hợp tác xã Sầu Riêng Rô Mô đã chủ động liên kết với các tổ chức khác trong và ngoài tỉnh trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại; tuyên truyền quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm.

Mô hình sầu riêng của gia đình ông Châu Văn Hưng được nhiều người đến tham quan, học hỏi.
 

Diện tích sầu riêng tăng lên từng ngày

Ông Hưng chia sẻ, thời điểm chính vụ nhiều vườn sầu riêng chín rụng vào mỗi tối, thơm phức, nhiều khách du lịch tìm đến các vườn cây ăn trái để tham quan. Các nhà đãi khách bằng “cây nhà lá vườn” là sầu riêng chín rụng… Có điều làm ông Hưng trăn trở hiện nay, không chỉ của riêng tỉnh Bình Thuận mà một số tỉnh thành khác  đó là người nông dân khi thấy giá sầu riêng tăng cao đã chặt bỏ một số loại cây khác để trồng sầu riêng, khiến diện tích sầu riêng tăng lên từng ngày. Ông Hưng cũng băn khoăn việc tăng diện tích sầu riêng dẫn đến đầu ra trong thời gian tới sẽ ra sao? Việc phá vỡ quy hoạch cây trồng và thiếu sự an toàn bởi thị trường xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, không biết có lập lại như trái thanh long?…

Hàng năm, để hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước và phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Hưng đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã vận động xây dựng cổng chào khang trang vào thôn. Từ năm 2020 đến nay, ông Hưng luôn quan tâm giúp cho các hộ nghèo neo đơn khó khăn, gia đình chính sách, hỗ trợ vật tư và vận động các nhà hảo tâm, các cấp chính quyền đã xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng, nhà tình thương… Là Chi hội trưởng nông dân, bản thân ông đã vận động nông dân trên địa bàn thôn 10 xây dựng mô hình “Nông dân tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” hoạt động từ tháng 9/2016 đến nay. Qua hoạt động tuần tra của Tổ Nông dân tự quản đã giúp địa phương phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản của nông dân, giúp cơ quan công an triệt phá 5 vụ đá gà và trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn.

Ông Vũ Xuân Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận cho biết: Mô hình trồng sầu riêng của ông Châu Văn Hưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, là người tích cực tham gia công tác xã hội ở địa bàn dân cư, thường xuyên đóng góp hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách hàng năm trên 50 triệu đồng. Trong tuyên truyền vận động nông dân chung tay tham gia xây dựng mô hình “Camera an ninh”, lắp đặt được 9 mắt Camera an ninh; mô hình “Ánh sáng an ninh” đã mắc được 150 bóng điện/4,6km. Ba năm liền ông Hưng đều đạt danh hiệu Nông dân SXKDG cấp Trung ương. 

Về việc diện tích sầu riêng tăng lên hàng ngày, ông Quang chia sẻ: Địa phương đang tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư khoa học kỹ thuật vào chăm sóc theo hướng hữu cơ, an toàn, xử lý ra hoa, tăng đậu quả để nâng năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn với việc đăng ký cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị. Trên địa bàn xã có một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và giá trị trái sầu riêng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhiều thị trường; Tổ chức liên kết các vùng sản xuất, liên kết các địa phương để rải vụ thu hoạch sầu riêng có hiệu quả; Sự gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà” gồm nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ thúc đẩy cơ hội và hạn chế rủi ro khi diện tích sầu riêng đang không ngừng mở rộng. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác