Giáo dục - hướng nghiệp

“Bà đỡ” giúp hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế

Bùi Ánh - 07:29 13/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mặc dù công tác đào tạo nghề, dịch vụ hỗ trợ nông dân còn nhiều hạn chế nhưng không thể phủ nhận những đổi mới tích cực và nỗ lực của Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp – Hội Nông dân tỉnh Nghệ An trong suốt những năm qua.

Đào tạo nghề trao “cần câu” giúp nông dân đổi đời

Để công tác đào tạo nghề cho học viên đạt kết quả tốt và phát huy được nghề nghiệp sau đào tạo, Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều chính sách đổi mới, điển hình như: Phối hợp với các sở, ngành liên quan, các đơn vị địa phương về khảo sát nhu cầu học nghề để có phương án lựa chọn ngành nghề đào tạo; sau đào tạo là xây dựng mô hình điểm và cử cán bộ xuống “cầm tay chỉ việc” về chăm sóc cây trồng vật nuôi, hướng dẫn cách thức áp dụng khoa học vào sản xuất theo từng giai đoạn của mô hình; Hỗ trợ nguồn vốn để giúp hội viên có kinh phí “khởi nghiệp”; liên kết đấu mối với thị trường đầu ra giúp hội viên...

"Cầm tay chỉ việc" giúp nông dân tiếp cận với công nghệ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường

Điển hình như Trung tâm đã tranh thủ nguồn lực tài chính từ các sở, ngành để đầu tư hỗ trợ con giống, vật tư xây dựng 15 mô hình sản xuất nông nghiệp với các ngành nghề: Trồng dưa, rau trong nhà màng; chế biến hải sản; nuôi gia súc, gia cầm sinh học; nuôi lợn rừng; nuôi cá lồng trên sông; trồng hoa cây cảnh...  

Cùng với đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn định hướng cho nông dân học nghề đúng nhu cầu nghề cần học để phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhờ đó, năm 2022, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tuyển sinh và mở 225 lớp đào tạo nghề cho 7.656 học viên; trong đó Trung tâm- HND tỉnh trực tiếp tuyển sinh và mở 33 lớp đào tạo nghề cho 1.156 lao động nông thôn; tỷ lệ học viên sau đào tạo có nghề và tự tạo việc làm đạt trên 82% .

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tham mưu chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tăng cường tranh thủ nguồn lực tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân. Năm 2022, các cấp Hội đã tổ chức 1.819 buổi tập huấn kỹ thuật cho hơn 92.500 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; trong đó Trung tâm trực tiếp tổ chức 27 lớp tập huấn kỹ thuật cho 1.682 lượt hội viên nông dân.

Năm 2022, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tuyển sinh và mở 225 lớp đào tạo nghề cho 7.656 học viên

Từ đó có thể thấy, vai trò của Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp – Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều bứt phá trong đào tạo nghề và tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là giải quyết khâu đào tạo nghề nâng cao thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xã hội học tập là định hướng trong thời gian tới của Trung tâm và đây cũng là mục tiêu trong chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi mục tiêu cuối cùng của việc đào tạo nghề là chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp và hàng hóa thủ công, tiểu thủ công và của những ngành nghề mới ở nông thôn.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Một số ngành nghề mới nông dân chưa được tiếp cận; Vẫn còn nhiều lao động nông thôn sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp cần đào tạo để chuyển đổi nghề nhưng Trung tâm chưa đáp ứng được.

Nâng cao công tác hỗ trợ, cung ứng vật tư phân bón, giống thức ăn

Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị sản xuất vật tư nông nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân. Nhờ đó đã tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp với giá thành rẻ hơn đại lý tư nhân, được trả tiền sau khi thu hoạch nông sản. Quan trọng hơn, nông dân luôn yên tâm về chất lượng, không lo hàng nhái, hàng giả.

Để hỗ trợ tối đa cho nông dân về nguồn giống cũng như phân bón tốt nhất về giá cả và thời gian chi trả tiền mua, Trung tâm đã tham mưu chỉ đạo các cấp Hội Nông dân tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tín chấp hỗ trợ nông dân vay vật tư phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi phục vụ sản xuất. Kết quả năm 2022, các cấp Hội đã tín chấp thông qua các doanh nghiệp vay 17.630 tấn phân bón các loại, 215 tấn thức ăn chăn nuôi, 82 nghìn con giống gia cầm đầu tư cho nông dân sản xuất, giá trị vay đạt trên 185 tỷ đồng. Hoạt động hỗ trợ cho vay vật tư đã tạo điều kiện cho hơn 380 nghìn hội viên nhằm phục vụ sản xuất chăn nuôi đảm bảo lịch thời vụ, đạt hiệu quả kinh tế tốt.

Hỗ trợ hội viên con giống phát triển kinh tế theo hướng liên kết

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tham mưu văn bản thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh Nghệ An với Bưu điện tỉnh giai đoạn 2021-2025, xây dựng Kế hoạch thực hiện năm 2022 và chỉ đạo các cấp Hội phối hợp triển khai thực hiện. Có 21/21 Hội Nông dân huyện đã ký hợp tác triển khai với Bưu điện huyện, tổ chức 21 hội nghị tập huấn kỹ năng cho hơn 3.165 cộng tác viên là cán bộ Hội, chủ hộ nông nghiệp về phương pháp xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá sản phẩm, quy trình giao dịch... thông qua sàn thương mại điện tử của Bưu điện (Postmart) đã phối hợp với Bưu điện các cấp kết nối đưa 65 sản phẩm OCOP của tỉnh tiêu thụ trên sàn Postmart. Năm 2022, Trung tâm đã kết nối cùng Hội Nông dân một số huyện, thành, thị hỗ trợ tiêu thụ hơn 70 tấn gừng của Kỳ Sơn, 7,5 tấn hành tím Sóc Trăng...

Qua trao đổi, ông Đặng Kim Bằng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp –Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: “Mặc dù năm 2022 Trung tâm đã đạt nhiều kết quả vượt kế hoạch nhưng nhìn chung hoạt động của Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay, nhất là mảng hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản; hỗ trợ liên kết sản xuất kinh doanh quy mô lớn còn hạn chế, chưa tương xứng tiểm năng lợi thế của địa phương. Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân chưa mở rộng được nhiều nội dung; việc hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chưa thực hiện; kết nối tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Do đó, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nỗ lực để công tác hỗ trợ nông dân đạt kết quả cao hơn nữa”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác