Ba yêu cầu số hóa cần thiết trong tác nghiệp báo chí
Không ít lãnh đạo cơ quan báo chí phải thừa nhận, càng nhìn vào tốc độ gia tăng của mạng xã hội, các trào lưu thông tin trực tuyến, những xu hướng mới từ trí tuệ nhân tạo (AI), báo chí lâu nay càng bộc lộ những nhược điểm và lạc hậu. Nếu không sớm thay đổi, thậm chí cải biến hoàn toàn để theo kịp thời cuộc, các tờ báo và tạp chí sẽ sớm bị đào thải.
Quản lý bằng mã QR
Theo một tạp chí chuyên ngành công nghệ ở phía Nam, hơn hai năm lại đây, đơn vị đã hợp tác với một đơn vị cung cấp giải pháp số hóa, để tăng cường hiệu quả quản lý nhân sự. Một ứng dụng cụ thể về vấn đề này, là cấp giấy giới thiệu cho các phóng viên bằng mã QR, thay vì in ra đóng dấu như trước.
Theo đó, tòa soạn quy định cuối ngày làm việc, phóng viên đăng ký kế hoạch ra ngoài tác nghiệp với Ban Phóng viên để đầu giờ mỗi sáng, văn phòng sẽ gửi giấy giới thiệu bằng mã QR cho phóng viên. Khi đến nơi tác nghiệp, phóng viên chỉ việc trình quét mã là xong. Trên mã, sẽ thể hiện đầy đủ nội dung tác nghiệp mà phóng viên đăng ký, thời hạn hiệu lực của giấy giới thiệu, và số điện thoại tòa soạn để tiện liên lạc, tra cứu, soát xét lại hoạt động phóng viên.
Việc ứng dụng mã QR này giúp tòa soạn rút ngắn tối đa quy trình đăng ký tác nghiệp của phóng viên, thậm chí khi khẩn cấp, chỉ mất chưa đầy 5 phút đã có thể cấp giấy giới thiệu mới. Việc kiểm soát giấy giới thiệu cũng chặt chẽ, khoa học hơn, không còn nhầm lẫn, cấp nhầm giấy giới thiệu; phóng viên cũng không thể tùy tiện tác nghiệp ngoài yêu cầu tòa soạn, không còn tình trạng dùng giấy giới thiệu khống, sai thời hạn như đã từng xảy ra trước đây. Đồng thời qua lịch trình đăng ký giấy giới thiệu hàng ngày, hoạt động của phóng viên, biên tập viên trở nên rõ ràng hơn, việc chấm công lao động, làm việc chính xác hơn.
Giám sát tác nghiệp
Bên cạnh việc số hóa khâu quản lý phóng viên bằng mã QR, các tòa soạn hiện nay cũng phổ biến dùng các phần mềm quản lý tòa soạn, biên tập bài vở. Mỗi phóng viên chính thức sẽ được cấp tài khoản tác nghiệp cụ thể, thực hiện đăng ký đề tài, biên soạn bài vở hàng ngày, hàng tuần. Theo đó, lượng tin bài phóng viên làm được sẽ được hiển thị, lưu trữ thống kê rất chính xác, làm cơ sở chấm nhuận bút hay kiểm soát, giám sát tác nghiệp hiệu quả.
Một số tòa soạn báo điện tử còn cho biết, bên cạnh việc thực hiện tin bài trên công cụ tòa soạn, các phóng viên còn phải quen với quy trình đăng ký đề tài và thao tác đăng ký nội dung với tòa soạn. Điều này rất cần thiết khi phóng viên tác nghiệp bên ngoài, như phỏng vấn, tiếp xúc các đối tượng thông tin mà không có sự chỉ đạo, cho phép của lãnh đạo. Hiện tượng phổ biến là các phóng viên sẽ đưa ra câu hỏi phỏng vấn, trao đổi nội dung thiếu cân nhắc, thiếu kiểm tra, gây phiền hà cho các cơ sở thực địa; thậm chí nhiều trường hợp nội dung đề nghị đi ngược lại tôn chỉ mục đích tờ báo, tạp chí, dẫn đến vi phạm các quy định quản lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Thực hiện số hóa bằng các công cụ quản lý, mã QR, quy định, quy trình thao tác, quản lý tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên như vậy, là rất cần thiết để các tòa soạn quản lý tốt đội ngũ nhân sự tòa soạn, tránh mọi rủi ro xảy ra.
Không ngừng cải tiến nội dung
Tuy nhiên, điều quan trọng của hoạt động báo chí, là phải luôn bảo đảm chất lượng nội dung bài vở đối với bạn đọc. Điều này, khi nhìn qua lăng kính số hóa, yêu cầu không ngừng cải tiến bài vở, đổi mới nội dung báo chí là rất cần thiết. Càng là báo chí phản ảnh thời sự, tính chuyên ngành khoa học, thì vấn đề số hóa, đổi mới năng lực tác nghiệp càng phải được chấp hành nghiêm túc.
Cụ thể về chất lượng bài vở, các tòa soạn hiện nay đều đưa ra nhiều yêu cầu với đội ngũ tác nghiệp báo chí, song không hẳn phóng viên, biên tập viên nào cũng đáp ứng được. Thậm chí nhiều phóng viên không có được tư duy nhanh nhạy, không đủ kinh nghiệm cuộc sống để xử lý tốt tình huống bài vở, dẫn đến sai sót, gây ra không ít trường hợp “dở khóc, dở cười” cho các tòa soạn. Đó là chưa kể tình trạng sao chép thông tin, tráo đổi bài viết của nhau giữa nhiều cá nhân làm báo, cấm vi phạm các bản quyền, tác quyền… mà các tòa soạn buộc phải chấp hành trong quá trình xử lý bài vở, tư liệu ảnh…
Tình hình này càng nghiêm trọng bởi xu hướng sử dụng AI vào cuộc sống hiện nay. Hơn bao giờ hết, xã hội đang đối mặt trào lưu ứng dụng AI ở mọi lĩnh vực, mà độ chính xác, nhạy bén của các sản phẩm AI ngày càng tăng. Không ít Tổng Biên tập phải đặt câu hỏi, nên chọn thế nào giữa một phóng viên mỗi ngày viết không quá 2 bài, với một công cụ AI sau 1 giờ có thể tổng hợp vài bài báo, vài bản đối chiếu thông tin với độ chính xác cao và ngôn từ uyển chuyển? Với các tòa soạn media, vấn đề này càng căng thẳng bởi những ứng dụng AI trong thiết kế đồ họa, làm phim, tạo ngữ cảnh… đến nay đều ở mức tinh tế, mà yêu cầu về thời gian hay chi phí bỏ ra thêm, là gần như không có.
Rõ ràng các tòa soạn báo chí, muốn phát triển tích cực, phải đảm bảo chất lượng thông tin cung cấp, và muốn vậy, cần quán triệt ứng dụng số hóa tích cực hơn, sử dụng ngày càng nhiều công cụ AI thông minh, có các công cụ giám sát, định hướng xây dựng nội dung chặt chẽ hơn. Tất cả đòi hỏi sự nỗ lực, đổi mới số hóa không ngừng của các tòa soạn hiện nay, nếu không muốn tự mình lạc hậu.