Nông thôn mới

Bắc Kạn: Dựa vào sức mạnh của từng địa phương để xây dựng nông thôn mới

Ngân Thuý - 07:44 18/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Với địa hình là tỉnh miền núi nên khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Kạn đã có những giải pháp tích cực để xây dựng nông thôn theo đặc thù của từng địa phương.
 Bắc Kạn xây dựng mô hình điểm “con đường hoa” phấn đấu về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Phát triển nông thôn gắn với thế mạnh của địa phương

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên 4.859 km2, dân số hơn 310.000 người, mật độ dân số bình quân khoảng 64 người/km2; có 7 huyện, 1 thành phố với 108 xã, phường, thị trấn, trong đó có 96 xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; có 2 huyện nghèo theo Chương trình 30a, 65 xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh năm 2022 là 33,7%. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hơn 83%; đường thôn, liên thôn cứng hóa được hơn 54%; có 92 trường học đạt chuẩn quốc gia; 31 nhà văn hóa xã và 460 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn...

Toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 46 xã đạt tiêu chí về giao thông; 75 xã đạt tiêu chí điện; 75 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 12,45 tiêu chí/xã; số tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 7,8 tiêu chí/xã. Kinh tế chủ yếu của tỉnh là phát triển nông, lâm nghiệp.

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Bắc Kạn, sau 12 năm triển khai chương trình, nhân dân đã hiến hơn 479.600m2 đất; đóng góp bằng tiền mặt hơn 25 tỷ đồng; góp ngày công lao động và hiện vật hơn 215 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí so với năm 2022; bình quân đạt 14 tiêu chí/xã.

Tỉnh cũng phấn đấu xây dựng 6 xã nông thôn mới nâng cao, gồm: Khang Ninh (Ba Bể), Đồng Thắng (Chợ Đồn), Cường Lợi (Na Rì), Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), Cẩm Giàng (Bạch Thông) và Hà Hiệu (Ba Bể). Đối với cấp huyện, tỉnh tập trung xây dựng, phấn đấu đưa Chợ Đồn và Bạch Thông về đích xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra tỉnh Bắc Kạn luôn coi trọng công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xuyên suốt quá trình thực hiện Chương trình. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã ban hành Chương trình công tác năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng địa bàn, chỉ đạo từng lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành cụ thể. Bên cạnh đó giao cho Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh thực hiện chức năng giúp Ban chỉ đạo tỉnh quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại các huyện, thành phố qua đó nắm bắt kịp thời tình hình thực tế.

Trong 2 năm (2022-2023), Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 04 Nghị quyết quy phạm pháp luật và 04 Nghị quyết phân bổ vốn; UBND tỉnh ban hành 17 Quyết định, 09 văn bản hướng dẫn; các sở chuyên ngành đã phê duyệt và ban hành các tập hồ sơ thiết kế mẫu, thiết kế điển hình các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và 09 văn bản hướng dẫn thực hiện qua đó đã tạo cơ sở pháp lý để các địa phương tổ chức thực hiện.

UBND tỉnh chọn các giải pháp ưu tiên thực hiện phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: Tập trung phát triển liên kết theo chuỗi giá trị. UBND tỉnh đã phê duyệt 167 danh mục định hướng dự án liên kết trên địa bàn toàn tỉnh; Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập tạo sự ổn định khu vực nông thôn và tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới trước mắt và lâu dài. Với mục tiêu đề ra phát triển nông thôn gắn với việc khai thác triệt để thế mạnh của địa phương từ ngành du lịch hướng đến phát triển du lịch sinh thái; phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đặc biệt là các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương từ Chương trình OCOP.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương, đối với xã trong kế hoạch đạt chuẩn năm 2023, các huyện, thành phố ưu tiên dành nguồn lực đầu tư; triển khai kế hoạch thật cụ thể, chi tiết; đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường...

Đối với các xã còn lại, các huyện, thành phố chủ động lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; đề xuất triển khai hiệu quả các dự án liên kết phát triển sản xuất...

Đối với xã trong lộ trình nông thôn mới nâng cao, Bắc Kạn yêu cầu cụ thể kế hoạch về lộ trình đối với từng tiêu chí và giải pháp thực hiện, phân giao nhiệm vụ. Đặc biệt là các tiêu chí về sản xuất, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường.

Ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh cho biết, trong năm 2023, tỉnh phấn đấu có 6 xã nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, qua rà soát mới chỉ có 2 xã về đích nông thôn mới nâng cao, 4 xã còn lại qua rà soát còn có những khó khăn mặc dù trên cơ sở có nguồn lực của trung ương, của tỉnh đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ do bộ tiêu chí mới của nông thôn mới nâng cao đưa ra rất là cao. Nhất là tiêu chí về giao thông theo bộ tiêu chí trước chỉ cần đạt 80% là đạt tiêu chí của xã nông thôn mới nhưng với nông thôn mới nâng cao là phải đạt 100%.

Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM

Tỉnh Bắc Kạn đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nông thôn mới nâng cao tại các địa phương. Tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó phát huy vai trò, giám sát, phản biện của UBMTTQ. Trong năm 2023, UBMTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch đi giám sát tại các sở, ngành, huyện và xã trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới và xây dựng được 02 mô hình giám sát cộng đồng về chương trình nông thôn mới. Qua các cuộc giám sát đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế, phân tích làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục. Đồng thời kiến nghị các cơ quan liên quan có giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình.

Đường nông thôn tại xã Đồng Thắng (Chợ Đồn) được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho giao thương đi lại của Nhân dân. Ảnh: Hương Lan

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới cho hay: Thứ nhất, trong công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành xây dựng nông thôn mới phải phát huy trí tuệ tập thể; phân công trách nhiệm, phân cấp rõ ràng, cụ thể cho từng cấp, từng ngành. Phát huy vai trò của cán bộ chủ chốt trong các cơ quan đơn vị, địa phương; Thứ hai, trong chỉ đạo, điều hành phải chọn các giải pháp ưu tiên thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; Thứ ba, tham mưu ban hành đầy đủ, kịp thời  các văn bản về cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương tổ chức thực hiện; Thứ tư, tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới; Thứ năm, xây dựng hoàn thiện bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình, thành lập, củng cố bộ máy tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp đủ mạnh, chuyên trách, chuyên nghiệp...

Để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Bắc Kạn yêu cầu tiếp tục thực hiện các phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

Các cấp ủy, chính quyền phải nâng cao trách nhiệm nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới./.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác