Bắc Ninh: 107 mộc bản chùa Dâu được công nhận là Bảo vật Quốc gia
Chùa Dâu và trung tâm Phật giáo Luy Lâu hơn 2000 năm trước
Thời kỳ Bắc thuộc cách đây hơn 2000 năm, khoảng năm 110 TCN, Sĩ Nhiếp, một quan lại nhà Đông Ngô đã cho xây thành Luy Lâu, đặt làm thủ phủ hành chính. Thành Luy Lâu được xây dựng cạnh sông Dâu. Con Sông Dâu (nay đã bị bồi lắng) là mạch giao thông thủy cổ xưa đi qua vùng Luy Lâu, nối các sông phía Bắc với sông Hồng, trước thế kỷ 19 vẫn là tuyến giao thông quan trọng ở phía Nam của vùng Kinh Bắc. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Kinh Bắc xưa và các vùng lân cận phụ thuộc vào sông này, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ra đời từ đây và lan toả ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn.
Các tài liệu nghiên cứu, kết quả khảo cổ cho thấy, Thành Luy Lâu xưa ngày nay thuộc địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Di tích để lại ngày nay chỉ còn một đoạn tường thành nhỏ còn sót lại, tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Cái tên Luy Lâu xuất hiện từ khá sớm trong các thư tịch cổ của Trung Quốc và Việt Nam, như Tiền Hán thư - Địa lý chí, Tấn thư - Địa lý chí, Thủy kinh chú, Tam Quốc chí, hay Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư, Đại Nam nhất thống chí... Các tài liệu đều thống nhất các điêm chung là người xây thành là Sĩ Nhiếp và Luy Lâu chính là trị sở của nhà Hán ở Giao Chỉ và là trung tâm Phật giáo cổ xưa thời Bắc thuộc.
Sau khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, Viện Viễn đông Bác cổ đã nhiều lần tiến hành khai quật khảo cổ tại Luy Lâu, lưu lại nhiều tài liệu quý giá về kinh thành cổ xưa này của nước ta. Theo đó, các di tích liên quan đến thành cổ Luy Lâu, di chỉ cư trú, mộ táng, các kiến trúc Phật giáo, hệ thống Tứ pháp... đã được tìm hiểu bước đầu, đem lại những nhận thức đầy đủ hơn về giá trị to lớn của di sản văn hóa Luy Lâu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tính chất phức hợp của di tích Luy Lâu, đây vừa là một thành lũy quân sự, lại vừa là một trị sở hành chính, đồng thời là trung tâm về tôn giáo và văn hóa, với kiến trúc nhà cửa, dinh thự quy mô lớn.
Trong các giá trị to lớn đó, khu di tích Luy Lâu còn có ý nghĩa là một trung tâm Phật giáo sớm được du nhập kết hợp hài hòa với tín ngưỡng dân gian (giữa Phật và Thần) đã hình thành nên triết lý cùng hệ thống chùa, tháp và các di sản vô cùng độc đáo, đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Nổi bật lên trong đó Lăng Sĩ Nhiếp, cụm di tích Chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nằm trên địa bàn của 3 xã như sau: chùa Dâu (Diên Ứng Tự, Pháp Vân Tự) tại thôn Khương Tự (tên nôm làng Dâu) thuộc xã Thanh Khương; chùa Tướng (Phi Tướng Tự) tại thôn Lũng Khê thuộc xã Thanh Khương; chùa Dàn (Trí Quả Tự ) tại thôn Phương Quan (tên nôm Dàn Câu) thuộc xã Trí Quả; chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự) ở thôn Mãn Xá thuộc xã Hà Mãn. Còn chùa Đậu (Thành Đạo Tự) bị phá hoại hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp và đã được trùng tu trong thời gian gần đây. Tất cả có 18 di tích.
Chùa Dâu, ngôi chùa cổ kính bậc nhất lịch sủ Phật giáo Việt Nam
Bản khắc Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục lưu giữ tại chùa Dâu, hay bia đá Sự tích chùa Phúc Nghiêm ở chùa tổ Mãn Xá cho biết một câu chuyện mang đậm tính huyền tích về buổi đầu hình thành phật Tứ pháp. Các tăng sĩ Ấn Độ, những người có mặt đầu tiên để truyền giáo ở Luy Lâu, trong đó có sư Khâu Đà La đến đây truyền giáo vào thời Sĩ Nhiếp, ông đã lập am truyền đạo tại chùa Linh Quang trên núi Phượng Hoàng.
Mộc bản chùa Dâu – Hiện vật gốc, độc bản, toàn vẹn
Tháng 1/2024, Mộc bản chùa Dâu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Bộ mộc bản gồm 107 ván khắc, hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: Truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa...
Các nhà nghiên cứu đã tạm phân loại thành 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi là những ván chưa xác định được tên gọi.
Mỗi ván khắc có tiết diện hình chữ nhật, hầu hết đều có kích thước trung bình dài từ 40 - 47cm, rộng từ 19 - 24cm, độ dày ván từ 1,5 - 2,5cm; có 92/107 ván được khắc 2 mặt và 15/107 ván khắc một mặt. Một số ván khắc đan xen những đồ hình minh họa được bố cục chặt chẽ, hài hòa với phần văn tự.
Mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê Trung hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, đường nét mềm mại, có tính thẩm mỹ cao nên khi in ra giấy dó rất sắc nét. Chất liệu ván in đều được làm bằng gỗ cây thị, trải qua thời gian gần 300 năm, nhưng ván khắc còn khá nguyên vẹn, đủ số chữ, sắc nét, rõ ràng.
Mộc bản chùa Dâu là di sản văn hóa có giá trị to lớn giúp cho việc nghiên cứu về chùa Dâu, Tứ pháp trong lịch sử, đồng thời tìm hiểu về các vị sư Tổ chùa Dâu qua các thời kỳ.
Hiện nay, toàn bộ 107 ván khắc gỗ ở chùa Dâu đang được bảo vệ, cất giữ cẩn trọng trong tủ kính khóa kín. Nhân dân và du khách thập phương khi về tham quan di tích có thể chiêm ngưỡng, tiếp cận kho mộc bản giá trị này./.