Nghị định số 106/2024/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
Hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
Đối tượng được hỗ trợ là tổ chức, cá nhân thực hiện dự án phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Nội dung và mức hỗ trợ
Hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tỷ đồng/kho lạnh.
Hỗ trợ không quá 30% tổng chi phí về quảng bá thương hiệu sản phẩm; mức hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ không quá 30% tổng chi phí về đào tạo xây dựng chiến lược phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
Điều kiện được hỗ trợ
Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xây dựng và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi có chuỗi liên kết giá trị từ chăn nuôi - giết mổ - chế biến hoặc chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ.
Dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và nghiệm thu kết quả đối với nội dung hỗ trợ xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Có hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản mục chi phí thực hiện.
Dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư
Giám sát và nguyên tắc hỗ trợ
Chi phí xây dựng, chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ được tính toán theo quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng của pháp luật về xây dựng là cơ sở để xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Chi phí mua bản quyền công nghệ, mua bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi dạng hàng rời, mua giống cây để trồng làm cây thức ăn chăn nuôi; chi phí quảng bá thương hiệu sản phẩm; chi phí di dời vật nuôi; chi phí mua vật tư phối giống nhân tạo gia súc, liều tinh, mua bình chứa Nitơ lỏng bảo quản tinh; chi phí mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao và gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ; chi phí mua sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng mới công trình khí sinh học, vật tư, thiết bị, chi phí xét nghiệm; chi phí đào tạo, tập huấn... được lập dự toán theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2015, Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách của Bộ Tài chính là cơ sở để xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Chú trọng phát triển các chuỗi liên kết thực phẩm an toàn
Từ quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi nói trên, chúng ta có thể thấy, chính phủ đang nỗ lực hướng các Công ty thực phẩm, các đơn vị kinh doanh sản phẩm chăn nuôi trong nước tập trung vào việc phát triển các chuỗi liên kết giá trị.
Chuỗi giá trị (Value chain) là một mô hình thể hiện một chuỗi các các hoạt động tham gia vào việc tạo ra giá trị của sản phẩm và thể hiện lợi nhuận từ các hoạt động này. Các chuỗi hoạt động này có thể diễn ra theo thứ tự nối tiếp nhau hoặc theo thứ tự song song. Mô hình này phù hợp ở cấp độ đơn vị kinh doanh (business unit) của một ngành cụ thể. Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản xuất thu được một số giá trị nào đó. Chuỗi các hoạt động mang lại sản phẩm nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của các hoạt động cộng lại. Chuỗi giá trị được đề xuất bởi Michael Porter - Giáo sư của Trường Đại học Harvard, Mỹ - lần đầu tiên vào năm 1985.
Công nghệ nuôi lợn bán tự động tại Bắc Ninh trong chuỗi liên kết giá trị sản phẩm của Công ty Dabaco
Việc áp dụng mô hình Chuỗi giá trị vào phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam là một hướng đi đúng đắn của Chính phủ. Trong Chuỗi giá trị này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ. Điển hình triển khai mô hình này là Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn Dabaco, … Các Công ty này có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, xây dựng một hệ thống thương hiệu, nhận diện thương hiệu uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo lòng tin tuyệt đối cho người tiêu dùng. Để đảm bảo uy tín thương hiệu về sản phẩm sạch, các Công ty này có những quy trình khắt khe đối với các đối tác là các hộ nông dân và các hộ nông dân cũng tự ý thức được nếu không chăn nuôi đúng quy trình, tự ý sử dụng các loại thuốc thú y và các chất phụ gia cấm trong chăn nuôi, thì Công ty sẽ loại bỏ họ khỏi chuỗi liên kết.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, sẽ tạo điều kiện cho người chăn nuôi có cơ hội tiếp cận khoa học, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Đồng thời tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chuyển dịch mạnh chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung, xa khu dân cư, bảo đảm an toàn sinh học. Tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế. Phát triển chăn nuôi theo hướng tăng số lượng đầu con hợp lý, ưu tiên phát triển những vật nuôi có tiềm năng tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực như lợn, gia cầm, ổn định đàn trâu, bò, giúp giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Nghị định số 106/2024/NĐ-CP cũng giúp người dân được sử dụng các loại thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe lâu dài.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam, bên cạnh việc thúc đẩy thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài mà còn gián tiếp chăm lo cho đời sống, sức khỏe nhân dân. Với những mô hình Chuỗi giá trị, các sản phẩm được quản lý khắt khe, qua nhiều khâu từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ mới tới bàn ăn của từng gia đình, đảm bảo nhân dân được sử dụng các loại sản phẩm sạch, không có hóa chất ảnh hưởng tới sức khỏe người dân trong tương lai lâu dài.
- Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in sâu trong tâm thức người dân Lào
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 1: Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước