Không bỏ sót đối tượng bị thu hồi đất cần hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, dự thảo Quyết định về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi kế thừa, phát triển những nội dung tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; sửa đổi những quy định chưa phù hợp; bổ sung các quy định bảo đảm tính khả thi, dài hạn trong tổ chức thực hiện và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người có đất thu hồi được tham gia và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề.
Đối tượng áp dụng của Quyết định là những người có đất nông nghiệp, đất kinh doanh bị thu hồi.
Chính sách hỗ trợ học phí đào tạo nghề được áp dụng cho trình độ sơ cấp, thời gian đào tạo dưới 3 tháng; 1 khoá học với trình độ trung cấp, cao đẳng.
Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các chính sách hỗ trợ được áp dụng trong thời gian 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.
So với Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg, dự thảo quyết định bỏ chính sách tín dụng với học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ người lao động bị thu hồi đất thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của chính sách hỗ trợ các huyện nghèo.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bắc Giang kiến nghị mở rộng biên độ chi phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp nghề phù hợp với thực tế tại các địa phương, nhất là ở thành phố lớn; nâng mức cho vay tối đa đối với lao động hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; làm rõ chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho đối tượng có đất nông nghiệp bị thu hồi, có đất kinh doanh dịch vụ bị thu hồi…
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đề nghị xem xét đối tượng cần hỗ trợ là những người đang sống phụ thuộc vào người lao động chính (con cái, bố mẹ già), các hộ tách ra từ hộ gia đình có đất thu hồi; đánh giá tác động chính sách đối với ngân sách nhà nước; làm rõ căn cứ áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm như đối với hộ nghèo…
Các đại biểu kiến nghị nới rộng biên độ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề phù hợp với thực tế của từng địa phương - Ảnh: VGP/Minh Khôi
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá XV đánh giá cao tính nhân văn của quy định thời hạn hỗ trợ 5 năm để không bỏ sót những người có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn tạo việc làm sau khi bị thu hồi đất; làm rõ nguồn kinh phí cấp bù cho trung tâm dịch vụ việc làm khi tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người có đất thu hồi; bổ sung tiêu chí, điều kiện hỗ trợ đào tạo, vay vốn ưu đãi mang tính ràng buộc trách nhiệm của người được hỗ trợ…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức lưu ý đến đối tượng có đất thu hồi là đất ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ; rà soát trường hợp "các hộ chia tách từ hộ gia đình có đất thu hồi", những người sống phụ thuộc vào người lao động để không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ; làm rõ tiêu chí, điều kiện để đối tượng được tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo cho từng trình độ (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng), tìm việc làm; để biên độ điều chỉnh kinh phí hỗ trợ đào tạo phù hợp để tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương; giữ lại chính sách tín dụng với học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình có đất thu hồi.
Phó Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến thành viên Chính phủ về phương án nguồn hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ, ngân hàng chính sách, kinh phí sự nghiệp hoặc lấy từ tổng kinh phí trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Theo Chinhphu.vn