Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Nghệ An: Vận động nông dân tự sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh

Bùi Ánh - 16:10 16/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nghệ An đang phấn đấu đến hết năm 2025 có tới 70% hội viên nông dân được hướng dẫn phương pháp sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Bình quân mỗi năm, nông dân toàn tỉnh sản xuất 90.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh.

Nhiều giải pháp, kế hoạch đồng thời để triển khai đề án

Để nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp sạch, sinh thái, bền vững và hạn chế việc lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón vô cơ chưa đúng quy trình trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân Nghệ An đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2022-2025.

Công tác tập huấn sản xuất phân vi sinh được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng

Các cấp Hội Nông dân Nghệ An đã tích cực tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi hội, các hội nghị đầu bờ, nói chuyện chuyên đề và các hoạt động khác do Hội Nông dân cơ sở tổ chức, đồng thời, xây dựng bộ tài liệu tập huấn về quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp cho các hộ nông dân có nhu cầu sản xuất phân bón và dưới nhiều hình thức khác,…

Mặt khác, Hội cũng tiến hành trang bị kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp qua các lớp tập huấn sâu cho đội ngũ cán bộ chủ chốt hội nông dân cơ sở và các nông dân nòng cốt. Đội ngũ cán bộ chủ chốt và hội viên nông dân  sau tập huấn có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cho đại trà hội viên nông dân về phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm, các quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng miền. Cán bộ Hội hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế phân bón vô cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương.

"Cầm tay chỉ việc" đến từng hộ gia đình của Hội Nông dân các cấp

Song song, Hội tiến hành xây dựng mô hình điểm về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Cụ thể, lộ trình xây dựng theo từng năm như: Năm 2023 xây dựng 05 mô hình tại huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông. Năm 2024 xây dựng 5 mô hình tại các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Nam Đàn. Năm 2025 xây dựng 5 mô hình tại huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Thái Hòa, Hoàng Mai.

Nghệ An phấn đấu đến hết năm 2025 có tới 70% hội viên nông dân được hướng dẫn phương pháp sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Bình quân mỗi năm, nông dân toàn tỉnh sản xuất 90.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh.

Tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông sản

Những lợi ích từ phân bón vi sinh mang lại đã được kiểm chứng qua các mô hình thử nghiệm mà Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng qua 8 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp ở 8 huyện (Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn với 146 hộ nông dân tham gia. Qua đánh giá bước đầu, kết quả đạt được rất tốt.

Phân hữu cơ vi sinh sau thời gian ủ từ các phế phụ phẩm nông nghiệp

Điển hình là gia đình ông Lê Hữu Hải (SN 1971) ở xóm 9 Khai Sơn (huyện Anh Sơn). Bình quân mỗi năm gia đình ông sản xuất 30 tấn phân vi sinh để bón cho 3ha chè và 1 ha cam. Ông Hải cho biết: ”Việc sử dụng phân bón hữu cơ có tác dụng rất lớn trong việc cải tạo đất, đặc biệt là với cây cam rất cần có phân ủ hoai để tốt cho bộ rễ, tránh được hiện tượng thối rễ và những tuyến trùng có lợi trong phân vi sinh sẽ chống được nấm bệnh cho cây trồng. Không những vậy, phân vi sinh được bón lót cho cây sẽ giúp quá trình cải thiện đất được tốt hơn nhờ hút nhiều nước, tạo độ tơi xốp, tránh hiện tượng chai, bạc, chua hóa và xói mòn đất về lâu về dài”.

Với việc tự sản xuất được nguồn phân bón hàng năm, người nông dân đã giảm được chi phí đầu tư. Phân vi sinh chủ yếu được ủ từ phế phẩm nông nghiệp, phân thải từ trâu bò, lợn, gà với một ít phân tổng hợp, chế phẩm sinh học… đã cho hàng tấn chục phân để bón cho cây trông mà không lo ô nhiễm hóa chất, tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất.

Vườn cam của hộ gia đình ông Lê Hữu Hải (Khai Sơn, huyện Anh Sơn) sau thời gian chăm bón từ phân hữu cơ vi sinh đạt sản lượng từ 25 - 30 tấn

Ông Hải cho biết thêm: “Để sản xuất 1 tấn phân vi sinh cần 700kg phế phụ phẩm nông nghiệp, 300kg phân chuồng, 4kg rỉ mật, 6kg vôi bột, u rê 2kg, kali 3kg, lân 5kg và chế phẩm compost maker. Bón phân hữu cơ vi sinh mỗi năm giúp gia đình tôi giảm được khoảng 40% chi phí đầu vào. Ngày nay, số lượng các hộ tham gia càng nhiều hơn khi được Hội Nông dân hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn tận nơi về sách sản xuất phân hữu cơ vi sinh”.

Hiện tại, bình quân mỗi năm xã Khai Sơn sản xuất được khoảng 700 tấn phân vi sinh, thời gian tới con số sẽ tăng lên theo đúng kế hoạch đề ra. Bởi bà con trên địa bàn đã có kinh nghiệm sản xuất cũng như những hữu ích mà nó mang lại. Được biết, việc bón phân vi sinh cho cây cam giúp cây khỏe mạnh, kéo dài được tuổi thọ, chống chọi được với thời tiết khó ưa của miền Trung, quả có độ bóng, vị ngọt thanh, quả đều… Mỗi hecta cho thu hoạch dao động từ 25 đến 30 tấn.

Những quả cam với màu sắc bắt mắt khi đến độ thu hoạch

Tuy nhiên, quá trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh cũng có những hạn chế nhất định, rõ nhất là “tốn nhiều công cho việc thu gom phế phụ phẩm, vận chuyển vất vả hơn, bón phân lâu hơn nhưng cái được nhất mà nó mang lại đó là bảo vệ được môi trường nông thôn sạch đẹp, tránh được ô nhiễm môi trường bổ sung tốt nguồn dinh dưỡng cho cây trồng và mang lại sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng” -  ông Hải bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác