Bản quyền trái thanh long ruột đỏ Long Định (LĐ1) là cần thiết và quan trọng
Chia sẻ về bản quyền giống LĐ1, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit khẳng định: Nơi nào đang trồng giống LĐ1 cho thị trường Nhật, Hàn Quốc, công ty sẽ ký bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý, cao hơn thị trường 20 - 30%”. Ngoài ra, hợp tác xã nào có sử dụng giống LĐ1 muốn mở rộng sản xuất, có nhu cầu xuất đi Nhật Bản, Hoàng Phát Fruit sẽ hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường.
Còn xuất vào thị trường Nhật, Hàn Quốc, công ty sẽ thu phí, mức phí đưa ra cụ thể: khoảng 5.000 - 15.000 tấn mức phí 30 đồng/kg, 30 triệu đồng cho 1.000 tấn, mức phí 20 đồng/kg cho 20.000 - 25.000 tấn và mức phí 10 đồng/kg cho trên 25.000 tấn. Doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu, công ty sẽ kết hợp ba bên, đó là chính quyền địa phương, bà con nông dân ký kết bao tiêu sản phẩm giá 40.000 đồng/kg để xuất vào thị trường Nhật Bản và đặt cọc 30% với sự chứng kiến ba bên đó.
Trước thông tin từ phía Hoàng Phát Fruit, doanh nghiệp trong ngành cho rằng, mức giá 10, 20, 30 đồng không nhiều nhưng sản lượng lại nhiều. Số lượng thanh long cần giảm xuống 10.000 tấn, để nhiều người cùng làm. Về mức phí này, một số doanh nghiệp thắc mắc, dựa vào đâu để đưa ra mức phí 10, 20, 30 đồng. Có thể làm rõ mức trên tạo sự đồng thuận và hài hòa quyền loại của các bên liên quan.
Trước đây, giống này do Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo và chuyển giao cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit vào năm 2017 với phí 5 tỷ đồng và được cấp bằng bảo hộ đến tháng 1-2037. Tuy nhiên, giống này đã được nhiều nông dân trồng từ giai đoạn khảo nghiệm và mở rộng diện tích.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN& PTNT cho biết: Bản quyền là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Vừa qua, khi xuất khẩu thanh long ruột đỏ và trắng qua thị trường Nhật Bản phải áp dụng mã số vùng trồng và hiện nay chỉ có giống thanh long ruột đỏ LĐ1 được Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu.
Một số giống thanh long ruột đỏ khác của nông dân, doanh nghiệp khi xuất khẩu qua đây gặp khó khăn do đó các doanh nghiệp khác, nông dân mong muốn được nhượng quyền giống thanh long ruột đỏ với chi phí hợp lý, hài hòa nhất.
Đối với bản quyền của giống thanh long ruột đỏ LĐ1, ông Trần Như Cường thông tin, vào năm 2017 TNHH Hoàng Phát Fruit đã mua bản quyền từ Viện Cây ăn quả miền Nam. Việc bảo hộ và chuyển nhượng quyền bảo hộ hoàn toàn phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hoàng Phát Fruit đã minh bạch và chia sẻ bản quyền thanh long ruột đỏ LĐ 1 cho nông dân, doanh nghiệp khác. Đây là cơ sở để trái thanh long Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhiều đại diện nông dân và doanh nghiệp mong muốn thu hồi bản quyền giống thanh long LĐ 1 về cho nhà nước để người dân, doanh nghiệp sử dụng tự do, khi đó, ngành thanh long sẽ phát triển hơn.