Ông Nguyễn Danh Nhân, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp miền Trung
“Báo chí ghi dấu ấn trong truyền tải thông tin sâu rộng, đa chiều”
Hiện nay, các nền tảng công nghệ như Titok, Facebook, Zalo… là những kênh truyền thông dễ tiếp cận của phần lớn công chúng. Tuy nhiên báo chí đã ghi dấu ấn trong truyền tải thông tin chính thống, sâu rộng và chi tiết các hoạt động trong cộng đồng dân cư. Các hoạt động khuyến nông, các hoạt động văn hóa vùng nông thôn…được báo chí phản ánh đa chiều.
Có thể nói, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và hơn hết là tính thông tin kịp thời tới người dân khắp mọi miền từ đồng bằng, miền biển đến vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mọi chương trình, chính sách, Nghị quyết được thông suốt tới người dân nhờ tính nhạy bén của báo chí.
Để minh chứng rõ nhất về vai trò của báo chí có thể kể đến công cuộc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Nhìn trên tổng thể, báo chí có 3 nhiệm vụ rất quan trọng: Thứ nhất, là sự vào cuộc tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước; Thứ hai là tuyên truyền đưa những thông tin về tính dân chủ tại cơ sở đến với người dân trong việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; Thứ ba, kịp thời cổ vũ những gương điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tổng kết những cách làm sáng tạo để phổ biến, động viên các địa phương, cơ sở học tập và làm theo.
Có thể nói, sự vào cuộc của báo chí thường xuyên và liên tục, bám sát thực tiễn đã hội tụ được sức mạnh tinh thần của toàn Đảng, toàn dân để tạo nên sự bứt phá, vượt khó nhằm đưa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt được kết quả cao. Song song với đó, báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện phản ánh và định hướng kịp thời những vướng mắc, khó khăn và cả những biểu hiện chạy theo thành tích của các địa phương.
Bàn về vai trò giám sát, tính phản biện của báo chí trước hết là ở việc cung cấp thông tin trung thực, khách quan và theo cả hai chiều. Hơn hết là phóng viên chuyên tuyến mảng nông nghiệp, nông thôn sẽ có góc nhìn thấu đáo về những góc khuất để góp phần giúp các nhà lãnh đạo đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề.
Tôi còn nhớ như in trong loạt bài “Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt” của Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã để lại nhiều trăn trở cho độc giả cũng như lãnh đạo địa phương. Vốn là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, công tác bảo vệ rừng gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là vấn đề chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn ngặt nghèo. Vì thế, anh em lực lượng bảo vệ rừng đang phải tụt lại phía sau khi cơm áo gạo tiền còn đè nặng. Từ loạt bài đó tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2023, UBND tỉnh đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Lĩnh vực tam nông đang được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhằm cân bằng sự phát triển kinh tế các vùng miền, nông thôn và thành thị. Trong tình hình chung đó, báo chí đóng vai trò cầu nối để người dân hiểu rõ hơn. Để làm tốt điều đó, đòi hỏi báo chí phải gia tăng năng lực kết nối với hệ sinh thái truyền thông online để làm tốt hơn chức năng phản biện xã hội của mình.