Làng nghề

Báo động sự suy kiệt của nguồn nguyên liệu cá cơm

01:00 21/11/2017 GMT+7

Sản phẩm truyền thống nước mắm nổi tiếng của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong chiến lược phát triển.

Theo đó, sự suy kiệt nguồn cá cơm làm nguyên liệu sản xuất nước mắm đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến nghề truyền thống này. Đây là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất, mang tính “sống còn” của các nhà thùng sản xuất nước mắm nơi này.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, trong 10 năm qua, trữ lượng khai thác cá cơm ở vùng biển Tây Nam bộ đã giảm 20 – 30%, từ 172.000 tấn (2004 – 2005) giảm còn 130.000 tấn – 152.000 tấn (2012 – 2015); sản lượng khai thác từ 120.000 tấn (2004 – 2006) giảm còn hơn 80.000 tấn (2014 – 2015).

Cường lực khai thác cá cơm hiện nay đã vượt mức khai thác bền vững tối đa, báo động suy kiệt nguồn lợi thủy sản này trên ngư trường.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cho biết, sản lượng khai thác cá cơm của tỉnh đạt 18.000 tấn – 20.000 tấn/năm, tập trung phần lớn ở huyện Phú Quốc; trong đó, khoảng 70 – 80% làm nguyên liệu sản xuất nước mắm, số còn lại chế biến khô cá cơm. Hiện nay, nguyên liệu cá cơm chỉ đáp ứng 50 – 60% nhu cầu sản xuất nước mắm, với khoảng 20 triệu lít/năm.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, do thiếu nguồn nguyên liệu cá cơm nên nhiều nhà thùng sản xuất nước mắm ở Phú Quốc giải thể. Năm 2011 có khoảng 100 nhà thùng, đến năm 2016 giảm chỉ còn 56 nhà thùng.

Nguyên nhân dẫn tới suy kiệt nguồn cá cơm là do việc khai thác không mang tính bền vững, đánh bắt chưa đi cùng với tái tạo, khôi phục và bảo vệ đàn cá tự nhiên trên ngư trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, phương tiện nghề lưới kéo chiếm 32% khai thác khoảng 80% tổng sản lượng hải sản toàn tỉnh.

Số lượng đông đảo tàu cá với nghề lưới kéo chính là nguyên nhân dẫn đến suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, nguy cơ cao nhất là nhóm cá nổi như cá cơm bị đánh bắt quanh năm. Số lượng cá cơm bị hủy diệt chỉ để làm phân, chế biến thức ăn gia súc cũng không hề nhỏ.

Ở một diễn biến khác, trong 2 năm (2012 – 2013), ngư dân Kiên Giang và nhiều tỉnh, thành trên cả nước tập trung về vùng biển Tây Nam bộ khai thác đánh bắt cá cơm bán cho thương lái nước ngoài do giá mua gom cao gấp đôi ba lần so với mức bình thường làm cho những nhà thùng sản xuất nước mắm Phú Quốc điêu đứng.

Theo đó, việc khai thác đánh bắt cá cơm vô tội vạ diễn ra ồ ạt hủy diệt ngư trường tưởng chừng như không còn một loài cá cơm nào có thể sống sót được.

Trong chiến lược phát triển và tái cơ cấu ngành thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang quy hoạch ngành kinh tế thủy sản biển theo hướng khai thác bền vững, thân thiện với môi trường. Khai thác đánh bắt kết hợp với tái tạo, khôi phục và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên; trong đó, có nguồn cá cơm.

Theo đó, một số giải pháp cấp bách đã được triển khai thực hiện như giảm cường lực khai thác đối với các nghề khai thác cá cơm; điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác phù hợp đối với nhóm cá cơm. Đồng thời, cấm nghề lưới kéo khai thác đánh bắt tuyến bờ; quy định cường độ ánh sáng của nghề lưới vây.

Công Huyền

Tin cùng chuyên mục
Tin khác