Xã hội

Bão Trà MI được dự báo áp sát đất liền trước khi quay lại Biển Đông

Sơn Tùng - 21:55 26/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tính đến 20:00 ngày 26/10, bão Trà Mi (bão số 6) đang vượt qua quần đảo Hoàng Sa, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 290 km. Đây là một cơn bão mạnh, khó lường với hướng di chuyển phức tạp, gây ra dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn, mưa rất to tại các tỉnh Trung Trung Bộ; đất liền ven biển khu vực Quảng Trị-Quảng Nam.

Bão Trà Mi được dự báo có cường độ mạnh, hướng di chuyển rất phức tạp

Theo bản tin lúc 20:00 ngày 26/10 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 19 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 290km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.

Hiện nay, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão cấp 9-11, giật cấp 13. Ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ và Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7 giật cấp 8-9.

Ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão; vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, phía Tây Bắc của khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Đông khu vực Nam Biển Đông có mưa rào và dông mạnh.

Dự báo đến 19:00 ngày 27/10, bão đạt cấp 8, giật cấp 11 sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 15km/h tại vùng biển trên khu vực các tỉnh Quảng Trị-Quảng Nam. Đến 19:00 ngày 28/10, bão giảm cường độ còn cấp 7, giật cấp 10, di chuyển theo hướng Nam Đông Nam sau đó chuyển Đông, tốc độ khoảng 5km/h, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Trà mi là cơn bão được dự báo có cường độ mạnh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển, cấp độ gió có thể còn thay đổi do tác động của nhiều hình thế thời tiết trên biển.

Trước sự di chuyển phức tạp theo nhiều hướng của Trà mi, kịch bản có xác suất cao nhất hiện nay là bão áp sát đất liền các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam, sau đó chuyển hướng đông nam rồi chuyển hướng đông ngược ra biển và suy yếu dần.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 14, sóng biển cao 4,0-6,0m, vùng gần tâm bão 6,0-8,0m; biển động dữ dội. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 4,0-6,0m; biển động rất mạnh.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo bão sẽ khiến nước biển sẽ dâng cao, ảnh hưởng các tỉnh ven bờ: từ sáng ngày 27/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m.

- Tàu/thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa), khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

- Nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.

Tập trung cao độ ứng phó với bão Trà mi (cơn bão số 6)

Trước đố, ngày 24/10/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 110/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó bão Trà mi.

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao.

Nội dung công điện cho biết: chiều 24/10, cơn bão có tên quốc tế là Trà mi đã vượt qua đảo Lu dông (Philippines) vào khu vực bắc biển Đông trở thành cơn bão số 6 trên biển Đông trong năm 2024, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 đến 48 giờ tới bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14-15, di chuyển theo hướng tây về phía quần đảo Hoàng Sa, sau đó có thể ảnh hưởng đến vùng biển ngoài khơi và ven bờ các tỉnh khu vực Trung Bộ (từ Hà Tĩnh đến Bình Định) trong khoảng từ ngày 27 - 29 tháng 10 năm 2024.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão Trà mi tại khu vực ven biển

Đây là cơn bão được dự báo có cường độ mạnh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển, cấp độ gió có thể còn thay đổi do tác động của nhiều hình thế thời tiết trên biển. Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ có thể xảy ra trên đất liền các khu vực Trung Bộ do ảnh hưởng của bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức theo dõi sát, cập nhật thông tin dự báo và tình hình bão, mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Sáng nay 26/10, để bảo đảm an toàn, Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại 4 sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Đồng Hới (Quảng Bình) và Chu Lai (Quảng Nam). Theo đó, sân bay Đà Nẵng tạm ngừng bay từ 6h ngày 27/10 đến 4h ngày 28/10; sân bay Phú Bài từ 6h đến 22h00 ngày 27/10; sân bay Đồng Hới từ 6h đến 19h ngày 27/10; sân bay Chu Lai từ 10h ngày 27/10 đến 10h ngày 28/10.

Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại 4 sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Đồng Hới (Quảng Bình) và Chu Lai (Quảng Nam)

Cũng trong sáng nay, Thành ủy Đà Nẵng đã có công văn khẩn chỉ đạo công tác ứng phó bão Trà Mi. Để chủ động triển khai công tác phòng, chống bão Trà Mi trên địa bàn thành phố, Thường trực Thành ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan, địa phương, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương chuẩn bị, huy động đầy đủ các lực lượng, điều kiện, phương tiện, trang thiết bị để ứng trực, ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra với phương châm "4 tại chỗ" theo Phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Tiến hành kiểm tra, khắc phục ngay những yếu tố mất an toàn của các công trình đê kè, hồ đập, cầu cống, các trụ sở, công trình cao tầng, các khu tập thể, chung cư xuống cấp, khu vực phục vụ tránh trú bão và các vị trí có khả năng sạt lở, xung yếu khác.Công văn nhấn mạnh các đơn vị cần thường xuyên đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân, giảm thiểu thiệt hại do bão Trà Mi gây ra.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác