Nỗi niềm day dứt với Cồn Đen hậu siêu bão Yagi
Người Cựu chiến binh và giấc mơ làm giàu trên biển quê hương
Năm 2005, rời quân ngũ sau 25 năm phục vụ trong quân đội, ông Vũ Trung Kiên lại trở về với vùng đất ven biển quê hương xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Quê hương ông sinh ra và lớn lên có một vùng đất có tên gọi là Cồn Đen kẹt giữa hai cửa sông là cửa sông Trà Lý và cửa sông Diêm Hộ đang đối mặt với nguy cơ xóa sổ bởi sự bào mòn và xâm thực dữ dội của sóng biển. Lúc đó, Cồn Đen chỉ là một cồn cát nổi lên trên mặt nước, sóng biển ngập tràn với vài trăm cây phi lao nghiêng ngả.
Nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hướng ra biển Đông, người cựu chiến binh, người đảng viên ấy đã quyết tâm biến vùng đất sình lầy, sóng gió, hoang vu này thành nơi làm giàu cho địa phương. Ông thành lập Công ty TNHH TMDV Minh Phú, xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Đen và được chính quyền phê duyệt. Ông đã thuyết phục được gần 100 lao động trong đó có nhiều cựu chiến binh, đồng đội của ông ra bờ biển, thực hiện một dự án mà nhiều người coi là “dã tràng xe cát”. Gần 20 năm qua, với bao gian khổ, nhọc nhằn, mồ hôi và máu, quai đê lấn biển, quy hoạch vùng trồng cây sú, vẹt, rừng thông, trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng hải sản và du lịch sinh thái… người lính Cụ Hồ ấy cùng cán bộ công nhân viên trong công ty làm lên Khu du lịch sinh thái Cồn Đen đẹp như một giấc mơ như ngày nay.
Với ngút ngàn phi lao xanh mát trải dài khu quai đê, lấn biển, Cồn Đen là vùng chuyển tiếp: Giáp với hệ sinh quyển đồng bằng châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận là rừng ngập mặn Diêm Trà, ông Trung Kiên đã kết hợp khéo léo, tận dụng khung cảnh tự nhiên kết hợp với hiện đại mà giữ được nét hoang sơ. Khu du lịch Cồn Đen được nhiều du khách đánh giá là cồn biển đẹp vào bậc nhất miền Bắc với cảnh quan trải dài bao gồm các bãi cát mịn, chen lẫn rặng phi lao xanh mát, khu trải nghiệm rừng ngập mặn cảm giác như lạc vào các khu du lịch trong rừng tràm, rừng đước ở miền Tây Nam bộ.
Đối với du khách, mỗi sáng bình minh khi ánh mặt trời nhô lên bãi biển như tấm gương phản chiếu, họ được đi bộ trên cây cầu tre dài nhất Việt Nam, ngắm biển "Vô Cực" ôm trọn vùng đất Cồn Đen; được trải nghiệm đi cào, bắt ngao; tham quan rừng ngập mặn bằng cano; khu du lịch đồng quê tái hiện cảnh làm việc của nhà nông; khu vui chơi trẻ em; bể bơi nước ngọt; vườn thú nhỏ với chim công, trĩ, gà lôi... và khu nghỉ đêm trong đó có cả những căn bungalow độc lập, tiện nghi, hiện đại...
Một nửa quân số của Công ty TNHH TMDV Minh Phú chuyên tâm nuôi trồng thủy sản, con ngao - một sản vật quê hương. Ông Trung Kiên đầu tư hàng chục tỷ cho trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng hải sản hiện đại tự sản xuất con giống, nuôi thả và đánh bắt. Tiền lãi thu được lại quay vòng đổ vào khu du lịch khiến đôi lúc ông tự cười mình: “Chưa kịp giàu đã già”.
Đêm Cồn Đen kinh hoàng
Chiều ngày 07/9/2024, những đám mây đen nặng chình chịch ép sát mặt biển, mây thấp đến nỗi như ép vào ngực người đến khó thở. Ngoài khơi xa, những tiếng ù ù như tàu hỏa chạy cứ to dần, to dần. Mới 16:00h mà trời bỗng tối đen như mực. Mưa bắt đầu rơi, to dần rồi đổ xuống như trút nước, gió gầm gào ấn mặt biển lõm xuống rồi bốc lên từng cơn sóng biển dập ầm ầm vào kè đá, bọt tung trắng xóa cao 3 - 4m. Những hàng phi lao che chắn các căn bungalow ngả rạp, cọ kèn kẹt vào vào mái, dãy quầy hàng khu vui chơi mái tôn nhấc lên lại hạ xuống đập rầm rầm theo từng cơn phong cuồng nộ. Bầu trời đen kịt, mây vần vũ, mưa sầm sập đổ xuống khu nhà Trung tâm sản xuất giống cách khu điều hành 3km.
Tiếng ông Hùng phụ trách Trung tâm, người đồng đội đã cùng ông Kiên tay trắng lập nghiệp, ngắt quãng trong tiếng gió ầm ầm báo tình hình khẩn cấp, khu mái nhà đã bay mất, hệ thống điện có nguy cơ sập… Không một giây chần chừ, ông Kiên yêu cầu toàn bộ cán bộ, công nhân rời ngay khu nhà Trung tâm tìm nơi trú ẩn an toàn. “Anh em là đồng đội của tôi, mất người là mất hết, còn người, còn có thể làm lại được. Tôi ra lệnh di chuyển ngay”, ông Kiên bình tĩnh dằn từng tiếng qua điện thoại như còn trên chiến trường Campuchia đầy máu và bom đạn hơn 40 năm về trước. Một tiếng sét khủng khiếp vang lên, chớp lửa loằng ngoằng xé tan biển mây nặng trịch, điện phụt tắt, máy bơm, máy thổi ô-xi, toàn bộ hệ thống thiết bị ngưng hoạt động.
Những cơn gió giật khủng khiếp ập đến, gió vặn ngang hàng phi lao, bẻ gãy hàng ngàn thân cây, có cây to như cột điện mà dễ dàng như ta vặt ngọn cỏ. Rừng phi lao chắn sóng với hàng vạn cây phi lao được trồng bởi bao mồ hôi và cả máu, niềm tự hào và là điểm du lịch lý tưởng của địa phương chỉ vài tiếng đã tan nát. Những thân cây gãy phạt ngang nham nhở giãy dụa trong sức gió kinh hoàng rồi bật gốc, những cây chưa đổ thì giơ lên bầu trời đen sẫm những cánh tay tuyệt vọng, khắc vào hư không ngả nghiêng những tiếng thét dài câm lặng, đau đớn và vô vọng. Nóc mái nhà bằng tôn dù đã được chằng néo cẩn thận, đè hàng chục bao cát dằn lên nhưng bị gió giật đứt hết toàn bộ ốc vít, ném vụt lên không trung như món đồ chơi chết người, cạnh tôn sắc lẻm phạt bay hàng loạt cây ăn quả. Ông Kiên thẫn thờ đứng nép bên hàng hiên mặc cho mưa, gió tạt lên người nhìn những thân cây phi lao đè tan tành những căn bungalow tiền tỷ, tiếng kính vỡ xoang xoảng, tiếng những cánh cửa đập rầm rầm rồi vỡ nát trong cơn cuồng nộ của biển cả. Gió vò nát biểu tượng rồng trước khu cảnh quan chính, bốc nguyên mái tôn cả trăm mét vuông của ngôi chùa ven biển ném ra xa.
Suốt đêm trong tiếng mưa rít, gió gào, siêu bão Yagi đã mang đi toàn bộ công sức 20 năm vác đá vá biển, xây kè, lập khu du lịch của ông. Ước tính thiệt hại ban đầu cho các công trình kiến trúc, cảnh quan, hệ thống điện của Khu du lịch sinh thái Cồn Đen là hơn 30 tỷ đồng. Xót xa thay, chỉ 15 phút sau khi mất điện, số con giống đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho vụ sau của Công ty Minh Phú cũng chết hết.
Nỗi niềm của ông Kiên "dã tràng"
Tôi gặp lại ông khi người cựu chiến binh đang mạnh mẽ vượt qua nỗi xót xa bởi thiệt hại do siêu bão Yagi mang tới, nhặt nhạnh, dựng lại từng tài sản còn sót lại. Nở nụ cười buồn khi được hỏi về thiệt hại của mình, ông nói: “Điều đáng mừng nhất là chúng tôi không để xảy ra thiệt hại về người. Tất cả cán bộ, nhân viên và gia đình đều an toàn, gần 100 con người đó là đồng đội của tôi hoặc con cháu của họ. Mọi người đã tin tưởng cùng tôi vác từng hòn đá lấn biển, từng viên gạch xây nhà, cùng tôi chia từng hạt muối, từng giọt mồ hôi suốt 20 năm qua nên không thể để mất bất kỳ ai”.
Sau 20 năm, từ tay trắng rồi lại về trắng tay, dựng nghiệp từ biển, có tất cả và nay biển lấy lại tất cả chỉ sau 1 đêm. Không thể hiểu được những suy nghĩ bên trong và nghị lực sắt đá thế nào của người cựu chiến binh này để ông có thể bình thản trước một tai họa trời giáng, khủng khiếp như vậy. Ngày ông quyết định ra biển, nhiều người còn bóng gió, gọi ông là Kiên “dã tràng” khi thấy ông chở đá, cát ra lấn biển như con “Dã tràng xe cát biển Đông”. Và 20 năm sau, chỉ sau một đêm, vế thứ hai của câu ca dao lại ứng nghiệm “Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.
Ngay sau khi bão tan, UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn hỏa tốc xuống các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các đơn vị, Công ty các huyện ven biển như Tiền Hải, Thái Thụy. Ông Vũ Trung Kiên khấp khởi mừng, hy vọng lại bùng lên, làm báo cáo thống kê thiệt hại gửi các cơ quan chức năng. Công văn đi, chưa biết đến nơi chưa thì lần lượt các đoàn của UBND tỉnh, huyện đã xuống tận nơi, xem xét thiệt hại, thống kê, ghi nhận, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của ông rồi … đi. Và giờ đây đã gần 45 ngày trôi qua kể từ khi bão về, khó khăn chất chồng nhưng Công ty ông vẫn chưa nhận được bất kỳ biện pháp hỗ trợ cụ thể nào.
Nuốt nước mắt vào trong, ông Kiên cùng cả Công ty lăn vào khắc phục thiệt hại. Ưu tiên là khôi phục đường điện đã bị phá hủy gần như toàn bộ nhưng phía Điện lực Thái Thụy chỉ hỗ trợ đấu nối lại đường điện 3 pha vào Trạm Biến áp cho Khu du lịch sinh thái Cồn Đen còn toàn bộ đường điện, Công ty Minh Phú phải tự mình làm lại. Những ông thợ điện bất đắc dĩ vật lộn suốt tháng qua mới chỉ khắc phục được khoảng 30% đường điện cũ. Điện chưa có thì máy bơm không chạy, mà không có máy bơm thì nước sạch cũng không có, internet cũng không. Tiếng máy nổ chạy dầu suốt ngày vang khắp Công ty Minh Phú như 20 năm về trước. Cây vẫn đổ ngổn ngang, những căn bungalow tốc mái, vỡ cửa kính, cửa ra vào, nội thất tan hoang hơn tháng nay vẫn nguyên đó chưa sửa chữa được. Bãi ngao của Công ty trắng toát một màu thê lương, ngao là giống nhạy cảm với thay đổi của môi trường, đặc biệt là thay đổi nồng độ muối và chất độc. Trận bão Yagi khủng khiếp đã khiến lượng nước nước ngọt đổ ra biển qua hai cửa sông Trà Lý và Diêm Hộ tăng đột ngột khiến nồng độ muối giảm xuống, ngao chết sạch, riêng thiệt hại về ngao của Công ty Minh Phú vẫn chưa thể thống kê chính xác.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Trung Kiên chia sẻ: "Trắng tay rồi em ạ nhưng còn người, còn của, bão lũ thì biết trách ai đây. Anh nghĩ lúc này phải tự đứng dậy thôi, bên cạnh mình còn cả trăm gia đình cán bộ, nhân viên nữa". Ông đưa mắt nhìn ra xa xăm nơi biển trời đã dịu êm lại, tiếng sóng rì rào nhẹ nhàng vuốt ve bờ bãi, nơi chỉ một tháng trước đây, biển đã dập vùi, xoắn vặn không thương tiếc tất cả những gì trồi lên trên mặt đất. Bình minh đang ló rạng, mặt trời đã nhú lên trên mặt biển phủ ánh nắng dịu dàng lên mảnh đất còn ngổn ngang những đau thương, mất mát. Thiệt hại do bão số 3 gây ra vô cùng lớn, những con người nơi đây vẫn đang cần mẫn gồng mình, nỗ lực cố gắng đứng lên để làm lại tất cả. Sức người vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên, cơn cuồng phong đã cướp đi hết cả mà có nỗ lực đến mấy cũng chẳng thấm vào đâu. Vì vậy trong thời gian khắc phục hậu quả sau bão này họ chỉ mong các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp sớm có các biện pháp cụ thể giúp đỡ, hỗ trợ nhất là với các hộ nông dân, các đơn vị, tổ chức ven biển bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 gây ra để họ sớm có điều kiện khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và sản xuất, kinh doanh.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến hơn 307 nghìn héc ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết, nhiều tàu thuyền bị hư hỏng, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình mất trắng với tổng thiệt hại ước tính trên 50 nghìn tỷ đồng.
Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, Chính phủ đã ngay lập tức ban hành Nghị quyết số 143, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tái thiết sản xuất, thực hiện mục tiêu đã đặt ra.
Theo đó, đối tượng nhận hỗ trợ, bao gồm người dân, lao động, nhóm yếu thế, các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, lũ lụt và sạt lở đất. Hỗ trợ sẽ tập trung triển khai trong 2 tháng là tháng 9 và tháng 10/2024.
Đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh, thời gian thực hiện chính sách có thể được kéo dài đến cuối năm 2025 nhằm đảm bảo quá trình phục hồi và thích ứng với chu kỳ sản xuất kinh doanh. Nhiều ý kiến khẳng định, Nghị quyết 143 được coi là căn cứ, nền tảng để triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay là thời điểm gần cuối năm. Những chính sách hỗ trợ có thể kéo dài từ năm nay sang năm 2025.
Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản dưới Luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, nêu rõ về các mốc thời gian cụ thể áp dụng các chính sách hỗ trợ, làm căn cứ cho các ngành, địa phương đưa vào kế hoạch của năm tới và triển khai thực hiện.
- Xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục tự tin cán mốc 10 tỷ USD
- Lễ hội “Đặc sản Việt cho Tết Việt”: Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống xưa
- Nghiên cứu đề xuất giảm 4 cơ quan Đảng thuộc Trung ương, 5 bộ và 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 4 uỷ ban của Quốc hội
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW