Nông nghiệp

Bến Tre: Tín hiệu khôi phục vườn cây ca cao

15:15 05/10/2022 GMT+7
Sô-cô-la Việt Nam có vị ngon riêng là nhờ chất lượng trái ca cao và thổ nhưỡng của vùng đất. Điều này giúp cho sô-cô-la Việt Nam tìm được một chỗ đứng trong cuộc cạnh tranh với các loại sô-cô-la khác trên thế giới. Đó cũng là lý do khiến cây ca cao tại tỉnh tồn tại và dần “hồi sinh”.

Thu hoạch ca cao tại hộ ông Võ Văn Bân, xã Phú Túc, huyện Châu Thành.

Quyết định chất lượng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, cây ca cao được trồng tại tỉnh và đạt diện tích cao nhất vào năm 2013 với trên 10.000ha, chủ yếu được trồng xen trong vườn dừa. Sau năm 2013, giá ca cao giảm liên tục, nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như cây có múi xen dừa.

Đến cuối năm 2015 đầu năm 2016, tỉnh trải qua mùa hạn, mặn kéo dài, diện tích ca cao giảm còn dưới 1.000ha. Đến nay, diện tích ca cao trên toàn tỉnh là 148ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Châu Thành (139ha). Trong đó, diện tích trồng mới năm 2021 là 42,5ha; năm 2022 là 22,5ha (thông tin từ điểm cung cấp cây giống Phạm Thanh Long - Phú Đức, Châu Thành và số lượng cây giống do Công ty TNHH Socola Marou hỗ trợ năm 2021 và năm 2022).

Thời gian khoảng 10 năm trồng cây với tổng số 14 giống ca cao, nông dân và thị trường thu mua hạt ca cao đã chọn lọc ra một số giống ca cao phù hợp với thổ nhưỡng xứ Dừa. Đó là, các dòng ca cao chủ lực hiện được trồng trên địa bàn tỉnh: TD3, TD5, TD8, TD9. Sản lượng ca cao năm 2021 tại tỉnh đạt 183 tấn hạt khô, năng suất bình quân 4 - 5kg hạt khô/cây/năm (cây trên 6 năm tuổi).

Là một trong những người đầu tiên ở huyện Châu Thành trồng cây ca cao, ông Võ Văn Bân (ngụ xã Phú Túc) chứng kiến sự sụt giảm mạnh diện tích cây ca cao tại huyện Châu Thành. Thế nhưng, ông Võ Văn Bân vẫn bám trụ với cây ca cao, ông chia sẻ: “Tôi trồng cây ca cao khoảng 17 -18 năm nay. Hiện tôi có 1,2ha vườn dừa trồng xen ca cao, mỗi năm thu nhập từ cây ca cao đem về cho tôi khoảng 150 triệu đồng. Lý do tôi tiếp tục trồng ca cao là nhiều năm nay, giá ca cao luôn ổn định khoảng 5.600 - 6.000 đồng/kg trái tươi nên tôi yên tâm trồng loại cây này”.

Mở rộng diện tích

Ca cao là nguyên liệu chính trong sản xuất sô-cô-la. Công ty TNHH Socola Marou có trụ sở tại phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, thuộc TP. Hồ Chí Minh do hai người Pháp đứng ra đồng sáng lập. Toàn bộ sô-cô-la của Công ty TNHH Socola Marou sản xuất và bán ra thị trường đều ghi xuất xứ Việt Nam.

Chất lượng của ca cao phụ thuộc vào chất lượng trái ca cao do người nông dân trồng, vào quy trình lên men và vùng đất, khí hậu. Ông Vincent Mourou - Tổng giám đốc Công ty TNHH Socola Marou cho biết: “Hạt ca cao Việt Nam (trong đó có Bến Tre) rất đặc biệt và quy trình làm ra sô-cô-la cũng độc nhất. Điểm khác biệt là nguyên liệu ca cao Việt Nam khi làm ra sản phẩm sô-cô-la cho ra vị trái cây riêng biệt của nước nhiệt đới. Dù quy trình làm sô-cô-la trên thế giới là tương tự nhau, nhưng sô-cô-la sản xuất tại Việt Nam sẽ khác sô-cô-la sản xuất tại Mỹ, đặc biệt ca cao ở Bến Tre rất ngon và được lên men tốt nữa thì chất lượng sô-cô-la thật là tuyệt vời”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp thu mua ca cao. Đứng đầu thu mua sản lượng là Công ty TNHH Puratos Grand-Place, trụ sở tại Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành, mua trên 55% sản lượng hạt ca cao của tỉnh. Kế đó là Công ty TNHH Socola Marou. Chất lượng ca cao của Bến Tre đã thuyết phục Công ty TNHH Socola Marou đầu tư nâng cao chất lượng cho nhóm sản xuất ca cao xã Phú Túc 15ha, nhóm sản xuất ca cao Phú Đức 25ha (ca cao đang cho trái).

Kế hoạch hỗ trợ phát triển trồng mới ca cao của Công ty TNHH Socola Marou cho nông dân tại 2 xã là: 15 - 18 ngàn cây giống cho cả 3 năm 2021, 2022 và 2024. Riêng năm 2021, đã hỗ trợ 7.540 cây và năm 2022 hỗ trợ 4.550 cây. Hình thức hỗ trợ, năm đầu, Công ty TNHH Socola Marou hỗ trợ 50% giá cây giống, sau 1 năm trồng, nếu đánh giá tỷ lệ sống đạt trên 90%, cây phát triển tốt, công ty sẽ hỗ trợ tiếp 50% tiền cây giống còn lại. Sản lượng hạt ca cao khô lên men, Công ty TNHH Socola Marou thu mua trung bình hàng năm là 19 - 20 tấn, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng ca cao toàn tỉnh, giá tối thiểu là 100 ngàn đồng/kg hạt đạt chuẩn.

Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh đang có kế hoạch phát triển chuỗi giá trị ca cao chất lượng cao. Cụ thể, xây dựng hoàn chỉnh 2 tổ sản xuất ca cao liên kết với Công ty TNHH Socola Marou, tư vấn kỹ thuật chăm sóc ca cao (đặc biệt là các vườn mới trồng) để nâng cao năng suất, chất lượng ca cao. Chia sẻ những lý do khôi phục các vườn cây ca cao tại tỉnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Nguyễn Chánh Bình cho hay: “Xuất phát từ sự phù hợp của cây ca cao với thổ nhưỡng đất tại huyện Châu Thành, đồng thời, nhiều năm gần đây giá ca cao ổn định, người nông dân trồng ca cao xen vườn dừa tăng thu nhập. Cùng với đó là chính sách phát triển cây ca cao của Công ty TNHH Socola Marou đang tạo điều kiện cho cây ca cao vực dậy tại Bến Tre.

Hy vọng thời gian tới, hệ thống thủy lợi khép kín cộng với người dân có ý thức trong thiết kế nội đồng thì vào mùa khô hạn, Bến Tre sẽ khống chế được xâm nhập mặn giúp vườn cây ca cao tại tỉnh duy trì diện tích”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn thông tin với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry về cây ca cao: “Bến Tre có 77.000ha dừa, trong đó có những vườn dừa trồng xen ca cao để tăng thu nhập cho người dân. Huyện Châu Thành là nơi đầu tiên của tỉnh phát triển cây ca cao. Tỉnh hiện có 1 nhà máy chế biến ca cao tại Khu công nghiệp Giao Long”.

Nguồn: Bộ NNPTNT

Tin cùng chuyên mục
Tin khác