Biện pháp quản lý bệnh xì mủ thân trên cây ăn quả giúp cây đạt năng suất cao
Nguyên nhân gây bệnh xì mủ:
- Bệnh xì mủ thân hay còn gọi là bệnh xì mủ thối gốc trên cây trồng tấn công cây trên nhiều độ tuổi cây khác nhau và có khả năng gây hại rất mạnh.
- Tác nhân gây nên bệnh xì mủ thân trên các loại cây ăn quả là do các dòng nấm Phytophthora gây ra, loài nấm này lưu tồn rất lâu trong đất, cây trồng và chúng có khả năng lây lan theo nước. Khi gặp điều kiện thuận lợi như nhiệt độ thấp từ 25-35oC, ẩm độ cao, đặc biệt là vào mùa mưa chúng sẽ tấn công trên thân, gốc hay rảnh mang của cây.
- Trên mỗi cây trồng khác nhau thì loài nấm gây hại sẽ khác nhau như trên cây có múi, bưởi, cam có 2 loại nấm chính như Phytophthora palmivora và nấm Sico thora. Đối với cây sầu riêng thì là nấm Phytopphthora Palmivora.
Triệu chứng bệnh xì mủ trên cây trồng:
- Triệu chứng gây hại đều giống nhau, tuy cây trồng gây hại khác nhau.
- Trên cây bưởi, cây có múi ban đầu xuất hiện sủng ướt bề mặt vỏ thân và xung quanh là các vết thối nâu và sau thời gian cây sẽ xì mủ gôm từ các vỏ thân ra. Quan sát kỹ cạo vết bệnh thấy có màu nâu thẫm và dần xâm nhiễm vào thân, gây ra hiện tượng lá bị vàng, cây còi cọc. Trong trường hợp bệnh nặng tấn công cả lên tán thì cây dễ bị chết. Ngoài ra, trong điều kiện thuận lợi mưa kéo dài hoặc ngập nước thì có khả năng bệnh sẽ tấn công lên quả và gây thối quả rụng quả.
Biện pháp xử lý bệnh xì mủ trên cây có múi:
- Trong thực tế, giải pháp được đa số bà con chọn lựa là cạo giữa vết bệnh sau đó bôi thuốc trị nấm lên trên thân cây. Khi cây bị khá nặng thì tiến hành phun thuốc vào cây giúp cây nhanh chóng hồi phục.
- Khi phát hiện bệnh xì mủ người dân thường dùng lưỡi dao sắc, mổ ngay vết bệnh cho sạch và dùng bàn chải và xà bông trà ngay vết thương mổ, sau đó rửa lại với nước mưa hoặc nước máy đợi khô, sau đó phun gốc đồng lên cây để sạch bệnh.
- Sau khi xử lý xong dùng dao chặt bỏ phần xì mủ bị tổn thương phía trên cây để khi sử dụng thuốc có thể ngấm sâu vào bên trong ngăn chặn được mầm bệnh tấn công tiếp.
Bệnh xì mủ trên cây có múi. Ảnh minh hoạ
Biện pháp phòng ngừa bệnh xì mủ trên thân:
- Trên thực tế không phải lúc nào cũng sử dụng thuốc hóa học là mang lại hiệu quả như ý muốn. Xử lý bằng thuốc hóa học chỉ mang tính tạm thời và khả năng khống chế mầm bệnh khi mầm bệnh mới chớm với vết sủng ướt trên thân hoặc cành cây. Về lâu dài nên chú trọng đến phòng ngừa xâm nhiễm của nấm bệnh trong vườn nhà ngay từ đầu bằng nhiều biện pháp tổng hợp khác nhau:
- Chọn vùng đất có khả năng thoát nước tốt và trong điều kiện đất ngập úng hoặc đất thoát nước kém, thì nên có các biện pháp hỗ trợ như bón nhiều phân hữu cơ để giúp thoát nước tốt, hạn chế để cỏ trong mùa mưa, bố trí cây trồng trên vườn với mật độ phù hợp.
- Về chọn giống cây để trồng nên chọn các giống gốc ghép kháng và chống chịu với bệnh này như: nhóm cây có múi sử dụng các gốc ghép Citrange troyer, Trấp và cam ba lá (cam Voi); trên cây sầu riêng có một số giống chống chịu được bệnh xì mủ như giống sầu riêng lá ghéo, giống Cheny. Trên những vùng đất bị nhiễm bệnh nặng thì sử dụng những gốc ghép này để kháng hoặc ghép trên sầu riêng thương phẩm.
- Tạo vườn cây thông thoáng, giảm bớt ẩm độ vào mùa mưa là tiền đề tốt để phòng ngừa bệnh nấm tấn công. Luôn tạo điều kiện tốt cho cây nhận đủ ánh nắng mặt trời cũng như tạo rãnh thoát nước trong vườn. Ngoài ra, hàng năm trước mùa mưa nên quét gốc hay bề mặt vết cắt cành nhánh bằng dung dịch đồng đỏ để bảo vệ cây khỏi các bệnh do nấm gây ra trong đó có bệnh xì mủ thối gốc.
- Tỉa bớt quả trên cành, cây để tránh làm cây suy kiệt dễ bị sâu bệnh hại tấn công. Những trái ra quá nhiều nên tỉa chỉ để lại 1 chùm 1 quả, chỉ để trên cây có 2/3 số quả trở xuống, không nên để quả trên đọt, vì những quả trên đọt cây nuôi cao quá thì cây dễ bị suy kiệt về sau.
Bệnh xì mủ trên cây sầu riêng. Ảnh minh hoạ
- Biện pháp canh tác góp phần rất lớn trong việc phòng ngừa sâu bệnh hại trong vườn cây ăn quả. Nên tỉa bỏ những cành hư hại, yếu ớt hay tàn dư từ vụ trước. Đặc biệt trên các vườn cho quả vụ nghịch thì sau thời gian mang quả cây mất dần sức đề kháng nên cây dễ bị sâu bệnh hại xâm nhiễm gây hại hơn, vì vậy cần chú trọng đến việc bón vôi cũng như quét vôi lên thân cây, kết hợp với bón bổ sung phân hữu cơ kết hợp hóa học để khống chế mầm bệnh tấn công, giúp cung cấp dinh dưỡng cho cây.
- Về mặt khoa học bón vôi có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh nằm trên mặt đất cũng như ổn định độ pH, giúp bộ rễ phát triển mạnh, từ đó cây hấp thu tối ưu dinh dưỡng ở trong đất. Song song việc bón vôi kết hợp với bón phân hữu cơ và nấm Trichoderma, trong nấm Trichoderma là loài thiên địch cho nấm Phytophthora trong đất, giúp tiêu diệt mầm bệnh có trong đất. Sử dụng gốc đồng hoặc vôi đậm đặc để quét lên thân cây để bảo vệ thân cây trong điều kiện mùa mưa.
- Ngoài ra, cần chú ý hạn chế tạo vết trầy xước trên thân hay làm đứt rễ trong việc xới xáo bón phân sau thu hoạch. Bởi nấm gây bệnh xì mủ thân dễ dàng xâm nhiễm thông qua các vết thương này. Nên bón phân trước mùa mưa, trước khi bón phân để giảm thiểu đứt rễ non. Trên những vườn bị nhiễm bệnh không nên cày xới bởi làm như vậy sẽ làm cho nấm Phytophthora còn lưu lại trong vườn có cơ hội tấn công gây hại nặng.
- Biện pháp canh tác tốt luôn mang lại hiệu quả phòng ngừa cao, nếu nhà vườn chú ý bảo vệ bằng biện pháp tổng hợp thì bất kể sâu bệnh hại nào cũng không có điều kiện gây hại. Muốn được vậy bà con nên hiểu rõ được đặc tính của cây trồng, môi trường, đất, nước cũng như lây lan của mầm bệnh để có hướng phòng ngừa phù hợp. Không những giúp hạn chế thiệt hại năng suất cây trồng mà còn giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hương Giang (Theo Camnangcaytrong.com)