Bình Phước: Tuyên dương 60 nông dân trong phong trào thi đua “Hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi”
Dự hội nghị có ông Đinh Khắc Đính, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Phạm Thanh Hải, Trưởng văn phòng đại diện Ủy ban Dân tộc tại TP. Hồ Chí Minh; bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh và 60 nông dân tiêu biểu là người DTTS có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2017-2021.
Tại hội nghị, bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Trung ương Hội phát động; Tích cực vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dung nông thôn mới, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tương trợ giúp nhau hàng tỷ đồng, đóng góp hàng chục ngàn ngày công lao động cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn…; kết quả phong trào đã góp phần thực hiện hiệu có quả chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Đặc biệt phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo hội viên nông dân là người dân tộc tiểu số tham gia.
Được tham dự và tuyên dương trong hội nghị, ông Lâm Út Le sinh sống tại ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh huyện Lộc Ninh chia sẻ: Qua sinh hoạt và tham gia các hoạt động phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động, tôi thấy tâm đắc nhất là phong trào “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Nhận thấy, đây là phong trào rất thiết thực đối với nông dân, là điều kiện để được tham gia học tập kinh nghiệm, được các cấp quan tâm hỗ trợ vì vậy nên tôi mạnh dạn đăng ký tham gia.
Từ những lần được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn huyện, tiếp thu kiến thức từ những lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của các ngành tổ chức và từ đó tôi đem áp dụng vào trong việc sản xuất của gia đình, do vậy kinh tế của gia đình tôi ngày càng ổn định và phát triển, đến nay gia đình tôi đã mua được 15 ha đất và trồng các loại cây như tiêu, cao su. Trong đó 8 ha cao su đang thu hoạch và cho thu nhập khoảng 600 triệu/ năm và 0,5 ha tiêu cho thu nhập 200 triệu/ năm - ông Le thổ lộ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương và đánh giá cao sự phấn đấu vươn lên làm giàu và đóng góp cho xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước thời gian qua.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội đề nghị Hội Nông dân tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước tiếp tục tham mưu những chính sách thiết thực, góp phần làm cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu ngày càng tốt đẹp hơn.
Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ, cách làm; chuyển tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn; chuyển từ sản xuất truyền thống sang công nghệ cao, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…
Hiện, Bình Phước có hơn 91.000 hội viên nông dân, trong đó, hơn 20.000 hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn tỉnh có 2.455 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số. Đến nay, Bình Phước đã thành lập được 82 hợp tác xã, 123 tổ hợp tác. Trong đó có nhiều mô hình kinh tế tập thể do hội viên nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia quản lý.
Dịp này, hội nghị đã tuyên dương 60 nông dân là người DTTS có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2017-2021.
Kết luận hội nghị, ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đề nghị: Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, các ban, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ nông dân là người DTTS nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, nhân rộng ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong vùng đồng bào DTTS. Các cá nhân tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng tiếp tục phát huy thành tích đạt được, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cộng đồng cùng vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
- TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức Hội thi “Nông dân với pháp luật” năm 2024
- Hội Nông dân huyện Trực Ninh ra mắt 03 Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”
- Hội Nông dân huyện Vũ Quang tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
- Cà Mau: Gần 100 ngàn hội viên hộ nông dân ký cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm