Doanh nghiệp

Bộ Công Thương đồng hành đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thủy sản

07:00 01/11/2023 GMT+7
Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành thủy sản tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng đáp ứng nhu cầu thủy sản trong nước đồng thời gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

uất khẩu thủy sản 10 tháng qua sụt giảm do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế. Giá xuất khẩu thủy sản có xu hướng giảm, tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế, khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các DN càng gặp khó khăn.

Thủy sản xuất khẩu có lúc âm 27%

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 31/10, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, 9 tháng qua, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm, có lúc xuống tới âm 27%.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) báo cáo tại Hội nghị

Đáng ngại hơn là từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục có nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu bị cạnh tranh, nhất là mặt hàng tôm thẻ chân trắng và cá tra, dù đang chiếm 93% sản lượng xuất khẩu toàn cầu, nhưng sản lượng xuất khẩu đang bị sụt giảm nhiều từ các thị trường như CPTPP, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

“Thách thức lớn nhất hiện nay của thủy sản Việt Nam là châu Âu siết chặt tiêu chuẩn ATTP, trên nguyên tắc các thành phần theo chuỗi khai thác - chế biến trên cạn cũng phải được đánh giá theo tiêu chuẩn của châu Âu. Ngoài ra, bệnh dịch tôm ‘hậu ấu trùng trong suốt’ chưa có phác đồ điều trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi, khiến sản lượng tôm giảm, giá thành tăng sẽ rất khó cạnh tranh”, ông Nam quan ngại.

 

Thông tin sáng lạn hơn từ ông Nam đưa ra là từ tháng 6 tới nay, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đang dần hồi phục. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022, đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.

“Một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước, cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính vào những tháng cuối năm đang đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu cho ngành thủy sản. Cụ thể như đối với mặt hàng tôm - ngành hàng “tỷ đô”- từ chỗ xuất khẩu âm quá 30%, đến nay còn âm chưa đầy 10%”, ông Nam cho biết.

Tham gia hội nghị trực tuyến từ điểm cầu Khánh Hòa, bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hoà thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn hàng xuất khẩu nhiều lĩnh vực giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản.

“Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng qua của Khánh Hòa giảm 19,15% so với cùng kỳ. Khánh Hòa đang cùng các địa phương khắc phục gỡ Thẻ vàng châu Âu (IUU), nên hoạt động khai thác thủy sản được quản lý chặt chẽ hơn kéo theo sản lượng cũng sụt giảm. Thời điểm này giá nguyên liệu xăng dầu vẫn cao, các tàu cá khai thác xa bờ ko có lãi phải nằm bờ nhiều. Trong khi đó đơn hàng xuất khẩu giảm, ngư trường cũng có nhiều thay đổi khiến nhu cầu đối với mặt hàng tôm, cá ngừ giảm sút”, bà Cúc cho biết.

Tăng cạnh tranh bằng thủy sản có giá trị gia tăng cao

Đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu ngành thuỷ sản, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại-Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, Thương vụ đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và Rosselkhoznadzor trong tạo thuận lợi cho xuất thủy sản Việt Nam sang Liên bang Nga.

“Các DN xuất khẩu thủy sản cần thực hiện nghiêm các quy định của Liên bang Nga về chất lượng hàng xuất khẩu. Tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin cập nhật liên quan đến các quy định kiểm dịch, an toàn vệ sinh đối với mặt hàng này, nhằm đảm bảo đạt chất lượng theo quy định”, ông Minh khuyến nghị.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hoà – bà Phan Thị Thu Cúc mong muốn các cơ quan Tham tán hỗ trợ để các DN phát triển thị trường. Bộ NN&PTNT sớm có Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, tạo thuận lợi trong cấp mã số truy xuất nguồn gốc, cũng như cấp CO, làm cơ sở pháp lý cơ bản cho xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cần phối hợp chặt với ngành Công Thương, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế các đơn hàng xuất khẩu bị trả về.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chiều 31/10

Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thủy sản Việt Nam hiện nay sẽ không cạnh tranh bằng các sản phẩm thông thường, thay vào đó là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do vậy, mô hình xúc tiến thương mại tại các gian hàng quốc gia cần có thêm hoạt động dùng thử sản phẩm. Đồng thời, Hiệp hội mong muốn Bộ Công Thương có phương án hỗ trợ linh hoạt, tiếp kiệm và hiệu quả, nhất là quá trình tháo gỡ các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống bán phá giá… Đặc biệt, Bộ Công Thương sớm tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Đông, kết nối hỗ trợ cho DN thủy sản Việt Nam phát triển thị trường tại khu vực này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sau Hội nghị này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, DN. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết.

“Mục tiêu của Bộ Công Thương là góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản, hỗ trợ DN trong ngành tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế. Cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm thủy sản của thị trường trong nước và gia tăng kim ngạch xuất khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác