Bộ NNPTNT triển khai hệ thống thông tin mã số vùng trồng
Công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng
Chiều 19/8, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức lễ phát động "Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn", công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Lễ phát động Chuyển đổi số Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 749/QĐ-TTg, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quyết liệt chỉ đạo việc triển khai thực hiện xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành, như: Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; Hệ thống cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng… nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.
Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Việc hoàn thành và đưa “Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng” vào khai thác tiếp ngay sau “Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi” thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực lớn của Ngành trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp nhằm thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” trong thời gian tới; nhất là khi Đảng, Nhà nước xác định: Nông nghiệp là ‘trụ đỡ’ của nền kinh tế, là nền tảng, lợi thế quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Hệ thống tin và Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nông dân, như: Theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; Hỗ trợ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác... Còn đối với cơ quan quản lý sẽ trực tiếp chỉ đạo sản xuất một cách nhanh chóng, kịp thời. Tới thời điểm này, Hệ thống cấp và quản lý mã vùng trồng đã được xây dựng trên phiên bản web và ứng dụng điện thoại với các phân hệ dành cho cơ quan quản lý, cán bộ xác minh và người dân đăng ký. Bước đầu, Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn cây thanh long để thí điểm triển khai.
Có thể nói, việc xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cập, quản lý mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc “Định danh Nông sản Việt”, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Sự kiện triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng là một dấu ấn, bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp để từng bước đổi mới quản lý lĩnh vực nông nghiêp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp là thay đổi một thói quen và nhận thức chưa thống nhất. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Bằng chuyển đổi số, chúng ta sẽ xóa đi sự mù mờ trong sản xuất nông sản. Chuyển đổi số là hành trình xuyên suốt, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với các quốc gia khác”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp. Tại buổi lễ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phát động phong trào thi đua tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bước đầu chúng ta xây dựng được nền tảng cho chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn, đưa vào vận hành, bắt kịp những thay đổi của cách mạng 4.0. Qua đó nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam trong nước và quốc tế. Nếu chuyển đổi số thành công, chắc chắn khối lượng, giá trị nông sản Việt Nam sẽ được nâng cao rất nhiều. Lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho nông dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn.
Với phương châm hoạt động "Kết nối - Chia sẻ - Hiệu quả - Bền vững", hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cấp, quản lý mã số vùng trồng chính thức đưa vào sử dụng tạo bước đột phá lớn trong lĩnh vực trồng trọt, là nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin chủ động 2 chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân.
Hệ thống giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin chi tiết về khu vực trồng các loại cây, diện tích, sản lượng, hình thức canh tác, nhật ký canh tác... qua đó đưa ra những phân tích cho cơ quan quản lý để dự báo dịch bệnh, điều tiết thời vụ, định hướng phát triển cây trồng cho từng khu vực, thị trường.
Ông Hà Tấn Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Bang Bình đã thực hiện việc cập nhật dữ liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng tại đầu cầu trực tuyến ở tỉnh Bình Thuận. Công ty cổ phần Bang Bình là một trong những doanh nghiệp trồng thanh long có quy mô khoảng 900 ha, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 200 ha.
"Bước đầu đăng ký mã số cũng có khá nhiều thông tin, nên cũng mất khá nhiều thời gian, nhưng việc cung cấp càng nhiều thông tin trên cơ sở dữ liệu thì sẽ càng có lợi cho doanh nghiệp sau này. Khách hàng hiện nay cũng chú trọng vấn đề về chất lượng, truy xuất nguồn gốc để yên tâm mua hàng. Khi doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng thì khách hàng sẽ truy xuất nguồn gốc, khi đó sẽ yên tâm mua sản phẩm. Và khi khách hàng mua càng nhiều thì doanh nghiệp sẽ càng tăng doanh số", ông Hà Tấn Khoa chia sẻ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng góp phần giải quyết bài toán "đúng, đủ, sạch, sống" trong dữ liệu vùng trồng, thời điểm xuống giống, thu hoạch, sản lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, về yêu cầu của thị trường, về giá cả… dần thay đổi phương thức từ "quản lý thủ công" sang "quản lý dựa vào công nghệ số".
Cũng tại buổi lễ, Bộ NN&PTNT phát động phong trào thi đua "Tích cực thực hiện Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025" góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi