Tháo gỡ khó khăn đưa "nông thôn mới" về đích đúng hẹn
Nhiều kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024
Ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã báo cáo những kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong 9 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm 2024.
Thứ nhất, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương đã được ban hành đầy đủ, cơ bản tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, căn cứ các văn bản pháp lý và hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương, các địa phương đã tập trung hoàn thành các văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định của Trung ương và triển khai các nội dung của Chương trình.
Đến nay đã có 46/63 tỉnh, thành phố hoàn thành ban hành các văn bản cụ thể hóa các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM theo phân cấp tại Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ...
Thứ ba, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tiếp tục được chú trọng và triển khai hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thực chất hơn. Công tác đào tào, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp và người dân tiếp tục được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện.
Thứ tư, hệ thống Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp (trung ương, địa phương), hệ thống bộ máy tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình ở các cấp tiếp tục được rà soát, kiện toàn, bảo đảm triển khai, thực hiện hiệu quả từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã).
Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai, thực hiện Chương trình đã được quan tâm, chỉ đạo và triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, những bất cập để tìm giải pháp tháo gỡ, cũng như phát hiện những gương điển hình, tiêu biểu, những cách làm hay để biểu dương và nhân rộng.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương và Kế hoạch kiểm tra giám sát của Tổ công tác Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, các bộ, ngành Trung ương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Chương trình theo địa bàn được phân công.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tổ chức các đoàn công tác đi hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các chương trình chuyên đề, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương; gắn nội dung kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình với khảo sát, thẩm định đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Thứ sáu, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tiếp tục nhận được sự đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân; nguồn lực huy động cho xây dựng NTM tiếp tục được huy động tốt.
Lũy kế đến hết tháng 06/2024, cả nước đã huy động được trên 2,8 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 297.459 tỷ đồng (10,5%), vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác khoảng 204.230 tỷ đồng (chiếm 7,2%), vốn tín dụng (Dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đến 30/6/2024 ) khoảng 2.057.982 tỷ đồng (chiếm 72,9%), vốn doanh nghiệp: Khoảng 151.483 tỷ đồng (chiếm 5,4%), cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp: khoảng 112.729 tỷ đồng (chiếm 4,0%).
Thứ bảy, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 156 xã khu vực III vùng DTTS và MN, có 11 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), trong đó, đã có 11 huyện (05%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đã có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Thứ tám, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao.
Tháo gỡ những khó khăn từ thực tiễn
Tại hội nghị từ thực tiễn triển khai xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng như thực hiện huyện nông thôn mới, tỉnh nông thôn mới. Lãnh đạo các địa phương cũng đã nêu ra những khó khăn cần tháo gỡ kịp thời để Chương trình nông thôn mới trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025 sớm hoàn thành.
Ông Nguyễn Hữu Chiến – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Bám sát văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lạng Sơn chủ động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Như để thực hiện chương trình trong năm 2024 thì ngay từ cuối năm 2023, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng và ban hành các văn bản, kế hoạch để thực hiện và ngay từ tháng 01/2024 đã triển khai các kế hoạch. Đến nay Lạng Sơn đã có 98/181 xã đạt chuẩn NTM, bình quân 14,56 tiêu chí/xã; 24 xã NTM nâng cao, 4 xã đạt NTM kiểu mẫu; TP. Lạng Sơn về đích huyện nông thôn mới và phấn đấu đến hết năm 2025 huyện Đình Lập sẽ đạt huyện NTM.
“Hiện nay, các xã chưa về đích nông thôn mới của tỉnh Lạng Sơn, đều là những xã khó khăn, thuộc khu vực 3, chính vì vậy tiêu chí về “Thu nhập” rất khó đạt. Theo đó cần có thêm nguồn lực để hỗ trợ và có nhưng cơ chế, chính sách phù hợp để kịp thời tháo gỡ khó khăn về tiêu chí thu nhập cho các xã trong quá trình về đích nông thôn mới”, ông Chiến cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Tính đến ngày 30/9/2024, Nghệ An có 320 xã đạt NTM; 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành NTM; toàn tỉnh có 609 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong năm 2024 tỉnh Nghệ An phấn đấu có 8 xã đạt NTM và 01 huyện đạt NTM. Nhưng trong quá trình triển khai cũng còn gặp nhiều khó khăn, đối với các xã chưa đạt NTM chủ yếu là các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì vậy khi địa phương về đích NTM thì các chế độ chính sách về giáo dục, y tế… bị cắt bỏ, vì vậy Trung ương, các bộ, ngành cần có giải pháp để tháo gỡ.
“Là địa phương còn khó khăn vì vậy để huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới đúng theo kế hoạch, ngoài sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương thì cũng cần có thêm nguồn lực về tài chính của Trung ương hỗ trợ huyện Nam Đàn”, ông Đệ cho hay.
Ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong xây dựng NTM, Thanh Hóa với xuất phát thấp, lại nhiều xã (Trước là 499 xã đến nay sát nhập còn 465 xã). Nhưng với sự cố gắng không ngừng đến nay đã có 14 cấp huyện đạt NTM, 369 xã NTM và 534 sản phẩm OCOP. Hiện nay có huyện Mường Lát đang là “huyện trắng xã NTM” vì vậy để giải quyết được vấn đề cần thêm nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, các bộ ngành, doanh nghiệp để người dân ở Mường Lát phát triển sản xuất kinh tế cũng như đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng… Bên cạnh đó là tiêu chí về nước sạch, đây cũng là tiêu chí rất khó thực hiện ở Thanh Hóa, nhất là ở các huyện miền núi khi các hộ gia đình không sinh sống tập trung, vì vậy việc đầu tư các công trình nước sạch rất khó khăn.
Theo lãnh đạo Bộ Công an hiện nay Tiêu chí 19.2 trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên toàn quốc đã đạt 7101 xã đạt. Nhưng để các xã đạt được tiêu chí này rất khó bởi hiện nay trên cả nước quá trình đô thị hóa nhanh, việc phát triển công nghiệp, đi lại của người dân lớn… dẫn đến thực hiện tốt tiêu chí 19.2 gặp nhiều khó khăn. Vì vậy Ban chỉ đạo NTM các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền cở sở, các tổ chức chính trị xã hội từ thôn, xóm, buôn, làng để sớm nhận diện ra các nhóm có nguy cơ gây xâm hại trẻ em, trọng án giết người, cố ý gây thương tích. Từ đó tiêu chí 19.2 mới sớm được đảm bảo.
Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã gợi mở một số những vấn đề để Chương trình xây dựng NTM trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025 đạt được những kết quả như mong muốn, đó là: Xây dựng NTM là để địa phương có thêm “Diện mạo mới, sức sống mới” vì vậy các địa phương cần bám sát những thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành để triển khai kịp thời tại địa phương mình. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những vướng mắc cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các bộ, ngành để làm rõ các chỉ tiêu, tiêu chí và tháo gỡ kịp thời.
Để xóa “Huyện trắng xã NTM” ngoài trông chờ vào ngân sách hỗ trợ của Trung ương thì các tỉnh, thành cũng chủ động hơn nữa trong việc tập trung nguồn lực, kinh phí để hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện. Cần bám sát các xã để nắm bắt việc các tiêu chí chưa đạt và có những biện pháp kịp thời.
Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế, nắm bắt những lợi thế của mình để xây dựng những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh để phát triển thành sản phẩm OCOP, phát triển du lịch cộng đồng…
Ban điều phối NTM Trung ương cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các tỉnh, thành, địa phương để tư vấn giúp đỡ, tháo gỡ từng tiêu chí trong xây dựng NTM.