Chỉ số thương mại điện tử tỉnh Cà Mau năm 2024 tăng 2,6 điểm so với năm 2023
Cụ thể, trong năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn về kỹ năng TMÐT, có 330 lượt đại biểu tham dự. Sở đã triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMÐT, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị, hội thảo, tin, bài đăng trên Trang thông tin điện tử của Sở, Chuyên đề Công thương...
Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau thường xuyên tổ chức từ 2 - 3 lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng, cập nhật kiến thức TMÐT dành cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh, phụ nữ, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, triển khai đến các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh các hội nghị, hội thảo, tập huấn về TMÐT do Cục TMÐT và Kinh tế số Bộ Công thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), Sở Công thương các tỉnh, thành phố tổ chức theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, với hàng trăm lượt doanh nghiệp, đơn vị đăng ký tham dự.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP xây dựng 36 website (từ năm 2020 đến nay); hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMÐT của tỉnh (madeincamau.vn), hướng dẫn kỹ năng giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm lên các sàn TMÐT lớn như: Shopee, Tiktok Shop, Lazada... Ngoài ra, Sở còn phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Công thương triển khai các sự kiện thúc đẩy phát triển hoạt động TMÐT (ngày mua sắm trực tuyến Online friday, tháng khuyến mại tập trung quốc gia) và các sự kiện khác theo đề nghị của Bộ Công thương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thông qua kênh TMÐT giới thiệu, quảng bá, bán hàng đến khách hàng trong và ngoài nước.
Trong đó, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia các sàn TMÐT, đến nay đã thu hút được 88 tài khoản người bán với 594 sản phẩm là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày trên sàn TMÐT tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng địa bàn tỉnh cũng đã có mặt trên các sàn TMÐT lớn: Shopee, Lazada, TikTok, Tiki, Sendo...
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện tại, các chủ thể hoạt động trên sàn TMĐT ngày càng phát triển quy mô và hiện đại. Nhiều sàn mua bán giao dịch phổ biến đang được người dân lẫn người bán ưa chuộng là: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Amazon, TikTok, Facebook, Zalo... Sau thời gian triển khai và làm quen, các nền tảng TMÐT đã giúp doanh thu và số lượng sản phẩm bán ra tăng gấp nhiều lần so với trước đây vì tính tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết: Tỷ trọng TMÐT trong tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 9%. Chỉ số TMÐT tỉnh Cà Mau năm 2024 tăng 2,6 điểm so với năm 2023 (năm 2024 đạt 16 điểm, năm 2023 13,4 điểm). Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn gặp phải trong quản lý, phát triển TMÐT hiện nay như: hoạt động kinh doanh mua bán trên môi trường mạng còn mới, văn bản hướng dẫn, quy định quản lý lĩnh vực này chưa đầy đủ, đồng bộ.
Doanh nghiệp ít quan tâm đến chuyển đổi số (CĐS) và TMÐT, nguồn lực đầu tư cho hoạt động CÐS, phát triển TMÐT còn ít (xây dựng website, xây dựng dữ liệu số về thương mại, thuê nhân sự TMÐT chuyên trách quản lý và chăm sóc website, gian hàng trên các kênh TMÐT...); tâm lý người dùng còn e ngại việc bị rò rỉ, lộ, lọt thông tin cá nhân... khi mua hàng và thanh toán trực tuyến. Số lượng gian hàng trên sàn giao dịch TMÐT tỉnh còn ít, sản phẩm chưa phong phú, hình ảnh, thông tin sản phẩm chưa thu hút.
Thời gian tới, Sở Công thương tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 251/KH-UBND, ngày 16/10/2023 của UBND tỉnh về phát triển TMÐT và CÐS trong hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Cà Mau năm 2024 và Kế hoạch số 190/KH-UBND, ngày 4/9/2024, của Chủ tịch UBND tỉnh về phát triển TMÐT và CÐS trong hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Cà Mau năm 2025.
Trong đó, Sở chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, lòng tin cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong TMÐT, CÐS trong hoạt động xúc tiến thương mại; Ứng dụng TMÐT, các nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tìm kiếm thông tin, mở rộng tiêu thụ hàng hoá nội địa. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, quản lý hoạt động TMÐT trên địa bàn tỉnh theo quy định.