Cà Mau: Thúc đẩy sản xuất tiên tiến, hiệu quả nhờ ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh Cà Mau về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung thúc đẩy các nền tảng số quốc gia làm động lực phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã triển khai phần mềm “Nông nghiệp Cà Mau”; “Truy xuất nguồn gốc” được tích hợp trên App CaMau-G; phối hợp với dự án GCF xây dựng phần mềm Truy xuất nguồn gốc thủy sản và đang trong thời gian chạy thử nghiệm; phối hợp với Viertel xây dựng bản đồ số GIS trong nông nghiệp kết hợp với phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp sẵn có…
Trong đó, phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành, phát triển sản xuất của ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau (Phần mềm Nông nghiệp Cà Mau) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vận hành và sử dụng hiệu quả.
Sau gần 6 năm đi vào hoạt động phần mềm Nông nghiệp Cà Mau đã mang lại nhiều mặt tích cực trong thông tin quản lý lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, với hệ thống số liệu chuẩn hoá, sẽ làm cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học, tăng tính dự báo, đáp ứng tình hình phát triển chung, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp 4.0, tiến tới chuyển đổi số toàn diện.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Phần mềm Nông nghiệp Cà Mau được xây dựng và đưa vào thí điểm sử dụng vào năm 2019. Sau 3 lần nâng cấp, đến nay phần mềm đã được bổ sung nhiều tính năng, phân hệ, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, kịp thời cho nông dân. Trong thời gian tới đây, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai phần mềm đến nông dân; Tập trung đa dạng hoá thông tin nông nghiệp, số hoá các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... để người dân truy cập tham quan, học hỏi trực tuyến bằng công nghệ thực tế ảo. Song song đó là nâng cấp hoàn thiện tính năng tư vấn trực tuyến nhằm đảm bảo tổ chức được các buổi tư vấn trực tuyến chuyên nghiệp, chất lượng.
Phần mềm được thiết kế theo 2 phiên bản: Phiên bản ứng dụng trên thiết bị di động với app “Nông nghiệp Cà Mau”, được phát triển trên 2 nền tảng Android và iOS, hoạt động được trên hầu hết các điện thoại thông minh, máy tính bảng; phiên bản Web sử dụng trên máy tính, theo địa chỉ nongnghiepcamau.vn để khai thác.
Phần mềm có các tính năng tiện ích như: Thông tin về giá cả, thị trường; hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật sản xuất; giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả cao trên các lĩnh vực ngư - nông - lâm; thông tin cảnh báo thời tiết, môi trường, dịch bệnh, phòng, chống thiên tai và cung cấp hệ thống dữ liệu của ngành Nông nghiệp để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, giúp người dân phản ánh nhanh về thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân.
Ðến nay, phần mềm Nông nghiệp Cà Mau đã có hơn 5.730 tin, bài cung cấp thông tin cho người dân; 152 thông tin chỉ đạo điều hành và nhận 38 phản hồi từ người dân; Số lượt cài đặt 5.155 lượt, số lượt truy cập trên Web 634.465 lượt.
Dựa trên phần mềm Nông nghiệp Cà Mau, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã tổ chức được trên 270 cuộc tư vấn trực tuyến vào thứ tư và thứ 6 hằng tuần, giải đáp trên 700 câu hỏi của nông dân trên khắp các địa bàn. Từ đó, những thắc mắc về kỹ thuật sản xuất và những khó khăn khi nuôi thuỷ sản cũng như trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi... của nông dân đều được các chuyên gia tư vấn sát sao và kỹ lưỡng nhất.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất và là "người giúp việc" hiệu quả cho Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau trong công tác quản lý, điều hành.
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, hiện tại, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã triển khai sử dụng các phần mềm, ứng dụng như: Ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống đo môi trường nước trên tuyến sông phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; thực hiện thí điểm sử dụng Hệ thống quản lý thông tin chuyên ngành nông nghiệp; hoàn thiện phần mềm quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS); triển khai vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ BlockChain để áp dụng cho chuỗi giá trị tôm sinh thái; Tích hợp các thiết bị giám sát môi trường nước, mực nước phục vụ sản xuất trong ngành nông nghiệp và mô hình trình diễn tưới tiêu tự động đặt tại Trung tâm Giống nông nghiệp.
- TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
- Huyện Chợ Mới: Nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao
- Huyện Châu Thành: Nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp hiệu quả,
- Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án SPS theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ