Các cấp Hội Nông dân Quảng Bình cần đẩy mạnh hướng dẫn, vận động thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác
Để các cấp, các ngành ghi nhận những đóng góp tích cực trên tiến trình phát triển đồng bộ về mọi mặt của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cần có những quyết sách táo bạo, vạch lối, chỉ đường cho cán bộ, hội viên nông dân thực hiện. Đặc biệt là xây dựng khung chương trình hành động cụ thể nhằm làm nổi bật vai trò là người mở lối, thực hiện và hoàn thành các phần việc.
Bám sát những chỉ đạo của Trung ương Hội, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, trong đó phải kể đến phong trào xây dựng nông thôn mới của hội viên nông dân trên toàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2022, hội viên, nông dân toàn tỉnh đóng góp 27.4 tỷ đồng, 56.971 ngày công, hiến 114.759 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; 138 cơ sở Hội xây dựng được 138 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, có 1.219 công trình tự quản do các chi hội đảm nhận; 53.177 hộ ký cam kết sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; 135.847 hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 88/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 68,8% tổng số xã; có 2 đơn vị cấp huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (TP Đồng Hới và TX Ba Đồn); có 36 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 44 vườn mẫu và 02 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tích tham gia cùng các ban, ngành triển khai thực hiện các chương trình, dự án. Cụ thể, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai 03 dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc, miền núi; phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai 04 mô hình giảm nghèo; Phối hợp với Quỹ hỗ trợ và Phát triển cộng đồng sống bền vững hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng 11 nhà tránh lũ, lũy kế đến thời điểm này là 61 nhà tránh lũ; chỉ đạo các cấp Hội vận động hộ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ hội viên, nông dân nghèo…
Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về vai trò kinh tế tập thể; phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật, bảo vệ lợi ích cho nông dân, gắn xây dựng mô hình kinh tế tập thể với xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp. Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2026. Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập 31 Hợp tác xã, 275 tổ hợp tác; 40 chi hội nghề nghiệp với hơn 1260 thành viên và 264 tổ hội nghề nghiệp với hơn 3400 thành viên.
Để tạo điều kiện và hỗ trợ hội viên nâng cao tay nghề, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân - Phụ nữ đã tích cực mở các lớp đào tạo với đa dạng ngành nghề nhằm tạo sự hứng thú cho học viên cũng như phù hợp điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Cụ thể, năm 2020 mở 34 lớp; trong đó 8 lớp sơ cấp, 26 lớp dưới 3 tháng, cho 1.203 người; Năm 2021 mở 9 lớp; trong đó 2 lớp sơ cấp, 7 lớp dưới 3 tháng, cho 274 người; Năm 2022: 33 lớp; trong đó 3 lớp sơ cấp, 30 lớp dưới 3 tháng, cho 1.118 người.
Thông qua những kết quả đạt được, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực suốt thời gian qua của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh. Đồng thời, trong thời gian tới Phó chủ tịch lưu ý Hội cần chú trọng và tích cực đẩy mạnh, chỉ đạo sát sao hơn nữa với các hoạt động, phong trào, trong đó cần chú ý và quan tâm hơn tới đời sống hội viên nông dân, đặc biệt là những hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa; cần đẩy mạnh việc hướng dẫn, vận động thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác. Đối với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân – Phụ nữ phải xây dựng phương án tự chủ tài chính, đề án vị trí việc làm, định mức kinh tế kỹ thuật, đề án sử dụng tài sản công... trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Trung tâm…