Hội Nông dân Hưng Yên: Nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị sản phẩm OCOP
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đa dạng các hình thức trong tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa nội dung chương trình OCOP thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, tập huấn…; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh ở thôn, xã, đồng thời hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã lựa chọn ý tưởng và đăng ký sản phẩm tham gia chương trình.
Xác định được giá trị của sản phẩm mang đậm nét đặc trưng của từng địa phương và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tạo ra nhiều sản phẩm để tham gia chương trình OCOP như: Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật cho hội viên, phối hợp với các công ty cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên nông dân sản xuất. Hội Nông dân tỉnh ký kết thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng NN&PTNT triển khai cho nông dân vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cùng vơi đó, các cấp Hội tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân, tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp tỉnh Hưng Yên quản lý là: 84.847,73 triệu đồng. Trong đó: Quỹ Trung ương uỷ thác: 18,4 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ Nông dân 2 cấp tỉnh, huyện là gần 66,45 tỷ đồng.
Để phát huy và nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đã có thương hiệu để phục vụ nhu cầu thị trường như: Mật ong, long nhãn, hạt sen, các sản phẩm từ nghệ... cùng với đó là việc tích cực đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức cho hội viên nông dân giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm, festival hoa, trái cây... trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các ngành chuyên môn triển khai có hiệu quả các chương trình, các hoạt động hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Điển hình như Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả của hộ gia đình bà Lý Thị Hà ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang có sản phẩm Ổi Văn Giang thuộc danh mục các sản phẩm OCOP. Qua triển khai và hoạt động, đến nay Hợp tác xã đã phát huy hiệu quả gắn kết hội viên nông dân trong phát triển sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho hội viên.
Mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo tại huyện Khoái Châu. Ảnh Thành Đạt
Hay tại huyện Khoái Châu, với tổng số 21 sản phẩm OCOP thuộc sở hữu của các chủ thể như: Hợp tác xã nhãn Miền Thiết; Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên; Hợp tác xã thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng; Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo; Hợp tác xã nông sản sạch Minh Bảo... ở các xã Hàm Tử, Chí Tân, Đại Hưng, Bình Kiều... đã cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn, khẳng định thế mạnh về sản vật của mỗi địa phương. Tham gia vào chương trình OCOP, hội viên, nông dân được hỗ trợ nhiều mặt trong sản xuất như: được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; được tạo điều kiện về nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân, vốn ưu đãi từ các Ngân hàng... do đó nông dân có điều kiện và động lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nâng cao vai trò của các cấp Hội trong việc phát huy giá trị của các sản phẩm OCOP
Hiện nay, toàn tỉnh có 140 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, nhằm phát triển thêm các sản phẩm OCOP của tỉnh trong tương lai, các cấp Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” nhằm phát huy hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để từ đó tạo ra đa dạng các sản phẩm OCOP, bên cạnh đó, việc đăng ký danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cho hội viên, nông dân đăng ký.
Qua triển khai thực hiện, danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt năm sau cao hơn năm trước, bình quân hàng năm có trên 88 nghìn hộ đăng ký, qua bình xét có gần 72 nghìn hộ đạt danh hiệu. Đến nay toàn tỉnh có 431.311/528.213 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ đó đã thu hút đông đảo nông dân trong tỉnh tham gia, điều đó khẳng định phong trào có sức lôi cuốn và lan tỏa giữa các địa phương trong tỉnh thể hiện trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kinh doanh - dịch vụ. Đây là động lực và tiền đề để các hộ sản xuất kinh doanh, hội viên, nông dân nuôi dưỡng ý tưởng, khát vọng làm giàu, quyết tâm trong việc tạo ra các sản phẩm OCOP của địa phương và của tỉnh.
Có thể nói, với vai trò của các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên trong việc phát huy giá trị của các sản phẩm OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, ngành nghề của địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.