Thực phẩm sạch

Nhãn Miền Thiết - đặc sản OCOP 4 sao của “đất nhãn” Hưng Yên

Hương Giang (tổng hợp) - 07:05 20/07/2022 GMT+7
Nếu trước kia, vùng đất Hưng Yên nổi tiếng với nhãn lồng thì hiện nay nhãn Miền Thiết trồng ở Hưng Yên được đánh giá còn… ngon hơn cả nhãn lồng, Nhãn Miền Thiết được đặt theo tên của ông Miền, bà Thiết – những người chọn tạo giống nhãn này. Hiện nhãn Miền Thiết là cây trồng chủ lực của tỉnh Hưng Yên.
TIN LIÊN QUAN

Từ giống nhãn lồng đột biến trở thành đặc sản OCOP 4 sao

Người tiêu dùng từ trước tới nay chỉ biết tới “nhãn lồng Hưng Yên” như một loại đặc sản, mà ít ai biết rằng, loại đặc sản này gần như chỉ còn trong… lịch sử. Khi được hỏi về số phận của giống nhãn lồng, một đặc sản của vùng quê Hưng Yên, anh Nguyễn Văn Hùng, người trồng nhãn tại Khoái Châu, Hưng Yên cho biết, hiện tại số gốc nhãn lồng rất ít, vì nhãn lồng cho năng suất bấp bênh, cây già, cằn; hiệu quả kinh tế kém.

Trước đây, nhãn lồng bị mai một thì giống nhãn Hương Chi được trồng nhiều, nhưng từ năm 1986, khi xuất hiện giống nhãn Miền Thiết thì giống nhãn này đã được trồng đại trà vì… quá ngon, năng suất rất cao và ổn định, lại chống chọi sâu bệnh tốt. Giống nhãn Miền Thiết cũng đã được trồng ở Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hải Phòng và nhiều địa phương khác. Nhưng cũng giống như nhãn lồng, nhãn Miền Thiết trồng ở Hưng Yên là ngon nhất, nên thương hiệu “nhãn Hưng Yên” dường như không có… đối thủ!

Theo Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên, trong những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên rất chú trọng đến sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Hưng Yên đã tích cực đẩy mạnh chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 52 sản phẩm được xếp hạng sao OCOP. Sản phẩm đạt các hạng sao được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận; được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP và thứ hạng sao trên bao bì hiện hành. Trong đó, phải kể đến sản phẩm nhãn muộn Miền Thiết của xã Hàm Tử được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Năm 2018, sản phẩm nhãn muộn Miền Thiết của xã Hàm Tử được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Cây nhãn muộn Miền Thiết, Khoái Châu, Hưng Yên vốn xuất thân từ cây nhãn lồng Hưng Yên, qua quá trình đột biến chọn lọc tự nhiên tạo ra một dòng nhãn mới đó là cây nhãn muộn Miền Thiết. Tên nhãn muộn Miền Thiết (Khoái Châu, Hưng Yên) được đặt tên theo tên của ông Miền và bà Thiết là gia đình có cây nhãn lồng đột biến được công nhận là cây đầu dòng. Nhãn muộn Miền Thiết có đặc điểm quả to, màu vàng sáng (khoảng 50 - 70 quả/kg), vỏ dày, có nhiều gai nổi rõ, ít bị nứt quả, ăn có vị ngọt thơm mát và là một trong những giống nhãn quí cho năng suất cao. Nhãn muộn có thời gian thu hoạch khác biệt hoàn toàn so với nhãn chính vụ, khoảng từ đầu tháng 9 đến 15/10 và thời gian treo quả trên cây dài nên bà con nông dân có thể thu hoạch dải vụ và bán với giá cao trên thị trường. Mặt khác, đặc điểm nổi trội của giống nhãn muộn là tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao và ổn định hơn những giống nhãn thường.

Trong những năm gần đây, do nhãn muộn có nhiều đặc tính ưu việt nên bà con nông dân huyện Khoái Châu đã mạnh dạn chuyển đổi cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng giống nhãn muộn đặc sản. Hiện toàn huyện Khoái Châu có khoảng 500 ha nhãn muộn trồng chuyên canh ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Minh, Bình Kiều, An Vĩ và thị trấn Khoái Châu. Riêng tại xã Hàm Tử, diện tích nhãn Miền Thiết khoảng 300 ha, sản lượng trung bình hằng năm đạt 2.500 - 3.000 tấn, năm sai quả đạt gần 4.000 tấn.

Thông thường, một vụ nhãn được bà con chia làm ba giai đoạn: Trà sớm, trà trung và trà muộn. Trà sớm có thời gian từ tháng 7 cho tới tháng 8, trà trung (chính vụ) bắt đầu từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9. Còn trà muộn cho ra những trái nhãn muộn nhưng vẫn căng mọng, cùi dày, thơm và ngọt lịm là từ tháng 9 cho tới tận tháng 11 dương lịch. Ưu điểm của loại nhãn Miền Thiết nổi tiếng Hưng Yên là cho thu hoạch cả trong chính vụ và muộn cho tới cuối năm.

Thành lập HTX sản xuất theo VietGAP để nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm nhãn Hưng Yên

Từ năm 2014, nông dân của xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu đã liên kết với nhau thành lập Hợp tác xã (HTX) nhãn Miền Thiết. Từ đây, các hộ trong HTX nhãn Miền Thiết đã cùng nhau bắt tay thực hiện quy trình trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đưa loại đặc sản này đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Năm 2017 - quả nhãn Hưng Yên được cấp chứng nhận địa lý - một bước quan trọng trong việc định vị thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho nông sản nổi danh này. Nhiều hộ nông dân trồng nhãn trong huyện Khoái Châu đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất với quy trình khép kín, chặt chẽ từ khâu cắt tỉa, tạo tán, bón phân, phù hợp theo từng thời điểm; tưới nước và giữ độ ẩm cho cây, chăm sóc để bảo đảm cây ra hoa tốt, đậu quả nhiều, không bị rụng quả non. Mỗi cây nhãn đều được đánh số thứ tự và được chăm sóc, theo dõi hàng ngày để bảo đảm chất lượng quả tốt nhất.

Sản phẩm nhãn Miền Thiết luôn được người tiêu dùng lựa chọn tại các Hội chợ, triển lãm đặc sản OCOP trên toàn quốc. Ảnh Trần Quang

Nhờ áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, sản lượng nhãn của huyện đã tăng lên, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm nhãn Hưng Yên, được người tiêu dùng tin tưởng và luôn bán được giá cao hơn giá nhãn đại trà từ 1,2 - 1,3 lần. Năm 2018, sản phẩm nhãn muộn Miền Thiết của xã Hàm Tử được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Trong quá trình liên kết, HTX sẽ quản lý được đầu vào, đầu ra của sản phẩm khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng, cơ quan chuyên môn đều có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, do sản phẩm đã được đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này giúp cho người trồng trọt có sự ổn định trong canh tác và thu nhập, sẽ tạo được thương hiệu của trái nhãn Miền Thiết và tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Với kinh nghiệm trồng nhãn có từ lâu đời và nắm rõ yêu cầu sản xuất theo VietGAP cùng với những đặc tính ưu việt nổi trội của giống, nhãn Miền Thiết đã tạo được thương hiệu trên thị trường trong nước và một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan... đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc.

Từ năm 2017, lần đầu tiên giống nhãn này xuất khẩu đi Mỹ, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, ông tự tin là nhãn Miền Thiết sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng vì quá ngon, chất lượng vượt trội như quả lớn, cùi dày, hạt nhỏ, ăn giòn, vị ngọt thanh và thơm. Lô nhãn xuất đi Mỹ được tỉnh Hưng Yên hỗ trợ 100%, công ty chỉ lo về kỹ thuật, đóng gói vận chuyển xuất khẩu. Giống nhãn này cũng rất dễ bảo quản, vận chuyển đi xa.

Nhãn Miền Thiết có chất lượng vượt trội như quả lớn, cùi dày, hạt nhỏ, ăn giòn, vị ngọt thanh và thơm. Ảnh Trần Quang

Do không chín vào thời điểm chính vụ, nhãn Miền Thiết năm nào cũng được mùa mà không rớt giá với mức cao hơn 30% so với giữa vụ. Nhãn muộn được tiêu thụ thuận lợi tại các thành phố lớn miền Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nhờ chất lượng tốt hơn, nhãn Hưng Yên có khả năng sẽ bán với giá cao hơn khoảng 20% so với nhãn Ido (nguồn gốc từ Thái Lan) đang được xuất khẩu đại trà đi Mỹ. Nếu lô hàng thành công, mùa nhãn năm sau, công ty sẽ tổ chức thu mua và đóng gói tại Hưng Yên để tiết kiệm chi phí và giữ chất lượng nhãn.

Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử cho biết: Nhờ nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường, sản xuất theo hướng hàng hóa, sản phẩm nhãn Miền Thiết xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu đã đạt được nhiều chứng nhận quan trọng như chứng nhận VietGAP, chứng nhận OCOP đã giúp cho vùng trồng nhãn của Hàm Tử khẳng định được thương hiệu của mình, giải quyết vấn đề đầu ra cho người trồng nhãn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác