Cam Vinh lụi tàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận trách nhiệm
Trong số đó, lĩnh vực nông nghiệp được các đại biểu hết sức quan tâm và có nhiều câu hỏi được đưa ra chất vấn trong kỳ họp. Trong phiên chất vấn, đại biểu Vi Văn Quý - Tổ đại biểu huyện Quỳ Hợp cho biết: Khi nhắc đến thương hiệu cam Vinh là niềm tự hào đối với những người trồng cam, đặc biệt là niềm tự hào của người trồng cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp bởi được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu đến từ huyện Quỳ Hợp, thực trạng rất đáng buồn diễn ra là người trồng cam quay lại với cây cam thông qua việc phá bỏ cây cam để chuyển sang cây trồng khác kém hiệu quả hơn.
Theo Đại biểu Vi Văn Quý, thực trạng này diễn ra và đi đến tiếc nuối như ngày hôm nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, công tác quy hoạch, thứ hai quản lý Nhà nước về giống cây còn lỏng lẻo; thứ ba là dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Từ cơ sở thực tiễn, ông Vi Văn Quý đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh cho biết trách nhiệm gắn liền, đồng thời gợi mở những giải pháp trong thời gian tới để có thể hồi sinh cây vốn được xem là chủ lực của vùng.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh lý giải: Cam Vinh trước đây là một thương hiệu, mang lại lợi nhuận rất cao, có thời điểm 1 ha cam đạt 1 tỷ đồng doanh thu nên người dân trên địa bàn phát triển nóng, ồ ạt, không theo quy hoạch.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp Nghệ An cho biết, bây giờ vùng cam Phủ Quỳ dịch chuyển sang các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành.
Sự đi xuống của vùng cam ở huyện Quỳ Hợp cũng tác động lớn đến kế hoạch phát triển cây chủ lực của Nghệ An. Theo “Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; “Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030”, tỉnh đặt ra mục tiêu nhân rộng diện tích trồng cam tới năm 2025 đạt 6.100ha, đến năm 2030 đạt 8.645ha. Tuy nhiên, trên thực tế con số này chỉ còn khoảng 1.700ha.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Phùng Thanh Vinh là toàn bộ vùng này không kiểm soát được giống đầu vào, quy trình sản xuất nên xảy ra bệnh cho cây cam sau 2 kỳ đưa vào sản xuất, kinh doanh. Việc sử dụng phân bón, các chế phẩm bảo vệ thực vật không đúng theo quy trình kỹ thuật cũng gây thoái hóa đất, do vậy, có những vườn cam mới đưa vào kinh doanh phải chặt bỏ bởi cam là loại cây khó tính cần phải tuân thủ quy trình, kỹ thuật.
Để cây cam rơi vào thế lụi tàn, giật lùi về tốc độ phát triển, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng, đó là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương khi quản lý quy hoạch không tốt, rà soát quy trình kỹ thuật không đúng nên phải chấp nhận thực tế này.
Bàn về giải pháp cho cây cam trong thời gian tới, người đứng đầu ngành nông nghiệp Nghệ An cho biết hướng sắp đối với những vùng nhiễm bệnh dứt khoát cần phải chặt bỏ và thay thế các cây họ đậu để cải tạo đất hoặc chuyển sang trồng dứa. Việc này Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã trình UBND tỉnh ban hành chương trình phục hồi phát triển cam Vinh. Theo đó, Nghệ An sẽ phải thực hiện một cách bài bản, đánh giá lại, quy hoạch còn bao nhiêu diện tích có khả năng áp dụng yêu cầu kỹ thuật và chất đất đảm bảo thì tiến hành triển khai trên địa bàn đó, còn lại là phục hồi đất để phát triển lâu dài. Những diện tích cam còn lại sẽ tiếp tục thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học để chăm sóc thật tốt và tiếp tục nhân rộng, kết nối thị trường để giữ được thương hiệu cam Vinh.