Công tác Hội

Cán bộ, hội viên nông dân các cấp đặt niềm tin, gửi gắm hy vọng vào sự thành công của Đại hội

Tạp chí Nông Thôn Mới - 13:00 26/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Sáng 26/12/2023, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã long trọng khai mạc tại Hà Nội. Trong không khí tin tưởng, phấn khởi, cán bộ, hội viên nông dân các cấp trong cả nước đặt nhiều niềm tin, gửi gắm hy vọng vào sự thành công của Đại hội, sự phát triển bền vững của giai cấp Nông dân Việt Nam trong thời gian tới. Tạp chí Nông Thôn Mới đăng tải ý kiến của một số cán bộ Hội Nông dân các cấp gửi tới Đại hội.

Ông Đinh Hồng Thái, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình:

“Hy vọng cả nước sẽ có 1.000 cửa hàng nông sản an toàn do Hội quản lý”

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/HNDTW ngày 29/6/2016 của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN về “Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn”, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”.

Nội dung chính của Đề án là tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm và là chủ thể trong đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP); xây dựng và nhân rộng mô hình. Theo đó, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức ký cam kết và triển khai Đề án đến Hội ND các cấp trong tỉnh; trực tiếp ký cam kết với 50 Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT), chủ doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản có quy mô lớn về tăng cường trách nhiệm về ATTP. 

Trước nhu cầu thiết thực của các hộ nông dân, các THT, HTX sản xuất, chế biến nông sản an toàn (NSAT) là cần có nơi để giới thiệu và tiêu thụ, Hội ND tỉnh đã vận động gia đình Chủ tịch Hội ND phường Đông Thành (TP. Ninh Bình) đứng ra mở “Cửa hàng NSAT”. Hội ND tỉnh đã vận động lãnh đạo TP.Ninh Bình cho mượn 150m2 đất tại khu trung tâm thành phố; tập huấn, kết nối cơ sở cung cấp các sản phẩm NSAT; đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo ATTP; hỗ trợ biển hiệu, mua kệ, tủ bảo quản nông sản...; đứng ra bảo lãnh cửa hàng, đưa biểu trưng của Hội và tên Hội ND tỉnh gắn cùng tên cửa hàng; đồng thời hỗ trợ cửa hàng vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND để đầu tư, mua sắm trang thiết bị.

Sau 3 tháng khai trương cửa hàng NSAT đầu tiên, Hội ND tỉnh đã rà soát, rút kinh nghiệm và nhận thấy hiệu quả nên Hội ND tỉnh tiếp tục vận động mở cửa hàng NSAT thứ hai với quy mô lớn hơn cửa hàng đầu tiên.

Từ hiệu quả của 2 cửa hàng NSAT tại TP.Ninh Bình và TP. Tam Điệp, Hội ND Ninh Bình đã đề xuất và được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý hàng năm hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để Hội ND triển khai mô hình “Cửa hàng NSAT” và xem đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội ND tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2018 - 2023.

Sau 7 năm triển khai và thực hiện Đề án “ND Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”, Hội ND tỉnh đã mở 52 cửa hàng NSAT ở 8/8 huyện, thành phố; thành lập Câu lạc bộ NSAT gồm 60 thành viên nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển, kết nối cung cầu, mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu ổn định; trao đổi, thông tin hàng hóa giữa các cửa hàng. Sau dịch Covid-19, đến nay trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động 35 cửa hàng NSAT. Đặc biệt, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Hội ND các tỉnh, thành phố trong cả nước giới thiệu và bán NSAT của các địa phương.

Song song với triển khai các chuỗi cửa hàng, Hội ND tỉnh đã xây dựng Đề án “Tuyên truyền, vận động nông dân hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần giai đoạn 2020 – 2025” trực tiếp tổ chức gắn biển “Điểm bán hàng hạn chế túi nilon và đồ nhựa dùng một lần” tại 35 cửa hàng NSAT nhằm vận động người tiêu dùng hạn chế túi nilon và đồ nhựa trong sinh hoạt.

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII, trong đó đề ra chỉ tiêu: “Có 100% hộ hội viên sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm”. Để thực hiện chỉ tiêu này, theo tôi cần có các giải pháp cụ thể, một trong những giải pháp hữu hiệu là thành lập và duy trì hoạt động của chuỗi cửa hàng NSAT. Cả nước có 705 đơn vị hành chính cấp huyện. Tôi kỳ vọng sau Đại hội VIII cả nước ta có 1.000 cửa hàng NSAT do Hội ND quản lý. Như vậy, tính ra mỗi huyện có từ 1 - 2 cửa hàng là sẽ đạt được chỉ tiêu này. Từ kết quả triển khai thực hiện của các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình, tôi mong rằng tinh thần này sẽ lan tỏa đến các cấp Hội ND trong cả nước.

Chị Trần Thị Trẻo - cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bến Tre:

“Kỳ vọng nhiệm kỳ tới Hội sẽ có giải pháp giúp nông dân tham gia chuyển đổi số”

“Qua việc nghiên cứu văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, tôi nhận thấy một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá mà Hội xác định là “Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia chuyển đổi số”. Tôi rất quan tâm và kỳ vọng nhiệm kỳ tới Hội sẽ có những đề án, chương trình, kế hoạch giúp nông dân tham gia chuyển đổi số”.

Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều tăng; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế nhỏ, điểm xuất phát thấp, thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, ngoài ra cơ chế phân phối tài chính, huy động bổ sung nguồn vốn cho hoạt động của các cấp Hội còn khó khăn. Những yếu tố trên phần nào ảnh hưởng và tác động đến công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2018 – 2023. 

Tuy nhiên, nông dân Bến Tre có ưu điểm bản lĩnh, nghị lực, không ngại khó khăn, vất vả, cùng với sự thông minh, khéo léo, ý chí cầu tiến, quyết tâm vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, từ đó có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà. Song song đó, thông qua các hoạt động thực tiễn của Hội, nông dân Bến Tre hôm nay có sự trưởng thành, phát triển về mọi mặt, cả về tư tưởng, chính trị và lối sống, phần lớn nông dân trở nên tự chủ, năng động trong nhiều mặt hoạt động.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2018 – 2023, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bến Tre đã thực hiện đạt và vượt 11 chỉ tiêu với những điểm nhấn nổi bật. Nhất là Hội các cấp đã tích cực, chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thiết thực, nhiều cơ sở Hội đã tích cực củng cố vững mạnh và Hội có nhiều mô hình kinh tế hộ tăng cường hợp tác liên kết trong sản xuất chuỗi giá trị, tham gia phát triển kinh tế tập thể,  góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre và phát triển đa dạng các ngành nghề tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.

Phấn khởi trước những kết quả đạt được nhiệm kỳ qua, các cấp Hội và cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Bến Tre xác định phương châm hành động xuyên suốt nhiệm kỳ mới 2023 - 2028 là “Đoàn kết - Năng động - Sáng tạo - Phát triển” và đang được cụ thể hóa Nghị quyết nhiệm kỳ bằng những chương trình, đề án cụ thể. Các cấp Hội trong tỉnh đã sôi nổi tổ chức nhiều công trình thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 và đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho sự kiện chính trị quan trọng này.

Tại Bến Tre những năm qua, mặc dù nông dân đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh nông sản, tuy nhiên kết quả mang lại chưa như mong muốn. Một trong những nguyên nhân hạn chế này là do một số nông dân có nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số chưa cao. Với “Khát vọng Bến Tre 2045”, mong ước của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh là Bến Tre sẽ có nền kinh tế phát triển tiên tiến. Để thực hiện khát vọng đó, nông dân Bến Tre ngoài việc chủ động trong phát triển kinh tế nông nghiệp thì cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phối hợp của Hội với các cơ quan chuyên môn... để không chỉ hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất mà còn giúp nông dân có điều kiện thuận lợi tham gia chuyển đổi số.

Ông Lộc Văn Hiến - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hoá):

“Mong cán bộ không chuyên trách được quan tâm hỗ trợ kinh phí”

“Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam khoá VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 là Đại hội của sự “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”. Hội Nông dân huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá đặt niềm tin và kỳ vọng vào Đại hội sẽ có thêm nhiều nội dung, đổi mới và có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, thiết thực hơn nữa trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân”.

Mường Lát là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thanh Hoá, huyện có 7 xã thuộc xã biên giới và 1 thị trấn, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông, Mường, Thái... Thời điểm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Lát chiếm tới 65,4% và 14% hộ cận nghèo; bình quân số tiêu chí nông thôn mới của huyện lúc bấy giờ mới chỉ đạt 2,5 tiêu chí/xã, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. 

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với các ngành, đơn vị, Hội Nông dân (ND) huyện Mường Lát cũng đã tích cực triển khai chương trình, từ nông thôn mới đã nhiều sự đổi thay cho người dân huyện Mường Lát. Bình quân số tiêu chí ở Mường Lát đạt 6,86 tiêu chí/xã; 17/77 bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021. Tuy nhiên, nếu áp theo Bộ tiêu chí mới được ban hành năm 2022, thì số tiêu chí bình quân của huyện Mường Lát lại chỉ còn 4,86 tiêu chí/xã. Một số xã bị tụt tiêu chí như: Nhi Sơn từ 9/19 tiêu chí năm 2021 còn 5/19 tiêu chí năm 2023; Quang Chiểu từ 6/19 tiêu chí năm 2021 còn 5/19 tiêu chí năm 2023; Tam Chung từ 7/19 tiêu chí năm 2021 còn 4/19 tiêu chí năm 2023...

Trong nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, để hỗ trợ ND, hội viên ND, Hội ND huyện Mường Lát phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát đã ủy thác cho ND vay 96,2 tỷ đồng; cung ứng chậm trả trên 120 tấn phân bón các loại; phối hợp hỗ trợ 1 máy cày cho Hội ND xã Quang Chiểu; phối hợp mở 30 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 900 lượt người; 58 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 3.680 lượt người; xây dựng được 2 mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Phù Nhi; thành lập 1 chi hội nghề nghiệp trồng mận Tam Hoa ở Nhi Sơn.

Hội ND huyện Mường Lát đã phối hợp, hướng dẫn được các chủ thể trên địa bàn xây dựng được 2 sản phẩm OCOP; 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP; đã có 20 sản phẩm đăng ký lên sàn Thương mại điện tử Postmart.vn… Đến nay, toàn huyện Mường Lát đã có 7.204 hội viên nông dân, 5.750 hộ được công nhận danh hiệu gia đình nông dân văn hóa… đã có 1 hộ đạt ND sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 14 hộ đạt cấp tỉnh Thanh Hoá và 162 hộ đạt cấp huyện; nhiều hộ có thu nhập từ 150 triệu, đến 200 triệu đồng trở lên.

Đời sống của bà con ND, hội viên ND huyện Mường Lát chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng quỹ đất nông nghiệp lại thiếu, phần lớn là đất lâm nghiệp, đất rừng. Đối với một số tiêu chí như: Điện, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… đòi hỏi nguồn vốn lớn. Chính vì vậy để các địa phương ở Mường Lát thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới rất cần có chính sách “đặc biệt” trong việc quan tâm, triển khai và thực hiện.

Theo tôi, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN nhiệm kỳ 2023-2028 cần thảo luận, tham gia xây dựng các chính sách và đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ để nâng cao phụ cấp hoạt động cho cán bộ không chuyên trách. Để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, cán bộ không chuyên trách đã phải dành nhiều thời gian công sức. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách còn rất hạn hẹp. Tôi mong rằng, nhiệm kỳ tới các cấp Hội tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, đề xuất để cán bộ không chuyên trách được hỗ trợ một phần kinh phí yên tâm công tác, cống hiến.

Bà Lê Thị Thắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân - Hà Tĩnh):

“Hội sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với nông dân hơn nữa”

“Là cán bộ Hội bám trụ cơ sở nhiều năm qua, tôi rất vui vì phong trào nông dân có nhiều chuyển biến rõ nét. Đặc biệt là hoạt động sản xuất hội viên cùng nhau làm kinh tế giỏi, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên để chất lượng hội viên nâng lên một tầm cao mới, tôi mong muốn thời gian tới các cấp Hội sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với hội viên nông dân hơn nữa”.

Nhìn chung, vai trò của hội viên nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Xuân Mỹ nói riêng và các địa phương khác nói chung chưa được phát huy đầy đủ, chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp, phần lớn nông dân chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động chưa cao, tỷ lệ thiếu việc làm còn tồn tại và chưa phát huy hết tính sáng tạo của người nông dân trong lao động sản xuất. 

Đặc biệt là những đổi mới về công nghệ như hiện nay nông dân khó bề theo kịp để có thể chủ động ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh… Từ đó, có thể thấu rõ người nông dân còn đứng ở vị trí yếu thế trong mọi hoạt động từ sản xuất, liên kết thị trường,…

Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ (2023 – 2028), tôi mong muốn rằng, thời gian tới các cấp Hội Nông dân tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân kiến thức, khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Tăng cường xây dựng mô hình giúp nông dân tiếp cận và làm chủ khoa học, đưa cây, con giống mới năng suất, chất lượng có giá trị kinh tế cao vào canh tác, chăn nuôi.

Để Hội Nông dân thực sự là điểm tựa và là cầu nối để sản phẩm nông dân khó nhọc làm ra được quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh và quan trọng là được thị trường chấp nhận, Hội Nông dân các cấp cần phải có những hỗ trợ thiết thực đồng hành cùng nông dân ổn định tiêu thụ các sản phẩm chẳng hạn như: Liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức để khi nông dân sản xuất tạo vùng hàng hóa có hướng tiêu thụ; tổ chức nhiều buổi tập huấn về ứng dụng công nghệ quảng bá sản phẩm trên nền tảng internet; hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu sản phẩm;…  Song song với đó, vai trò của tổ chức Hội phải được xây dựng, củng cố và phát huy rõ nét hơn nữa.

Đặc biệt, các cấp Hội cần có những định hướng sát với tiềm năng lợi thế của địa phương để giúp hội viên năng động trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Những hỗ trợ đó sẽ góp phần rất quan trọng vào thực hiện các tiêu chí của phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Song song với đó là có nhiều chương trình hỗ trợ giúp đỡ những hội viên thuộc hộ chính sách, hộ nghèo, khó khăn với phương châm cán bộ và hội viên cùng làm không bỏ ai lại phía sau. Thông qua đó để tạo nên chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân một cách rõ nét, xem đó là thước đo làm động lực thu hút hội viên tham gia vào Hội.

Mong các đại biểu tại Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII sẽ thảo luận, thống nhất và đề ra được các giải pháp thiết thực, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Bà Phạm Thị Yến Linh, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước:

“Kỳ vọng Đại hội sẽ có nhiều giải pháp đột phá dành cho nông dân”

“Tôi rất kỳ vọng vào Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII sẽ có nhiều chương trình, giải pháp đột phá, chiến lược dành cho nông dân. Đặc biệt là những giải pháp mới dành cho nông nghiệp, nông dân khu vực đô thị trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ như hiện nay”.

Bình Phước là tỉnh thành có diện tích lớn nhất khu vực miền Nam, với tổng diện tích 687.355ha; trong đó đất nông nghiệp 616.307ha chiếm 89,7%. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, Bình Phước có vùng đất đỏ Bazan màu mỡ rộng lớn, mỗi năm có hai mùa nắng, mưa rõ rệt, không khí trong lành, ít hiện tượng thời tiết cực đoan rất thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với những thế mạnh mà tự nhiên ban tặng, cộng với các quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của người nông dân miền đất đỏ, Bình Phước đã trở thành thủ phủ điều và cao su của cả nước. Nông nghiệp đóng góp tích cực trong tỷ trọng các ngành kinh tế ở Bình Phước với 24,7%. Qua đó, đã góp phần nâng cao kinh tế, cải thiện thu nhập và ổn định an sinh xã hội tại địa phương. 

Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bình Phước đã tiếp tục đổi mới hoạt động, xây dựng Hội Nông dân trong sạch, vững mạnh, quyết tâm thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, kết luận của Tỉnh ủy, của Trung ương Hội với mục tiêu tổng quát là phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Hội ND tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua lớn của Hội, trọng tâm là thực hiện Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước chuyển đổi số trong nông nghiệp, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nhiệm kỳ mới, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cấp chi và cơ sở Hội. Xây dựng và nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt Hội; tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, cung cấp thông tin nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất, tính liên kết trong các chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho nông dân; từng bước hình thành một bộ phận nông dẫn mới có năng lực quản lý, kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh góp phần xây dựng tỉnh Bình Phước giàu mạnh. Hội đã đề ra 2 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2023 – 2028: Xây dựng, triển khai Nghị quyết chuyên đề về phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, đẩy mạnh phát triển chi, tổ hội nông dân theo nghề nghiệp; Tập trung hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể để liên kết và hỗ trợ nông dân, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

Tôi tin tưởng Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam sẽ là Đại hội của sự đoàn kết đồng lòng, dân chủ và nhất trí cao. Hơn 1.000 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 10 triệu cán bộ, hội viên nông dân trong cả nước, sẽ phát huy hết khả năng, trí tuệ, huy động được sức mạnh tập thể để quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ, bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023 - 2028 nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân Việt Nam đạt được nhiều thành công mới.

“Tôi kỳ vọng Đại hội sẽ có nhiều chương trình, giải pháp đột phá, chiến lược dành cho nông dân. Đặc biệt là những giải pháp mới dành cho nông nghiệp, nông dân khu vực đô thị trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ như hiện nay”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác