Thời sự trong nước

Cần quan tâm đến chế độ của cán bộ chi, tổ hội và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp

Nhóm PV - 07:54 26/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 25/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028 với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển" với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu, đại diện cho hơn 10 triệu hội viên nông dân của cả nước đã khai mạc. Các Đại biểu đã cùng thảo luận về các chỉ tiêu, kế hoạch quan trọng của nhiệm kỳ 5 năm tới và đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị.
TIN LIÊN QUAN

Theo Chương trình Đại hội, các Đại biểu đã chia thành 10 tổ tiến hành thảo luận dưới sự chủ trì của các lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các Đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi, trình bày nhiều ý kiến có giá trị, đóng góp tích cực vào các văn kiện được trình tại Đại hội. Đa số các đại biểu đều nhất trí với dự thảo Báo cáo và có ý kiến mong muốn Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ tới cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để hỗ trợ người nông dân và đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Không khí thảo luận tại Tổ thảo luận số 3 rất sôi nổi.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) là sự kiện quan trọng đang được nông dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung quan tâm, theo dõi. Các Đại biểu về dự Đại hội, mang theo nguyện vọng của Hội viên trên cả nước, mong muốn Nghị quyết Đại hội VIII sẽ thực sự đi vào cuộc sống của cán bộ hội viên để nâng cao hiệu quả công tác Hội, hỗ trợ nông dân, tạo động lực để tạo đà cho nông dân cả nước phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế, đời sống nông dân, nông thôn phát triển vững mạnh… Đại biểu Dương Lễ Chi Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: "Công tác Hội trước hết phải chú trọng về phương thức hoạt động nên hướng về cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động Hội ở cơ sở và địa bàn, đặc biệt là các khu dân cư. Trong đó làm sao đảm bảo được quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân; tổ chức các hoạt động gắn liền với hội viên nông dân trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi mong muốn Đại hội có các phương thức hoạt động đảm bảo được các chính sách của Trung ương, Chính phủ đến với người nông dân, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân".

Nhiều đại biểu kỳ vọng vào Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ có nhiều đổi mới tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế.

Dự kiến Đại hội đưa ra 16 chỉ tiêu thi đua trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023-2028 để thảo luận và thông qua, trong đó, có 7 chỉ tiêu mới so với nhiệm kỳ trước như: thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nghề cho hội viên; thành lập tài khoản trên sàn Thương mại điện tử cho hộ nông dân; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã… Nêu thực tế trong công tác Hội ở địa phương, ông Bùi Hương Tích, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến: "Vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khó khăn đối với công tác Hội ở địa phương, cần hỗ trợ nông dân để đảm bảo hoạt động hội hiệu quả và sát với thực tiễn. Chúng tôi xin góp ý kiến về việc bổ sung Điều lệ Hội trong đó kết nạp hội viên danh dự là nhà khoa học, học sinh, sinh viên liên quan đến phát triển Xanh, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số để thu hút thêm nguồn lực hội còn thiếu hỗ trợ cho người nông dân trong quá trình chuyển đổi sản xuất".

Đại biểu Trịnh Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho rằng: "Chúng tôi cho rằng rất cần nhà khoa học, học sinh, sinh viên trở thành những Hội viên Hội Nông dân. Đây là nguồn dồi dào trí tuệ cũng có thể nếu đưa được những thành phần như thế vào tổ chức Hội Nông dân thì hoàn toàn nhất trí. Đây là điểm tựa cho nông dân tại cơ sở khi không thể đi ra khỏi địa phương nhưng vẫn có các thành phần sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm của nông dân đến các địa phương khác cũng như, ứng dụng khoa học vào sản xuất cho nông dân".

Tại Tổ thảo luận số 3, không khí thảo luận rất sôi nổi, khi có tới 11 ý kiến của 11 đại biểu đại diện cho 5 tỉnh đã có tổng cộng 22 ý kiến góp ý cho 2 Dự thảo Văn kiện, Điều lệ Hội.

Đại biểu Đỗ Tiến Yên – Chủ tịch HND huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Tổ thảo luận số 3.

Đại biểu Đỗ Tiến Yên – Chủ tịch HND huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, về Điều lệ đối tượng hội viên tại Đại hội VIII đang bị thu hẹp so với Điều lệ Đại hội VII, việc thu hẹp đối tượng hội viên sẽ giúp cho Hội quản lý tốt hơn và chất lượng hội viên sẽ cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ gây ra khó khăn trong việc kết nạp hội viên mới. "Vì vậy tôi có ý kiến, đối tượng hội viên là những nông dân, công nhân, công dân đủ 18 tuổi, nếu có nguyện vọng thì Hội sẽ xem xét kết nạp, chứ khắt khe quá, chúng ta sẽ khó kết nạp hội viên. Chi hội mà lực lượng hội viên “mỏng” sẽ rất khó hoạt động sôi nổi được", ông Yên nhấn mạnh. Bên cạnh đó, tại Điều 12 về phân cấp, nhiệm vụ của Ban Chấp hành cơ sở, đại biểu Đỗ Tiến Yên cũng cho rằng, cần bổ sung, phân quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các lãnh đạo chi hội trong việc tích cực xây dựng, đổi mới phương thức hoạt động, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên.

Liên quan đến chế độ phụ cấp cho các tổ hội, chi hội cơ sở, đại biểu Nguyễn Thanh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre kiến nghị: "Trong Điều lệ Hội Đại hội VIII cần bổ sung, chú ý đến chế độ cho các tổ, chi hội cơ sở. Quan tâm hơn nữa trong công tác khen thưởng, thay vì 10 năm hội viên được tặng Kỷ niệm chương, theo tôi nên rút ngắn xuống còn 5 năm, để kịp thời động viên khích lệ cho các hội viên tích hơn trong việc tham gia tổ chức Hội, trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên".

Đại biểu Nguyễn Thanh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre cho rằng trong Điều lệ Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến chế độ cho cán bộ các chi, tổ hội .

Ông Dương Hùng Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng (Tổ thảo luận số 9) đề xuất, Đại hội cần làm rõ thêm nội hàm của tiêu chí về mở 500.000 tài khoản giao dịch. Cần nói rõ hơn về tài khoản giao dịch mua hay bán. Bởi Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng cũng đang vận động cán bộ công chức mở tài khoản để tham gia mua bán cùng bà con nông dân trên sàn thương mại điện tử thì đó cũng là một hình thức mở tài khoản. Trong khi đó, bà con nông dân cũng mở tài khoản bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Theo đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng thì việc hoàn thành chỉ tiêu mở 500.000 tài khoản mà không định nghĩa tài khoản mua hay bán thì không khó. "Nếu đăng ký tài khoản mua thì rất dễ, nhưng chúng ta có thực mua hay không hay chỉ lập ra cho đủ chỉ tiêu để đó", ông Dũng băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Vân Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 3, trả lời và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu gửi gắm tới Đại hội.

Thứ hai, đối với chỉ tiêu số 10, 100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế. Đây là tiêu chí khó, không thể làm được, nhất là với địa phương còn khó khăn như Cao Bằng. Tuy đã được Nhà nước quan tâm tạo điều kiên hỗ trợ cho các hộ nghèo nhưng còn những hộ gia đình cận nghèo và mới thoát nghèo thì điều kiện kinh tế của họ cũng chưa đủ để tham gia bảo hiểm y tế.

"Những năm gần đây, chúng tôi có kết hợp với bên Bảo hiểm Y tế để đi tuyên truyền, vận động bà con hội viên hội nông dân tham gia bảo biểm y tế nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng. Bởi, hội viên Hội Nông dân chủ yếu là những bà con vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Theo tôi, cần có tỷ lệ phù hợp hơn ví dụ 80-90%. Hoặc có những cơ chế, chính sách đặc biệt cho những địa phương còn nhiều khó khăn như Cao Bằng chúng tôi", ông Hùng bày tỏ.

Ban Tổ chức Đại hội đã kịp thời ghi nhận, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các Đại biểu, báo cáo với lãnh đạo Trung ương Hội để xem xét, bổ sung vào Báo cáo Chính trị./. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác