Tạo cơ chế, hành lang, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Nông dân
Nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ ND
Tại Hội nghị đã có rất nhiều ý kiến của các đại biểu chỉ ra những khó khăn mà các Trung tâm đang gặp phải đó là hoạt động đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, do một số Trung tâm không được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp nên không được tham gia thực hiện công tác đào tạo nghề tạo nguồn xuất khẩu lao động và giới thiệu việc làm cho nông dân ở địa phương; Hiện nay nhiều Trung tâm chưa xây dựng được đề án sử dụng tài sản công của Trung tâm để khai thác cơ sở vật chất của Trung tâm. Hiện đã có nhiều cơ sở vật chất bị hư hỏng xuống cấp; Công tác quản lý các Trung tâm chưa chặt chẽ, có địa phương còn buông lỏng, hầu hết để các tỉnh tự quản lý, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án khai thác nhưng chưa được phê duyệt; Tên gọi Trung tâm chưa thực hiện thống nhất; Biên chế cán bộ còn thiếu, chưa đảm bảo để các Trung tâm hoạt động hiệu quả…
Theo ý kiến của bà Lê Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam cho biết: Trung tâm dạy nghề của tỉnh Quảng Nam đã hoạt động gần 20 năm, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Hội NDVN, các hoạt động của trung tâm đạt được nhiều hiệu quả được UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cao. Trung tâm hỗ trợ và dạy nghề của Hội ND tỉnh Quảng Nam hoạt động 3 nhóm chính: Đào tạo nghề, cung ứng phân bón trả chậm, giống cây trồng; cung ứng máy công cụ. Hiện nay, Trung tâm đang gặp khó khăn cần tháo gỡ đó là công tác dạy nghề. Theo Quyết định 212 , Trung tâm có tên gọi là “Trung tâm hỗ trợ nông dân”, nhưng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 thì Trung tâm Hỗ trợ ND không có chức năng dạy nghề. Do đó, thời gian vừa qua Trung tâm hỗ trợ ND Quảng Nam không thể thực hiện được chức năng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hội ND Quảng Nam kiến nghị với Trung ương Hội nên thống nhất cách gọi chung cho các Trung tâm này và để đảm bảo cho các trung tâm thực hiện được công tác đào tạo nghề theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch Hội ND Nam Định có ý kiến: Trước đây chúng ta đã có hội nghị bàn về các giải pháp cho hoạt động của Trung tâm hỗ trợ ND nhưng chưa được quyết liệt, rõ ràng. Chính vì thế trong quá trình triển khai thực hiện về địa phương thì mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau. Quan điểm của Trung ương Hội NDVN đưa vấn đề này ra trong Hội nghị này rất được chúng tôi đồng tình về quan điểm chỉ đạo. Trung tâm dạy nghề hoạt động hiệu quả thì vai trò, vị thế của tổ chức Hội sẽ càng được khẳng định và nâng cao.
Từ thực tiễn của Hội ND Nam Định trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội đã mạnh dạn phân các công việc liên quan đến hoạt động dịch vụ, hỗ trợ ND sang cho Trung tâm dạy nghề, Hỗ trợ ND để trung tâm tham mưu triển khai thực hiện. Điều này có tác dụng rất tích cực, toàn bộ chương trình liên ngành phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ ND đều được Trung tâm tham mưu và thực hiện rất tốt trong quản lý, giải ngân vay vốn từ các nguồn vốn trên đến với các hội viên nông dân.
Tuy nhiên, hiện nay các Trung tâm phải thực hiện theo Quyết định 212 về tự chủ kinh phí nên đang gặp khó khăn, vì vậy việc tự chủ kinh phí đề nghị cần có lộ trình, nếu thực hiện ngay các trung tâm sẽ rơi vào tình cảnh “đuối nước” do đó rất cần có sự tiếp sức…
Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội ND TP Hồ Chí Minh băn khoăn về công tác cán bộ khi luân chuyển cán bộ về làm việc tại Trung tâm. Bà Nguyễn Thanh Xuân cho hay: Trung tâm Hỗ trợ ND TP Hồ CHí Minh được thành lập năm 2004, đến nay Trung tâm đã thay đổi công năng hoạt động là Trung tâm Dạy nghề, hỗ trợ ND (thêm chức năng dạy nghề, chức năng hướng dẫn chuyểnn giao khoa học kỹ thuật). Trung tâm có 6 chức năng chính trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng chỉ có 10 biên chế và 2 hợp đồng làm việc. Công việc thì nhiều nhưng lực lượng làm việc lại ít (không được tuyển thêm người). Do đó, Hội ND TP Hồ Chí Minh đang gặp vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ, do cơ chế vận hành, chính sách chế độ phụ cấp. Hiện nay muốn luân chuyển cán bộ về Trung tâm làm việc phải làm công tác tư tưởng. Vướng mắc thứ 2 đó là cần phải đào tạo để cán bộ đó thích ứng với công việc của Trung tâm, do đó mất rất nhiều thời gian…
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến từ 4 tổ thảo luận diễn ra trong buổi sáng, đã có 52/150 đại biểu có ý kiến đóng góp. Các ý kiến trên đều thống nhất để thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp về nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân như trong dự thảo Báo cáo đề cập thì cần phải quan tâm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của Trung tâm; trong hệ thống các trung tâm, Trung tâm Trung ương Hội phải có vai trò làm đầu mối kết nối với các Trung tâm của các địa phương. Bên cạnh đó, cần kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các tỉnh thành phố có Trung tâm thực hiện đúng tinh thần Quy định 212 của Ban Bí thư về tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm; với các bộ, ngành liên quan như Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về chương trình dạy nghề; Bộ Tài chính về hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; nhất là thống nhất các danh mục dịch vụ công của Trung tâm...
Để thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp về nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân trong giai đoạn tới, Thường trực Trung ương Hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu và giao cho Trung tâm Hỗ trợ ND, nông thôn Trung ương tập hợp ý kiến, nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Báo cáo.
5 nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Theo báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, dư âm hậu quả đại dịch Covid-19; thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường; giá xăng dầu tăng liên tiếp, vật tư nông nghiệp biến động, tăng cao đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của hội viên nông dân và gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của các cấp Hội. Nhưng công tác Hội và phong trào nông dân vẫn được chú trọng, củng cố; chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt của các chi, tổ Hội được nâng lên theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao về chất lượng.
Nhận định về tình hình khó khăn trong thời gian tới, biến động an ninh- chính trị trên thế giới; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; tình trạng “được mùa mất giá”, “ùn tắc nông sản” tại các vùng chuyên canh lớn và cửa khẩu; đại dịch Covid-19 còn tiềm ẩn… Tất cả thách thức trên sẽ gây khó khăn đến hoạt động công tác Hội và phong trào ND. Do đó đòi hỏi Hội Nông dân các cấp phải có những giải pháp đáp ứng cho nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội NDVN đã gợi mở một số vấn đề trọng tâm để các cấp Hội tổ chức thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022. Cụ thể:
Thứ nhất, ngay sau Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Hội giao Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội để hoàn chỉnh các văn bản và ban hành triển khai thực hiện ngay; đồng thời các cấp Hội khẩn trương nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy mọi nguồn lực trong cán bộ, hội viên, nông dân và xã hội để triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022, tạo tiền đề, thế và lực cho năm 2023, năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam.
Thứ hai, các cấp Hội tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân triển khai thực hiện Chương trình hành động số 08-CTrHĐ/HNDTW ngày 24/6/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Hội và chương trình hành động của các cấp Hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022. Tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tổ chức Hội; thực hiện tốt công tác thu hút, tập hợp, giáo dục hội viên nông dân, thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội; đổi mới nội dung, phương thức, hoạt động hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp nông dân trên cơ sở xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, đẩy mạnh phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã và các câu lạc bộ của nông dân. Xây dựng và triển khai đề án, kế hoạch về rà soát hội viên gắn với đánh giá chất lượng hoạt động của các Chi, Tổ Hội; xây dựng cơ sở dữ liệu về hội viên nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng hội viên. Chỉ đạo tổ chức thành công đại hội các chi, tổ Hội nhiệm kỳ 2022 - 2027. Tập trung đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy; rà soát đội ngũ cán bộ Hội, chuẩn bị nguồn nhân sự có chất lượng cho Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, cách thức vận động để thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên, nông dân trong các phong trào thi đua của Hội. Tạo cơ chế, hành lang, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân theo tinh thần chỉ đạo, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Hội. Tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; chú trọng bảo toàn, phát triển nguồn vỗn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; tích cực, chủ động phối hợp với doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, máy nông nghiệp cho nông dân; hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản; chú trọng hướng dẫn nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, cấp mã vùng trồng, xây dựng thương hiệu nông sản. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tham gia thực hiện hiệu quả Chương trinh Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Tập trung tổ chức thành công các chương trình, sự kiện lớn của Hội trong 6 tháng cuối năm 2022 như: Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội thi Nhà nông đua tài lần thứ V, Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam, Chương trình tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 4…. Vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo.
Thứ năm, phát huy vai trò, chức năng của tổ chức Hội tích cực, chủ động tham gia hoạt động giám sát và phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị trị. Làm tốt công tác tham mưu và giữ vai trò nòng cốt trong việc nắm bắt dư luận xã hội nông dân, nông thôn. Tích cực tham mưu, phối hợp tổ chức hội nghị để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nông dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nông dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhân dịp này, Trung ương Hội NDVN tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Thào Xuân Sùng, Nguyên Uỷ viên Ban chấp hành TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN.
- Cán bộ Hội tiên phong thực nghiệm, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất phân vi sinh
- Hội Nông dân các địa phương chủ động, tích cực, sáng tạo hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam
- Biểu dương 62 tập thể và 80 cá nhân là cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Nông dân Tam Sơn trao tặng con giống và trồng tre mét chống xói mòn