Cần Thơ lần đầu xuất khẩu 2 tấn xoài tượng da xanh sang Úc, Mỹ
Xuất khẩu 2 tấn xoài tượng da xanh của HTX Nông nghiệp Lộc Hưng
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Cần Thơ phối hợp với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T và UBND huyện Cờ Đỏ đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng xoài tượng da xanh đầu tiên của TP. Cần Thơ sang thị trường Úc và Mỹ.
Lô xoài này có tổng trọng lượng 2 tấn được xuất khẩu bằng đường hàng không, HTX Nông nghiệp Lộc Hưng là đơn vị cung cấp 1 tấn hàng sẽ được xuất khẩu vào thị trường Mỹ và 1 tấn vào thị trường Úc.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, việc xuất khẩu thành công xoài tượng da xanh vào thị trường Mỹ và Úc là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu đàm phán của Bộ NN&PTNT, đồng thời là sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tìm hợp đồng để được xuất khẩu, hỗ trợ bà con nông dân trong việc đăng ký mã vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện hợp đồng thu mua. Sự kiện này cũng đánh dấu sự chuyển mình của ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ trước yêu cầu khắt khe của thị trường.
Chia sẻ niềm vui khi lần đầu tiên xoài tượng da xanh của HTX được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, ông Phan Văn Tây - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Hưng cho biết: “Nhiều năm qua, xoài của xã viên đều phải bán cho thương lái, giá cả bấp bênh không ổn định. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, HTX đã có cơ hội liên kết với doanh nghiệp Vina T&T để thành công xuất khẩu lô xoài tượng da xanh sang “trời Tây”. Đây là niềm vui của HTX Lộc Hưng nói riêng và của nông dân huyện Cờ Đỏ nói chung.”
“Hiện nay, HTX Nông nghiệp Lộc Hưng có 19 xã viên, canh tác 42ha cây ăn trái, trong đó có khoảng 22ha xoài tượng xa danh. Hàng năm, HTX này cũng cấp cho thị trường từ 600-700 tấn trái cây các loại”, ông Phan Văn Tây thông tin.
Cần Thơ phát triển mạnh trái cây xuất khẩu
Hiện, Cần Thơ có tổng diện tích cây ăn trái trên 25.000ha, trong đó xoài có diện tích lớn thứ 2 (sau sầu riêng). Diện tích trồng xoài chiếm 13% và cung cấp hàng năm cho thị trường 17.479 tấn. Xoài được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Cờ Đỏ, Cái Răng và Bình Thuỷ. Loại cây giống chủ yếu là xoài tượng da xanh Đài Loan chiếm 47% với 1.587ha; xoài cát Hoà Lộc chiếm 30% với 1.013ha; các giống xoài khác chiếm 23%. Giá xoài được bán tại vườn dao động từ 10.000-40.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Bên cạnh xoài, nông dân còn trồng khá nhiều loại cây trái ngon, đặc sản có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, giúp mang lại giá trị kinh tế cao, được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đáng chú ý như sầu riêng Ri 6, Măng Thon và các loại mít, mãng cầu, nhãn…
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, ngành Nông nghiệp Cần Thơ đang tiếp tục quan tâm tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết, áp dụng các quy trình canh tác như VietGAP, Global GAP để đáp ứng yêu cầu thị trường về chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng và chuẩn hoá sản xuất đáp ứng theo yêu cầu các thị trường nhập khẩu.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ thông tin, thành phố đã có trên 478ha cây trồng ăn trái đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Các HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây ăn trái tại thành phố đã được cấp 98 MSVT cho hơn 970ha cây ăn trái phục vụ xuất khẩu sang các thị trường thế giới.
Hiện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã được cấp 12 mã số cơ sở đóng gói để phục vụ các thị trường xuất khẩu: Úc, EU, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong định hướng và hỗ trợ nông dân phát triển các vùng cây ăn trái chuyên canh giá trị kinh tế cao để phục vụ xuất khẩu và phát triển du lịch nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ còn chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và nhân rộng các mô hình hiệu quả, đặc biết, chú trọng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị với sự gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; Thúc đẩy nông dân liên kết, hình thành các vùng trồng cây chuyên canh tập trung gắn với các HTX và tổ chức hợp tác để được cấp mã số vùng trồng, tạo thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu.