Cần ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp phát triển
Theo Ban Tổ chức, trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả khả quan. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung – đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế. Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp vẫn là ngành phát triển ổn định.
Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; thị trường bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn. Chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, thiếu ổn định, tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải còn rất hạn chế. Tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế chiếm chủ yếu, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại so với nhiều nước khác. Năng lực chủ động và khả năng thương thuyết trong thương mại quốc tế, năng lực phân tích thông tin và dự báo thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng thương mại, logistics, giao thông vận tải không đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu nội địa...
Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn yếu về lượng và chất
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số 89.5876 doanh nghiệp cả nước đang hoạt động, chỉ chiếm gần 1,35% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.
Quy mô đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%, doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 4% và tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Và một trong những nguyên nhân chính đó là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Hiện nay, chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu tập trung vào hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp như hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ vốn, giống; chế biến sản phẩm; khuyến khích, ,thu hút đầu tư tư nhân; chuyển giao khoa học công nghệ mới.
“Lĩnh vực hỗ trợ của chính sách như vậy được xem là khá toàn diện, tuy nhiên tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt; đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa với nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn” – ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đồng quan điểm cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp còn yếu kém, thể hiện ở việc các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa cập nhật công nghệ sản xuất, chưa chuyên nghiệp quản lý sản xuất và thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn; chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.
“Chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng trong việc cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực nên các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn đang gặp phải điểm yếu liên quan đến chất lượng sản phẩm của mình. Đặc biệt, doanh nghiệp nông nghiệp khó tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất diễn ra phổ biến ở hầu hết địa phương” – bà Trần Thị Hồng Minh thông tin.
Theo bà Lê Hằng- Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, hiện nay, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản Việt còn yếu đó là do nhiều nguyên nhân như: Quy mô sản xuất của doanh nghiệp còn nhỏ, năng suất thấp, sản lượng, chất lượng không ổn định; Chi phí sản xuất cao gồm có thức ăn, con giống thì phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; Cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhua cầu phát triển của ngành; Thiếu vốn cho đầu tư dài hạn.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp nông nghiệp như hiện nay, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp góp phần tháo gỡ, mở hướng phát triển cho doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, đóng góp nhiều hơn cho ngành nông nghiệp và đất nước.
TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, cần tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại, nghiên cứu hình thành các gói tín dụng, quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thực thi các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định; tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính, theo đó nghiên cứu cắt giảm 40 – 50% thủ tục hành chính hiện hành, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối đủ năng lực kết nối các chuỗi giá trị, liên kết thị trường nông sản; tăng cường kết nối hạ tầng logistics nhằm thúc đẩy liên kết vùng đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực toàn vùng.
Cũng theo bà Trần Thị Hồng Minh, Nhà nước cần xây dựng và ban hành chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, kết nối với doanh nghiệp nông nghiệp; thu hút người lao động có trình độ cao về hợp tác xã nông nghiệp; thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao nhận thức, đánh giá mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các tài liệu, hướng dẫn chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản, xây dựng thương hiệu số…
Còn ông Vũ Mạnh Hùng có đề xuất Nhà nước chú trọng nâng cao chất lượng doanh nghiệp nhưng chỉ can thiệp vừa đủ đối với hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp, cần có những cơ chế, chính sách mang tính thúc đẩy, khuyến khích hơn là can thiệp trực tiếp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm tới chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cần xây dựng chiến lược và chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực này phải có sự phối hợp đồng bộ để bao quát hết đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng và có chương trình đặc thù cho các ngành, lĩnh vực, chuỗi giá trị khác nhau.
Đối với doanh nghiệp nông nghiệp và các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp khác, cần phải thay đổi tư duy, trong nền kinh tế thị trường để có thể đáp ứng tốt yêu cầu thị trường thì cần phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng và các nước nhập khẩu.
Phía doanh nghiệp cũng cần đổi mới chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ. Tập trung hỗ trợ các khâu chủ lực trong chuỗi giá trị nông nghiệp như: công nghệ chọn tạo giống; công nghệ bảo quản và chế biến nông sản bằng hình thức Nhà nước hỗ trợ một phần và doanh nghiệp phải bỏ vốn một phần để nâng cao tính hiệu quả của vốn đầu tư.
Bà Lê Hằng cũng đề xuất, đối với các doanh nghiệp thủy sản cần có chính sách và cơ chế hỗ trợ chủ yếu tập trung vào vấn đề nguồn nguyên liệu như nuôi trồng và khai thác, càng có nhiều nguyên liệu trong nước càng tận dụng được quy tắc xuất xứ và ưu đãi thuế nhập khẩu vào các nước CPTPP. Tận dụng nguồn cung nguyên liệu từ các nước trong khối: Nhật Bản, Canada, Malaysia… phục vụ cho mục tiêu sản xuất, xuất khẩu và gia công chế biến cho các thị trường.
Thứ hai là, tăng tỷ lệ chủ động con giống và thức ăn để kiểm soát tốt hơn chất lượng, giá thành sản xuất thủy sản, nhất là thủy sản nuôi.
Thứ ba là, Chính phủ và doanh nghiệp trong nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hơn hệ thống kho lạnh và kho bãi đạt chuẩn phục vụ cho ngành chế biến xuất khẩu.
Thứ tư là, đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng logistic như cảng cá, bến cá, chợ, kho bãi, cầu, đường phục vụ cho vận chuyển thủy cũng như thực phẩm lạnh.
Thứ năm là ưu tiên việc hỗ trợ cho vay vốn lãi suất ưu đãi cho người nuôi, ngư dân, doanh nghiệp chế biết xuất khẩu.