Công tác Hội

“Càng làm thì bà con càng thương, càng quý”

Nguyễn Trang - 07:16 22/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “Tôi làm công việc này vì cái tâm là chính, lúc đầu dân cũng kêu “ăn cơm nhà vác tù và”, nhưng mình nghĩ làm gì có ích cho xã hội, giúp đỡ bà con được thì vui. Thế nên mình càng làm thì bà con càng thương, càng quý” -, ông Vàng Dúa Di - dân tộc Mông, bí thư chi bộ bản Chà Mạy (xã vùng cao Long Hẹ, huyện Thuận Châu, Sơn La) chia sẻ.
Ông Lò Văn Pháng (đứng giữa áo xanh) vận động người dân làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh chụp năm 2019)

Đưa chính sách vào cuộc sống

Về xã vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) ai cũng biết đến ông Lò Văn Pháng, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến.

Ông Pháng là người dân tộc Thái, gia đình sống ở bản Đông Suông. Ngôi nhà sàn 3 gian, nép sau dãy núi chất chứa hình ảnh về một vị cán bộ thanh liêm, giản dị. 

Nhờ đức tính tốt đẹp sống chan hòa, hết mình vì công việc, vì bà con ấy của ông Pháng mà từ lâu ông đã trở thành một người có uy tín ở xã Ngọc Chiến.

Ông Pháng kể lại, năm 2004, khi đó ông còn làm cán bộ Đoàn xã, Trưởng bản Nà Bá, ông đã tiên phong đưa giống lúa nếp 87 về trồng thay thế giống cũ năng suất kém tại các bản, giúp hàng nghìn hộ dân ở xã Ngọc Chiến giải quyết được vấn đề đứt bữa thời kỳ giáp hạt. Sau này giống lúa 87 được người dân trong vùng đổi thành cái tên lúa “Pháng Xiên”- tên của ông Pháng và con trai cả của ông Pháng ghép thành.

Hoạt động được người dân ở xã miền núi Ngọc Chiến nhớ nhất chính là việc ông Pháng kiên trì “đấu tranh” suốt 10 năm dài vận động ban hành Nghị quyết vận động nhân dân không thả rông gia súc. Đề xuất của ông được nhiều người tán thành, nhưng cũng gặp rất nhiều trở ngại từ chính lãnh đạo xã, người dân nên đề xuất ấy vẫn chỉ nằm trên giấy, không thể thực hiện được.

 “Cho đến năm 2016, khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã, tôi đã quyết định thành lập tổ công tác đến từng bản tuyên truyền, vận động người dân trồng cỏ voi, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc. Chúng tôi làm rất quyết liệt nhưng cũng chỉ đạt được khoảng 70%. Phải đến năm 2018 mới tuyên truyền, vận động thành công. Từ khi nuôi nhốt, đàn gia súc được chăm sóc cẩn thận hơn nên béo tốt. Có những con trâu mộng được thương lái đến mua với giá từ 70 -100 triệu đồng”, ông Pháng nhớ lại.

Năm 2017, UBND tỉnh Sơn La đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng con đường lên bản Nặm Nghiệp mở ra cho địa phương hướng đi mới. Tuy nhiên, việc vận động đồng bào người Mông ở bản hiến đất làm đường vẫn gặp nhiều khó khăn. Là người có uy tín, ông Pháng trực tiếp tới từng gia đình để vận động, thuyết phục, giải thích về những chủ trương và lợi ích mang lại cho dân bản. Được ông Pháng phân tích thiệt hơn, các hộ đều vui vẻ đồng ý hiến đất. Từ khi có con đường giao thông thuận tiện đã giúp việc thông thương buôn bán phát triển,  xuất hiện nhiều gia đình làm ăn khá giả. 

Là người có tư duy năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, nhất là việc đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Ông Pháng luôn gương mẫu, tích cực đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách pháp luật, về phát triển kinh tế - xã hội, vận động nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông, tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới, phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo khách du lịch đến với quê hương. 

Hiện nay, với vai trò là Người có uy tín của bản Đông Suông, ông Pháng được bà con kính trọng và tin tưởng. Mọi việc lớn từ trong gia đình đến ngoài xã hội, bà con đều đến gặp ông Pháng xin được ông tư vấn, góp ý, tìm hướng giải quyết. Ông Pháng trở thành chỗ dựa, là nơi trao gửi niềm tin của đồng bào Thái ở bản Đông Suông và xã Ngọc Chiến.

Tuyên truyền bài trừ hủ tục lạc hậu

Cách huyện Mường La không xa, ở huyện Thuận Châu, hàng loạt tấm gương già làng, trưởng bản, người có uy tín cũng được dân bản nhắc đến với tấm lòng kính trọng, yêu thương.

Ông Vàng Dúa Di, người dân tộc Mông là bí thư chi bộ ở bản Chà Mạy (xã vùng cao Long Hẹ, huyện Thuận Châu) cũng được biết đến như người đi đầu trong công tác tuyên truyền hòa giải. 
Mỗi khi làng bản có công việc khó khăn, phức tạp như: Mâu thuẫn gia đình; tranh chấp đất đai giữa dòng họ, người dân.., chỉ cần ông Di có mặt là mọi việc đều êm xuôi.

“Tôi làm công việc này vì cái tâm là chính, lúc đầu dân cũng kêu ‘ăn cơm nhà vác tù và’ nhưng mình nghĩ làm gì có ích cho xã hội, giúp đỡ bà con được thì vui. Thế nên càng làm thì bà con càng thương, càng quý”, ông Vàng Dúa Di nói. 

Ông Vàng Dúa Di nhớ lại, có nhiều việc lúc mình tới tư vấn hòa giải thì người dân ghét lắm, họ tránh mặt không gặp. Thế rồi dần họ hiểu mình có ý tốt, họ thương, họ không làm khó dễ cho mình nữa. Nhờ vậy, việc ông chia sẻ, thực hiện hoạt động tư vấn hòa giải cũng được thuận lợi hơn.  

Ông Sùng Chờ Nó - Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ cho biết, nhiều năm liền ông cùng với ông Vàng Dúa Di đã tích cực đến nhà trưởng các dòng họ và từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, bảo vệ an ninh trật tự thôn, bản…

Là trưởng dòng họ Vàng, ông Di đã gương mẫu thực hiện trong gia đình mình. Khi con gái ông Di đi lấy chồng, gia đình ông không thách cưới bằng bạc trắng, chỉ lấy 500 nghìn đồng và tổ chức cưới hỏi gọn nhẹ, không ăn uống dài ngày như trước. Khi gia đình có người qua đời, ông Di họp gia đình thống nhất tổ chức đám tang theo nếp sống mới, đưa người mất vào áo quan và để trong nhà không quá 2 ngày...

Thấy ông Di thực hiện việc cưới, việc tang trong gia đình vừa giản dị, tiết kiệm mà vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, các gia đình trong dòng họ Vàng và các dòng họ Thào, Sùng, Lầu trong vùng đã đồng thuận làm theo.

Bên cạnh đó, nhờ được ông Di tuyên truyền, người dân trong bản không còn di cư tự do, không còn trồng cây thuốc phiện, không phá rừng làm nương, tập trung lao động sản xuất. Theo đó, cuộc sống của người dân ở bản Chà Mạy và các bản trong vùng từng ngày khởi sắc, những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy. Người dân không còn bị kẻ xấu lợi dụng làm điều trái với quy định của pháp luật. 

Ông Vàng Dúa Di chia sẻ: “Chừng nào tôi còn sức tôi vẫn sẽ nỗ lực cùng cán bộ địa phương tuyên truyền tư vấn chính sách giúp bà con chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bản làng giàu đẹp”. 

 “Toàn tỉnh Sơn La có hơn 2.000 cán bộ và Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đang phát huy rất tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Họ là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước… góp phần xây dựng các bản làng vùng cao ngày một giàu mạnh”.
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác