Chăn nuôi và thủy sản sẽ là 2 lĩnh vực để nông nghiệp duy trì tăng trưởng cả năm
Khẳng định tại buổi họp báo Quý 3 và kế hoạch thúc đẩy sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021, định hướng năm 2022 vừa diễn ra vào ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi và thủy sản là 2 lĩnh vực còn dư địa để ngành Nông nghiệp duy trì tăng trưởng trong năm nay.
Trong điều kiện hết sức khó khăn như: dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan nhưng 9 tháng qua, ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, duy trì đà tăng trưởng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7%, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, đặc biệt Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và phục vụ xuất khẩu, ngành xác định 4 nhóm giải pháp. Theo đó, tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid 19 tại từng tỉnh, thành phố; tháo gỡ các rào cản đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả.
“Các lĩnh vực đều tăng trưởng âm, GDP âm 6,17 % nhưng nông nghiệp vẫn đảm bảo tăng trưởng 1,04 % và lũy kế 7 tháng qua vẫn đạt 2,74%. Tuy nhiên, khó khăn từ nay đến cuối năm là rất lớn, hiện nay đã đạt 35,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhưng để đạt được mục tiêu 44 tỷ USD không phải dễ vì nguồn nguyên liệu hiện nay còn gặp khó khăn, hơn nữa do khống chế dịch bệnh nên lưu thông, vận chuyển khôi phục lại sản xuất là bài toán phải tháo gỡ. Vì vậy, cần phải quyết tâm nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 3 tháng cuối năm, vừa đảm bảo thực phẩm trong nước vừa duy trì kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp. Theo đó, ngành tập trung 4 nhóm giải pháp về đẩy mạnh sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, dịch bệnh; tháo gỡ rào cản và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản đòi hỏi phải tăng trưởng mạnh hơn trong Quý 4.
“Phấn đấu hết năm, tăng trưởng đạt 2,8%, như vậy trong Quý 4 phải tăng khoảng 3%, muốn tăng được thì phải dựa vào chăn nuôi và vào thủy sản, còn lĩnh vực trồng trọt hiện còn rất ít dư địa. Tuy nhiên, chăn nuôi và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn bởi giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Nếu không đẩy mạnh 2 lĩnh vực này thì ngành khó có thể đạt được mục tiêu khi vật tư nông nghiệp tăng cao. Đây là bài toán lớn với ngành Nông nghiệp cần phải tháo gỡ”, ông Nguyễn Văn Việt cho biết.
Chỉ rõ những tồn tại và khó khăn mà ngành chăn nuôi đang gặp phải, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi nhấn mạnh, giờ là lúc các địa phương không phải thực hiện giãn cách xã hội tăng cường đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ các tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
“Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tái đàn để có nguồn thực phẩm cho cuối năm vì các doanh nghiệp có thế mạnh về việc này. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố không giãn cách xã hội tiếp tục duy trì và tăng phát triển chăn nuôi để hỗ trợ cho những địa phương đang giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay vốn để doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn. Giảm áp lực của giá thức ăn và nguyên liệu đầu vào tăng cao cần tăng cường sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, đặc biệt liên kết trong chuỗi để có thể tiết kiệm được đầu vào giảm giá thành sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Trọng nêu rõ.
Liên quan lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc đạt mục tiêu trong nuôi trồng thủy sản không khó. Khi các doanh nghiệp chế biến hoạt động trở lại được thì việc khôi phục sản xuất sẽ đạt được. Ngành sẽ tổ chức lại khai thác hải sản, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi để cố gắng đạt mục tiêu về sản xuất và xuất khẩu của năm nay.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời và làm rõ hơn những vấn đề về gỡ thẻ vàng IUU về khai báo hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; hướng dẫn mới trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; đảm bảo nguồn nhân lực khi các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản khôi phục sản xuất trở lại…/.
(Theo VOV)
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân