Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2023 tăng trưởng tốt
Từ đầu năm đến nay tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường truyền thống vẫn đạt được tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường Philippines, là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 48,3% tổng lượng xuất khẩu và 45,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước trong quý I/2023; tương đương lượng xuất khẩu đạt 893,2 nghìn tấn với trị giá 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và tăng 44,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai, chiếm trên 9,6% trong tổng lượng và 9,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam; tương đương 340,3 nghìn tấn với trị giá 199 triệu USD) tăng 90,7% về lượng và tăng 118,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường Indonesia đứng thứ ba, chiếm 8% trong tổng lượng và chiếm 7,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước; tương đương 148,5 nghìn tấn với trị giá 69,7 triệu USD) tăng gần 180 lần về lượng và hơn 177 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý I/2023 kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Đơn giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.
Châu Á tiếp tục là khu vực xuất khẩu lớn nhất trong quý I/2023, đạt gần 1,57 triệu tấn, chiếm hơn 84,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2022. Châu Phi duy trì vị trí thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, đạt hơn 157 nghìn tấn, chiếm 8,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Long An cho biết: Quý I/2023 tổng sản lượng xuất khẩu gạo của tỉnh Long An đạt 290.587 tấn, kim ngạch 155,7 triệu USD tăng 108,79% về sản lượng so với cùng kỳ, tăng 120% về kim ngạch so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hồng Kông; Singapore; Malaysia; Indonesia; Mozambique; Châu Phi và các số thị trường khó tính như: Đức, Anh, Hà Lan, Pháp…Mỹ, Canada, Dubai…
Thị trường Trung Quốc đang mở cửa trở lại sau một thời gian dài thực thi chính sách “zero Covid” dẫn tới khách hàng Trung Quốc có nhu cầu mua gạo Việt Nam rất nhiều khiến thị trường gạo Việt Nam sôi động ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn về chính trị tại một số nước đã làm tăng nhu cầu dự trữ lương thực. Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2023 bởi dự báo giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Năm 2022, xuất khẩu gạo của Đồng Tháp đạt 413.200 tấn, kim ngạch đạt 201,76 triệu USD, tăng 33% về lượng, và 20% về giá trị so với năm 2021. Trong quý I/2023, lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp đạt 100,434 tấn, kim ngạch ước đạt 56,8 triệu USD, tăng 11,6 % về lượng và tăng 21,6% về giá trị so với năm 2022.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Trong những tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, các yếu tố biến động địa chính trị, lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn tác động tiêu cực đến sự phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nhóm lương thực, thực phẩm của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo.
Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2023 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hoá với giá có lợi cho người nông dân.
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định; gạo thơm và gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu. Ngoài ra, xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng còn khiêm tốn nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam và khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu.
Chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng chinh phục các thị trường khó tính, điều này đồng nghĩa với khả năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam sang một số quốc gia khác ngày càng thuận lợi hơn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xuất khẩu gạo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, dài hạn; chưa thực sự đa dạng hóa thị trường; công tác phát triển thị trường cần được tăng cường hỗ trợ, đảm bảo tương xứng với tiềm năng của ngành hàng. Ở một số phân khúc thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nguồn cung khác như: Thái Lan ở phân khúc gạo thơm và gạo trắng cao cấp; Ấn Độ, Pakistan tại phân khúc gạo trắng thường giá rẻ...
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất gia tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo...
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cơ cấu lại từng chủng loại giống đặc thù, đến mã vùng trồng phục vụ cho công việc xuất nhập khẩu gạo, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu…
Tăng cường tuyên truyền, tích cực hướng dẫn thực hiện các cam kết của Việt Nam cũng như các nước đối tác để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, phát huy vai trò liên kết giữa các thương nhân để định hướng xuất khẩu, chủ động đàm phán, giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả, nâng cao vị thế gạo Việt Nam tại một số thị trường có tiềm năng tiêu thụ lớn.