Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt sóng gió, hướng tới mốc 10 tỷ USD
Sản lượng và kim ngạch tăng trưởng ấn tượng, cá tra Việt Nam dẫn đầu thị trường Mỹ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết sản lượng thủy sản 10 tháng đầu năm nay đạt gần 7,9 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nuôi trồng là động lực chính với sản lượng hơn 4,6 triệu tấn, tăng 3,8%. Xu hướng này phù hợp với báo cáo SOFIA 2024 của FAO, chỉ ra rằng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu đã lần đầu tiên vượt sản lượng đánh bắt tự nhiên. Việt Nam cũng được FAO xếp vào top 10 quốc gia có sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới.
Về xuất khẩu, kim ngạch 10 tháng vừa qua đạt 8,33 tỷ USD, tăng trưởng 12%. Các mặt hàng chủ lực như tôm và cá tra đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Đáng chú ý, kim ngạch tháng 10 đạt 1,1 tỷ USD, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ sau hơn hai năm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, với đà tăng trưởng ấn tượng này, nếu 2 tháng cuối năm mỗi tháng đạt khoảng 1,8 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản sẽ cán mốc 10 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 9,5 tỷ USD. Sự tự tin của ngành Thủy sản đến từ nhiều yếu tố thuận lợi. Nhu cầu thủy sản thế giới tăng cao, đặc biệt là ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc. Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt là đối với mặt hàng cá tra. Trong 5 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ luôn đạt trên 1,5 tỷ USD, có năm lên đến 2,1 tỷ USD.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2019 đến 2023, Mỹ luôn nằm trong top những nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 527 triệu USD, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra. Tuy tỷ trọng có giảm xuống còn 15% vào năm 2023, nhưng Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ cá tra quan trọng.
Thị phần cá tra Việt Nam tại Mỹ tiếp tục được khẳng định khi số liệu từ Trung tâm thương mại thế giới (ITC) cho thấy, từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2024, phi lê cá tra đông lạnh đã vượt qua phi lê rô phi đông lạnh, trở thành sản phẩm cá thịt trắng được ưa chuộng nhất tại thị trường này. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá tra Việt Nam tại Mỹ vẫn rất lớn.
Yếu tố thuận lợi tiếp theo đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết mang lại nhiều lợi thế về thuế quan, giúp hàng thủy sản Việt Nam cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, từ việc tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, đến việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Không chỉ thụ động chờ đợi, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng chủ động thích ứng với tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Nhiều thách thức phía trước, đòi hỏi nỗ lực thích ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành Thủy sản vẫn còn đối mặt với không ít thách thức như biến động tỷ giá, rủi ro dịch bệnh, cạnh tranh gay gắt từ các nước khác. Để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ngành Thủy sản cần tiếp tục nỗ lực, tận dụng tốt các cơ hội, đồng thời chủ động ứng phó với các khó khăn, thách thức.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP nhận định ngành Thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Bên cạnh những khó khăn từ các thị trường lớn như thuế quan, quy định ngặt nghèo, ngành còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, môi trường và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Tình trạng thiếu nguyên liệu đang là vấn đề nan giải đối với ngành tôm và cá tra, ngay cả trong mùa cao điểm nhập khẩu. Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế và sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ để duy trì sản xuất.
Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc tuy tăng trưởng dương trong tháng 10 nhưng có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của Nghị định 37 về kiểm soát hải sản khai thác. Việc xác nhận, chứng nhận thủy sản tại nhiều cảng cá bị đình trệ, gây khó khăn cho xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp đối mặt với nguy cơ đứt gãy nguồn cung do ngư dân e ngại khai thác cá ngừ vằn vì quy định mới về kích thước tối thiểu.
Ngành Hải sản khai thác đang phấp phỏng chờ đợi và hy vọng có kết quả tích cực hơn sau chương trình thanh tra IUU của EU dự kiến vào tháng 11/2024. Nếu kịch bản thuận lợi, thì hy vọng xuất khẩu cá ngừ năm nay có thể cán đích 1 tỷ USD như năm 2022. Để vượt qua khó khăn trên, bà Lê Hằng khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến cho rằng cần tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), giảm sản lượng khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng để khai thác hiệu quả tiềm năng, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.